Thu hồi tài sản sẽ triệt tiêu động cơ tham nhũng?

Ngày 26-11, tại Hà Nội, Thanh tra Chính phủ (TTCP), Bộ Tư pháp phối hợp với Đại sứ quán Vương quốc Anh đã tổ chức Đối thoại về phòng, chống tham nhũng (PCTN) lần thứ 13 giữa Chính phủ Việt Nam và cộng đồng các nhà tài trợ, các đối tác phát triển quốc tế. Đây là đối thoại PCTN thường niên, năm nay có chủ đề “Các giải pháp phòng ngừa tham nhũng (PNTN) và thu hồi tài sản tham nhũng”.
Thu hồi tài sản sẽ triệt tiêu động cơ tham nhũng?

Ngày 26-11, tại Hà Nội, Thanh tra Chính phủ (TTCP), Bộ Tư pháp phối hợp với Đại sứ quán Vương quốc Anh đã tổ chức Đối thoại về phòng, chống tham nhũng (PCTN) lần thứ 13 giữa Chính phủ Việt Nam và cộng đồng các nhà tài trợ, các đối tác phát triển quốc tế. Đây là đối thoại PCTN thường niên, năm nay có chủ đề “Các giải pháp phòng ngừa tham nhũng (PNTN) và thu hồi tài sản tham nhũng”.

Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc trao đổi với các đại biểu tại buổi đối thoại về phòng, chống tham nhũng

Tài sản tham nhũng được tẩu tán tinh vi

Tại cuộc đối thoại, đại diện TTCP cho rằng, tuy có nhiều nỗ lực nhưng việc thực hiện một số giải pháp phòng ngừa tham nhũng thời gian qua hiệu quả còn thấp. Đặc biệt, tỷ lệ thu hồi tài sản tham nhũng rất thấp. Nhiều vụ việc không thể thu hồi tài sản do không phát hiện, truy tìm được tài sản đã được các đối tượng phạm tội chuyển hóa tinh vi dưới nhiều cách thức khác nhau, chuyển quyền sở hữu cho người thân, thông qua hoạt động rửa tiền, mua sắm các tài sản, phương tiện có giá trị... thậm chí có việc chuyển ra nước ngoài. Nguyên nhân được xác định là do quá trình phát hiện, điều tra, xử lý một vụ việc tham nhũng ở Việt Nam diễn ra tương đối dài, bị cắt khúc qua nhiều cơ quan xử lý khác nhau, trong khi đó các cơ quan có thẩm quyền thường chưa kịp thời áp dụng các biện pháp nghiệp vụ (kê biên tài sản người phạm tội), dẫn đến tình trạng người phạm tội tẩu tán hết tài sản…

 

* Theo báo cáo về công tác PCTN năm 2014 của Chính phủ, lực lượng cảnh sát điều tra các cấp đã thụ lý 415 vụ án về tham nhũng với số tiền thiệt hại trên 6.740 tỷ đồng, đã thu hồi nộp ngân sách Nhà nước trên 1.500 tỷ đồng (đạt 22,3%). Còn theo số liệu của Viện Kiểm sát nhân dân tối cao, từ 1-10-2010 đến 30-4-2013, tổng giá trị tài sản tham nhũng và thiệt hại do tham nhũng gây ra được phát hiện và xác định trên 17.000 tỷ đồng. Tổng giá trị thu hồi được gần 5.000 tỷ đồng (đạt khoảng 29,4%).

