Mấy ngày qua, thông tin Phòng GD-ĐT quận Ngũ Hành Sơn (TP Đà Nẵng) tổ chức tập huấn cho giáo viên kiến thức sử dụng Internet với mục tiêu quản lý học sinh thông qua các trang mạng xã hội, đặc biệt là facebook, đã nhận được nhiều ý kiến phản hồi từ phía dư luận xã hội.
Trước tiên, không thể phủ nhận tính tiến bộ, tích cực về nhận thức của một bộ phận cán bộ làm công tác quản lý giáo dục. Sau hàng loạt tranh cãi về việc nên hay không ủng hộ trào lưu học sinh sử dụng facebook thì nay, lần đầu tiên có địa phương dám công khai quyết định mở lớp tập huấn, hướng dẫn giáo viên sử dụng mạng xã hội trên phạm vi rộng. Phát biểu trước báo giới, ông Trần Văn Hồng, Trưởng phòng GD-ĐT quận Ngũ Hành Sơn (Đà Nẵng), thừa nhận: “Cấm học sinh sử dụng mạng xã hội là điều không thể, chính vì vậy thay vì cấm cản, chúng tôi thấy cần có biện pháp quản lý và định hướng. Nếu sử dụng mạng xã hội theo hướng tích cực sẽ giúp ích rất nhiều cho các em trong việc nâng cao kỹ năng sống và học tập”.
Cách đây ít lâu, cả thế giới từng rúng động trước vụ một nữ sinh 14 tuổi người Italia tự tử vì những lời lăng mạ, buộc tội trên facebook. Trước đó, có một cậu bé 13 tuổi người Pakistan cũng bị 4 kẻ lạ mặt bắt cóc, hành hung chỉ vì những lời mời kết bạn thiếu rõ ràng qua facebook. Mới đây nhất, đã có ít nhất 4 bang ở các nước Mỹ, Đức ra điều luật cấm học sinh sử dụng facebook. Tuy nhiên, mặc cho rất nhiều lời cảnh báo, ngày càng có nhiều học sinh tham gia vào trào lưu kết bạn này. Chỉ tính riêng ở quận Ngũ Hành Sơn (Đà Nẵng) đã có đến hơn 60% học sinh THCS và THPT sử dụng facebook. Con số này ở TPHCM là 72,8%. “Thiết lập một tài khoản facebook hiện nay mất chưa đầy 2 phút, nếu bị thầy, cô kiểm soát dữ quá, tụi em chuyển qua sử dụng trang mạng khác. Nhưng dù dưới hình thức nào, một khi chủ nhân cố tình không khai báo thông tin hoặc chọn chế độ ẩn nick thì giáo viên dù muốn cũng khó lòng kiểm soát được”, một học sinh lớp 11 (giấu tên) bày tỏ. Do đó, quy định buộc thầy, cô phải theo dõi, nhắc nhở học sinh sử dụng ngôn ngữ qua facebook mới chỉ là điều kiện cần nhưng chưa đủ.
Việc các thầy cô nắm được cách sử dụng mạng xã hội, cùng tham gia và trao đổi ý kiến với học sinh không những góp phần giáo dục được hành vi, ngôn ngữ mà còn uốn nắn tác phong, cách ứng xử, cách xử lý tình huống cho học sinh. Nói như Thạc sĩ Nguyễn Hoàng Khắc Hiếu, giảng viên khoa Tâm lý học, Trường ĐH Sư phạm TPHCM - chủ nhân của trang facebook có số lượng thành viên truy cập và yêu cầu kết bạn cao kỷ lục, mỗi status của anh có hàng trăm lượt người like và chia sẻ trên facebook: “Trong thời buổi công nghệ thông tin phát triển nhanh như vũ bão, giáo viên ngoài nhiệm vụ truyền đạt tri thức còn đóng vai trò là một người bạn, chia sẻ mọi tâm tư, nguyện vọng chính đáng của học sinh”. Chỉ khi làm được như thế, facebook hay bất kỳ kênh giao tiếp xã hội nào khác mới gạt bỏ được những tác động tiêu cực của nó, hướng học sinh vào những suy nghĩ, hành động tích cực, giàu tính nhân văn.
Trào lưu sử dụng facebook hiện nay thật ra chỉ là hình thức nối dài của nhu cầu chia sẻ, kết bạn thông qua các trang mạng xã hội, một nhu cầu hết sức bình thường và chính đáng của học sinh sau các hình thức chat trên yahoo messenger và thành lập trang blog. Thay cho việc cấm đoán, các trường nên xác định đây là một trong những kênh tham khảo, giúp quản lý, giáo dục học sinh hữu hiệu về hành vi, tác phong đạo đức. Chỉ khi làm được như thế, khoảng cách thầy - trò mới được kéo gần lại, học sinh có thể dễ dàng bày tỏ quan điểm, suy nghĩ của mình trên tinh thần dân chủ, cầu tiến.
THANH THU