Từ cầu Bình Triệu, xuôi quốc lộ 13 khoảng hơn 1km, hướng về Ngã tư Bình Phước. Mọi người sẽ thấy bên tay trái là khu nhà hàng, cà phê sân vườn mang tên CLB Hồng Cường. Khuôn viên 6.500m² khoáng đãng, nên thơ với kênh rạch và nhiều khoảng xanh... Nhưng đó không phải là cái hấp dẫn nhất của CLB này.
Từ sự hoài nhớ về người cha
Cái hấp dẫn mọi người đến với Hồng Cường chính là bộ sưu tập xe gắn máy cổ cả trăm chiếc được trưng bày trong khuôn viên này. Các loại xe trưng bày ở đây có thể tiêu biểu cho tất cả các loại xe gắn máy hai bánh có mặt tại Việt Nam từ năm 1940 cho đến nay. Một biên niên sử sống động của xe gắn máy hai bánh.
Chủ nhân của bộ sưu tập này (chủ đầu tư CLB Hồng Cường) là hai anh em: Nguyễn Hiển Tuấn và Nguyễn Tuấn Cường, đều có chung niềm đam mê sưu tập xe cổ đến... say đắm. Tất cả đều bắt đầu từ cái chết đột ngột của người cha vào năm 2005. Trong đám tang của ông, chiếc Lambretta 150cc màu trắng sữa, chiếc xe ông đã “cày” suốt bao nhiêu năm để nuôi sống gia đình, được các con ông dựng trước bàn thờ, như một lời tưởng niệm, tri ơn về người cha suốt đời vất vả, hy sinh vì gia đình.
Sau thời gian này, Hồng Cường - cơ ngơi làm ăn lớn này do người cha gầy dựng suốt mấy chục năm trời - phát triển mạnh và trở thành một trong những đại lý lớn cung cấp vỏ ô tô tại TPHCM. Những dịp giỗ chạp, mấy anh chị em ngồi ôn lại những kỷ niệm của một thời khó khăn đã qua và hình ảnh người cha thân yêu cùng hình bóng những chiếc xe mà ông đã đi trên cõi đời này, từ thuở hàn vi đến khi nhắm mắt xuôi tay, đó là những: Velo Solex, Honda PC, Vespa Sprint...
Thế là, được sự khuyến khích của cả gia đình, cộng với sự am hiểu chút đỉnh về xe máy, nỗi đam mê xe cổ và quan trọng nhất, lúc này “hầu bao” từ cả hệ thống cung cấp vỏ ô tô của gia đình đã “rủng rỉnh”, hai anh em Hiểu Tuấn và Tuấn Cường bắt đầu lao vào cuộc “truy lùng” xe gắn máy cổ với sự khát khao cháy bỏng. Họ bắt đầu bằng việc mua lại chiếc Honda 67 và chiếc Cub 78 “cối” mà anh Tuấn đã bán ban đầu để lấy vốn làm ăn...
Đến bộ sưu tập độc đáo
Còn nhớ, chiếc xe đầu tiên (ngoài chiếc Honda 67 và Cub 78), mở ra bộ sưu tập độc đáo sau này là chiếc Honda 65. Khi mua về, chiếc xe này đã rệu rã lắm lắm, cũng không còn đồ “zin”. Để hoàn chỉnh chiếc xe đầu tiên này, họ lặn lội ra chợ trời phụ tùng xe gắn máy Tân Thành (quận 5), chọn mua từng món đồ về lắp ráp thành một chiếc hoàn chỉnh như thuở ban đầu nó vốn có (nhưng trong con mắt giới chơi xe, việc này vẫn là chơi xe “lai”, không còn nguyên chiếc như chính hãng Honda đã lắp ráp, nhập vào Việt Nam).
Cũng vì việc này, tuy tự hào với “kỳ công” của mình về chiếc xe đầu tiên này, nhưng hai anh em như bị dội gáo nước lạnh vì bị “dân chơi” xe cổ chê quá, chê đến rát mặt. Quê độ, cả hai bèn nung nấu ý định quyết tìm, mua và sưu tầm cho được “trọn bộ” những mẫu xe Honda nam, từ đời đầu tiên năm 1964 đến đời cuối năm 1972, đã được nhập vào Việt Nam.
Trời không phụ lòng người chịu khó. Cơ duyên cho hai anh em gặp được một chủ xe, sở hữu cả chục chiếc Honda “đỉnh cao”, nhìn mà phát... thèm. Đó là một người đàn ông vừa mất vợ nên ông bán đi, về quê ở ẩn để quên đời. Mua được lô xe cả chục chiếc này, lập tức bộ sưu tập xe Honda nam (lúc này đã gần cả trăm chiếc) của Hiểu Tuấn và Tuấn Cường lập tức “lên màu”. Được dân chơi xe cổ Sài Gòn “ngả nón” kính nể. Sướng quá, đã quá. Lúc này, cả hai mới cảm thấy được cái sự... lên đỉnh của nghề chơi xe cổ.