 

Theo Bộ trưởng Bộ Tư pháp Hà Hùng Cường, phòng ngừa là giải pháp đầu tiên và quan trọng nhất trong PCTN, vì phòng ngừa sẽ ngăn chặn ngay từ đầu các điều kiện, cơ hội để hành vi tham nhũng có thể hình thành, phát sinh và gây ra hậu quả cho xã hội. “Trong đó, thu hồi tài sản tham nhũng là nhằm khắc phục hậu quả nguy hiểm cho xã hội của hành vi tham nhũng, trả lại nguồn lực cho Nhà nước, xã hội, triệt tiêu động cơ của tội phạm tham nhũng” - Bộ trưởng Hà Hùng Cường cho biết. Theo ông, khó khăn nhất hiện nay của Việt Nam trong công tác này là văn hóa sử dụng tiền mặt nên mức độ minh bạch chưa cao. Việc áp dụng các biện pháp đảm bảo thu hồi tài sản trong tố tụng hình sự chưa được thực hiện kịp thời dẫn đến tình trạng người phạm tội tẩu tán tài sản. Bên cạnh đó, có một số vụ việc không thể xử lý là tội phạm tham nhũng mà chỉ có thể xử lý tội “cố ý làm trái...” hoặc tội phạm khác nên việc thu hồi tài sản không thể thực hiện được. Các cơ quan tố tụng cũng chưa quan tâm nhiều đến tội phạm rửa tiền, hay tập trung trừng phạt trực tiếp người bị kết án mà chưa lưu ý nhiều vào việc đánh vào lợi ích kinh tế của người phạm tội tham nhũng. Từ thực tế đó, Bộ Tư pháp đưa ra 3 giải pháp lớn để thu hồi tài sản tham nhũng hiệu quả hơn, trong đó có việc thay đổi nhận thức để thấy rõ việc thu hồi tài sản tham nhũng không chỉ thông qua kết án hình sự mà cần thông qua các kênh khác như kênh dân sự, kênh hành chính vì vấn đề quan trọng nhất là đánh vào và làm triệt tiêu động cơ, lợi ích kinh tế của người phạm tội tham nhũng và những người có liên quan. Bên cạnh đó, phải hoàn thiện các chế tài về thu hồi tài sản tham nhũng.

Phát biểu tại đối thoại, Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc khẳng định, quyết tâm chính trị của Đảng, Nhà nước, Chính phủ Việt Nam trong công tác PCTN là rất rõ ràng. Trong Hiến pháp 2013 quy định rất rõ về việc này, Chính phủ cũng đã ban hành chiến lược về PCTN. Hơn nữa, Việt Nam có thành lập cả Ban Chỉ đạo Trung ương PCTN do Tổng Bí thư làm trưởng ban. Tuy nhiên, Phó Thủ tướng thừa nhận, công tác PCTN ở Việt Nam dù có tiến bộ, nhưng chưa đạt yêu cầu đặt ra, đặc biệt là thu hồi tài sản do tham nhũng mà có còn thấp (mới chỉ đạt 22,3%). Phó Thủ tướng cho rằng, cùng với những bài học của quốc tế về PCTN và thu hồi tài sản để làm bài học, cùng với việc hoàn thiện thể chế, Việt Nam sẽ thực hiện ngày càng tốt hơn nữa Công ước Liên hiệp quốc về PCTN. Việt Nam đã coi diễn đàn Đối thoại về PCTN là một cơ chế đặc thù trong việc trao đổi thông tin về PCTN, bởi tại đây, nhiều sáng kiến PCTN được chia sẻ thẳng thắn, cởi mở.

