Mới đây, tại buổi tiếp xúc giữa Đoàn đại biểu Quốc hội TPHCM với cử tri ngành giáo dục, Hiệu trưởng Trường THCS Bạch Đằng (quận 3 TPHCM) Phạm Thị Huệ bức xúc: “Sau ngày khai giảng, điệp khúc tiền trường lại vang lên và trường nào cũng cảm thấy áp lực mới đè nặng. Không hiệu trưởng nào muốn lên báo chí và bị soi mói vì các khoản thu thêm để đầu tư cho môi trường giáo dục tốt hơn, học sinh được chăm lo thụ hưởng nhiều hơn. Đứng trước mâu thuẫn phải nâng cao chất lượng giáo dục, xây dựng trường tiên tiến, hiện đại nhưng kinh phí cấp eo hẹp. Còn vận động phụ huynh đóng góp thì bị lên án, bị dư luận phản ứng…”.
Cũng theo cô Huệ, hai năm gần đây nhà trường không được phép thu khoản tiền cơ sở vật chất từ phụ huynh, thế nhưng ngân sách không cấp bù, cấp đủ theo yêu cầu. Vậy nhà trường lấy gì để sửa chữa, nâng cấp trường, lớp, bàn ghế hư, quạt gãy, nhà vệ sinh xuống cấp?... Đó là chưa kể nhiều việc phải làm, phải đầu tư để trường ra trường lớp ra lớp; tạo môi trường học đường sạch sẽ, khang trang, cổng trường trật tự, an ninh...
Đây cũng là nỗi niềm chung của các hiệu trưởng - những người gánh trọng trách lái con tàu giáo dục đi đúng hướng, đảm bảo chất lượng và từng bước tiếp cận nền giáo dục tiên tiến trên thế giới. Trọng trách được giao lớn nhưng họ không được cấp đủ tài chính để đầu tư, xúc tiến các hạng mục. Nhiều hiệu trưởng than thở: Túi của chúng tôi luôn rỗng và kinh phí cấp thường xuyên cho mỗi trường chỉ đủ để chi lương, lấy đâu nguồn lực để đầu tư phát triển hoạt động giáo dục theo yêu cầu? Nhìn con tàu giáo dục của mình mắc cạn với ngổn ngang cái khó, cái thiếu, nhất là cơ sở vật chất xuống cấp, thiếu phòng thực hành, phòng học năng khiếu, khu vui chơi thể thao, văn nghệ... hiệu trưởng nào không đau lòng?
Có vị tâm sự rằng đi tham quan trường học tiên tiến ở các nước về thấy thương, thấy tội học trò của mình quá. Và để học sinh của mình có điều kiện học hành, phát triển toàn diện hơn, nhiều hiệu trưởng ở TPHCM đã dám nghĩ dám làm; linh hoạt trong quản lý, điều hành trường học. Họ phải sắm vai là nhà sư phạm, kiêm nhà kinh doanh để kiếm tiền lo cho đội ngũ giáo viên và đổi mới trường học.
Để tạo nguồn thu thêm từ chủ trương xã hội hóa, các trường phải cho thuê mặt bằng, huy động sự đóng góp của mạnh thường quân, hội phụ huynh. Từ sự sẻ chia, hỗ trợ nhiệt tình này, cộng thêm tâm huyết, sự quyết tâm vượt khó của ban giám hiệu nhà trường, nhiều công trình sửa chữa nâng cấp trường học, nhà vệ sinh, đầu tư mảng xanh cho sân trường… đã mọc lên. Không những thế, để học sinh tiếp cận với môi trường học tập tiên tiến, nhiều trường đã chủ động trang bị máy móc hiện đại cho lớp học như máy chiếu, bảng tương tác, phòng học 3D… So với các tỉnh thành khác, học sinh TPHCM đang có điều kiện, môi trường học tập tốt hơn, tiên tiến hơn.
Kết quả này là sự tích hợp nguồn lực từ ngân sách thành phố luôn ưu tiên cho giáo dục và nguồn đóng góp lên đến hàng chục tỷ đồng của các mạnh thường quân, của nhiều thế hệ phụ huynh học sinh.
Tuy nhiên, xung quanh câu chuyện xã hội hóa nguồn thu, tạo tiềm lực phát triển giáo dục, dư luận vẫn chưa đồng tình với một số cách làm, cách thu tiền thiếu thuyết phục của nhà trường, ban đại diện hội cha mẹ học sinh. Dù hiện tượng “ép buộc”, thu không đúng quy định, sử dụng đồng tiền của phụ huynh kém hiệu quả chỉ là hiện tượng nhỏ - “con sâu làm rầu nồi canh” - thì cũng cần phải chấn chỉnh kịp thời. Như thế rất cần vai trò giám sát hoạt động của quỹ hội nhằm đảm bảo quyền dân chủ của phụ huynh, học sinh, hạn chế tiêu cực từ chủ trương xã hội hóa nguồn thu cần phải đặt ra.
Vấn đề quan trọng nhất là các trường phải thu đúng và sử dụng các nguồn thu một cách hiệu quả nhất, đem lại lợi ích thiết thực cho quá trình học tập của học sinh và giảng dạy của nhà trường. Có như thế, sự thỏa thuận và tinh thần tự nguyện sẽ được phát huy và chủ trương xã hội hóa các nguồn thu cho giáo dục mới đảm bảo đúng mục đích của nó trong quá trình dạy và học.
KHÁNH HÀ