Thu giữ hơn 1,8 tấn pháo trong 50 ngày cao điểm

Tính đến nay, lực lượng chức năng Hà Nội qua hơn 50 ngày thực hiện cao điểm đã trực tiếp đấu tranh, bắt giữ 133 vụ việc, 170 đối tượng vi phạm pháp luật về quản lý, sử dụng pháo; thu giữ 1,8 tấn pháo; 3.838 quả, hộp, ống pháo…

Tính tới ngày 8-2, Công an TP Hà Nội đã khởi tố 40 vụ, 48 đối tượng; xử phạt hành chính 32 vụ, 36 đối tượng, số tiền hơn 139 triệu đồng, trong đó đã đưa ra xét xử 12 vụ, 14 đối tượng với tổng mức án lên tới 157 tháng tù giam, một số mức án nghiêm khắc dành cho những đối tượng cố tình vi phạm pháp luật về pháo.

Trong các vụ việc đã bị xử lý, điển hình như vụ đối tượng Đặng Văn Thinh (sinh năm 1990, trú tại xã Thắng Lợi, huyện Thường Tín, Hà Nội) đã lên mạng xã hội đặt mua 27 khối pháo hoa nổ loại 49 ống, với giá 900.000 đồng/1 khối, 24 khối pháo nổ với giá 700.000đồng/1khối và 26 bánh pháo nổ với giá 700.000 đồng/1 bánh.

1-2024-250thumb-1919.jpg
Tang vật một số vụ việc người dân tự chế tạo pháo bị thu giữ

Thinh mang số pháo giấu tại trang trại nuôi heo của gia đình ở cánh đồng thôn Hạ Giáp, xã Thắng Lợi với mục đích bán kiếm lời. Ngay sau đó, Thinh đã bị xử phạt 5 năm tù giam về tội buôn bán hàng cấm (là pháo hoa nổ trái phép).

Cũng theo Công an TP Hà Nội, thời gian qua, trên địa bàn Hà Nội đã có một số vụ tai nạn thương tâm từ việc tự ý nghiên cứu chế tạo, sản xuất pháo nổ qua các clip, bài viết hướng dẫn trên mạng xã hội trong đó đa số nạn nhân đều là các em học sinh còn đang ngồi dưới ghế nhà trường.

Điển hình như vụ việc 3 em học sinh cấp 2 tại huyện Sóc Sơn. Sau khi tìm hiểu clip chế tạo pháo trên mạng xã hội TikTok, các em đã tự đặt mua nguyên liệu qua ứng dụng Shopee về để chế tạo pháo. Tuy nhiên, trong quá trình làm đã dẫn đến phát nổ, khiến cả 3 bị thương.

Thời điểm giao thừa Tết Nguyên đán giáp Thìn 2024 đang cận kề, Công an TP Hà Nội khuyến cáo người dân tuyệt đối không sản xuất, tàng trữ, buôn bán, vận chuyển và đốt các loại pháo trái phép; vận động người thân và mọi người xung quanh không sản xuất, buôn bán, tàng trữ, vận chuyển và đốt các loại pháo trái phép. Chỉ sử dụng các loại pháo hoa của Bộ Quốc phòng đã được cấp phép tại những nơi không gian thoáng để phòng ngừa cháy nổ.

Khuyến cáo nhân dân về việc sử dụng pháo hoa

Phân biệt rõ pháo hoa (được phép sử dụng) và pháo hoa nổ (không được phép sử dụng). Pháo hoa là sản phẩm được chế tạo, sản xuất thủ công hoặc công nghiệp, khi có tác động của xung kích thích cơ, nhiệt, hóa hoặc điện tạo ra các hiệu ứng âm thanh, ánh sáng, màu sắc trong không gian, không gây ra tiếng nổ (theo điểm b, khoản 1, điều 3 Nghị định 137/2020/NĐ-CP).

Pháo nổ là sản phẩm được chế tạo, sản xuất thủ công hoặc công nghiệp, khi có tác động xung kích thích cơ, nhiệt, hóa, hoặc điện gây ra tiếng nổ hoặc gây ra tiếng rít, tiếng nổ và hiệu ứng màu sắc trong không gian (theo điểm a, khoản 1, điều 3 Nghị định 137/2020/NĐ-CP).

Khi có nhu cầu mua pháo hoa phải mua tại các điểm bán được cơ quan nhà nước cấp phép; nghiêm cấm các hoạt động mua đi, bán lại sản phẩm pháo hoa khi chưa được cấp phép theo quy định.

Tin cùng chuyên mục