Ngay sau đó, họ còn... lên đỉnh lần nữa khi mua được chiếc Honda 72 “đẹp nhất Việt Nam”, có cái giá thị trường ước chừng khoảng 40.000USD. “Còn giá mỗi chiếc trong lô xe tuyệt đẹp kia khoảng bao nhiêu?”. Khi được hỏi, họ cho biết, khó biết chừng nhưng “đổ đồng”, giá mỗi chiếc cũng khoảng 5 - 7 trăm triệu đồng. Vào thời điểm này, bộ sưu tập xe cổ của họ đã gần 200 chiếc đủ loại. “Vì trong khi hoàn chỉnh bộ sưu tập Honda từ năm 64 đến năm 72, chúng tôi đã gặp rất nhiều các loại xe khác nhau và đều thẩm định rồi mua lại cả”, anh Cường cho biết.
Họ cũng nổi tiếng trong giới sưu tập xe cổ Sài Gòn là những chuyên gia “giữ của”, chỉ mua xe về, không bán. Đồng thời, với bộ sưu tập khá nhiều của mình, cả hai nung nấu một sân chơi để hàng tuần “anh em chơi xe cổ có dịp gặp nhau, trước là “khoe xe”, sau là để học hỏi, trao đổi kinh nghiệm và nhất là chia sẻ niềm đam mê xe cổ với nhau”, anh Tuấn tâm tình. Từ tâm tình này, cả hai lùng thuê một mặt bằng đủ lớn để trưng bày xe, giao lưu, biểu diễn xe. Và họ đã kiếm được một mặt bằng ưng ý, đó là CLB Hồng Cường hiện tại.
Những thứ “độc”
“Độc” nhất của bộ sưu tập (gần 300 chiếc xe gắn máy) được trưng bày tại đây vẫn là bộ sưu tập Honda nam từ đời năm 1964 đến 1972. Với các tên gọi “vang bóng một thời” như: 1S 65 máy đũa; 66 không có đèn xi nhan; 66 pô vắt, 69 bình xăng cá lẹp. Bộ sưu tập này được trưng bày trong... tủ kiếng, chỉ để ngắm, không được rờ.
Rồi đến những chiếc Honda CD 125cc đời đầu tiên được xuất xưởng năm 1966, chiếc CD “đầu 10” được sản xuất năm 1970, có cả hai chiếc xe Honda 99cc màu đỏ và đen, mới chạy được... vài chục kilômét, chỉ được sản xuất riêng cho thị trường nước Mỹ. Cả hai chiếc này được đặt hàng nhập về Việt Nam từ Mỹ và đều có giấy chứng nhận là hai chiếc xe gắn máy... đẹp nhất nước Mỹ. Cả chiếc Suzuki 100cc, màu vàng đời 1968 kiểu dáng rất đẹp, cũng được công nhận là chiếc xe đẹp nhất nước Mỹ.
Còn riêng anh Tuấn Cường, anh còn sở hữu một ô tô Fiat (Ý), hai chỗ ngồi, hai cửa, màu đỏ, đời năm 1954. “Đây là chiếc Fiat độc nhất vô nhị tại Việt Nam” - anh khẳng định. Đến đây, người mê xe cổ sẽ có cảm giác choáng ngợp bởi một “rừng” xe, đủ màu, đủ kiểu. Có nhiều chiếc Mobylette máy đũa, Cady màu vàng đất nguyên thủy từ những năm 1944 mà dân chơi xe nhìn phát... thèm. Rồi cả bộ Suzuki, từ nam đến nữ, Yamaha đủ kích cỡ, màu sắc và phân khối. Các dòng xe Sach, Bridgestone, Goebel, PC, Peugoet, Vespa, Lambrettic, BMW... cũng đủ các đời.
Nơi đây còn trưng bày một chiếc Sidecar IZS sản xuất năm 1949. Dân gian thường gọi đó Xít đờ ca, ba bánh, có một thùng ngồi phụ bên phải, rất đẹp và hiếm. Anh Cường cho biết, trước đây cứ mỗi tuần tụi tôi cho xe nổ máy một lần để bảo dưỡng. Sau mỗi tuần phải 2 - 3 lần để cho máy nổ êm.
Điều “độc” nữa ở đây là, khách vào ăn uống, đi xe xịn cỡ nào cũng phải gửi xe ngoài bãi nhưng “những ai đi xe sản xuất từ trước năm 1975 vào đây ăn uống, đều được chúng tôi cho chạy thẳng vào khu trưng bày xe, dựng xe ngay tại bàn của mình. Hoặc chạy vòng vòng để ngắm xe, ngắm cảnh” - anh Cường cho biết.
Bảo Quỳnh