Đánh chuột đừng để vỡ bình

Đánh giá cao Việt Nam đã thể hiện quyết tâm chính trị rất cao trong PCTN, nhưng Đại sứ Vương quốc Anh tại Việt Nam Giles Lever chỉ ra rằng, qua chỉ số đánh giá hiệu quả trong lĩnh vực hành chính công năm 2013 cho thấy, tình hình tham nhũng và nhận hối lộ trong khu vực công vẫn đang là vấn đề nổi cộm tại Việt Nam. Từ nhiều khảo sát cho thấy, người dân và cộng đồng quốc tế vẫn thấy tham nhũng đang tràn lan ở Việt Nam. Để PCTN thành công, Đại sứ Vương quốc Anh cũng như các đối tác đều cho rằng, Việt Nam cần tiếp tục tăng cường phối hợp giữa các cơ quan chức năng trong nước, đẩy mạnh quan hệ hợp tác với các cơ quan, tổ chức quốc tế. Ngài Đại sứ Vương quốc Anh nhấn mạnh, trong PCTN, cần chú ý đến đội ngũ doanh nghiệp, vì doanh nghiệp vừa là nạn nhân của nạn tham nhũng, doanh nghiệp còn vừa là đối tác quan trọng trong PCTN. Hơn nữa, trong môi trường hội nhập, việc PCTN còn có ý nghĩa quan trọng trong việc cải thiện môi trường kinh doanh, thu hút các nhà đầu tư. Bởi nếu tham nhũng còn tồn tại trong môi trường kinh doanh thì hiệu quả hội nhập, hợp tác quốc tế và thu hút đầu tư sẽ giảm.

“Ở Việt Nam có nói rằng, đánh chuột đừng để vỡ bình. Tôi tin là Việt Nam tìm được cách để đánh chuột mà không vỡ bình. Bởi ở nhiều nơi trên thế giới đã cho thấy, nếu cứ để chuột có cơ hội lớn lên, nó sẽ làm vỡ bình. Cho nên, Việt Nam cũng cần có những con mèo để diệt chuột, hoặc ít ra phải có thuốc chuột, có bẫy chuột… Và dù cách nào, mục đích chính là phải diệt được chuột, nếu không, sẽ đến lúc chuột đuổi chủ ra khỏi nhà”- Đại sứ Vương quốc Anh ví von một cách hình ảnh.

PHAN THẢO


* Tổng Thanh tra Chính phủ HUỲNH PHONG TRANH: Ông Trần Văn Truyền có dấu hiệu vi phạm về tài sản

Bên lề Đối thoại về PCTN lần thứ 13, Tổng Thanh tra Chính phủ (TTCP) Huỳnh Phong Tranh đã trả lời báo chí liên quan đến việc thu hồi tài sản của ông Trần Văn Truyền. Theo Tổng TTCP Huỳnh Phong Tranh, nguyên Tổng TTCP Trần Văn Truyền là cán bộ thuộc diện Ban Bí thư quản lý. Sau khi Ban Bí thư chỉ đạo và Ủy ban Kiểm tra Trung ương có kết luận, việc thu hồi tài sản của ông Truyền đã được các cơ quan chức năng tích cực thực hiện kịp thời. Ủy ban Kiểm tra Trung ương cũng đã giao Tỉnh ủy Bến Tre tiến hành kiểm điểm trách nhiệm và xử lý theo các quy định của Đảng và Nhà nước. “TTCP là cơ quan cũ của nguyên Tổng TTCP Trần Văn Truyền sẽ theo dõi để thông tin kịp thời cho báo chí, cũng như có sự phối hợp với các cơ quan chức năng” - ông Huỳnh Phong Tranh nói.

Trả lời báo chí về vụ ông Trần Văn Truyền có dấu hiệu tham nhũng không, Tổng TTCP Huỳnh Phong Tranh chia sẻ: “Việc này theo đúng kết luận của Ủy ban Kiểm tra Trung ương thôi, chúng tôi không nói được gì khác hơn. Ủy ban Kiểm tra Trung ương đã kết luận có dấu hiệu vi phạm về tài sản, về chế độ chính sách của nhà nước thôi”.

* TPHCM: Thu hồi, hoàn trả lại tiền mua nhà cho ông Trần Văn Truyền

(SGGP).- Ngày 26-11, Phó Giám đốc Sở Xây dựng TPHCM Đỗ Phi Hùng đã ký văn bản gửi Công ty TNHH MTV Quản lý kinh doanh nhà TP về xử lý căn nhà 105 Nguyễn Trọng Tuyển, phường 15 (quận Phú Nhuận) đã bán theo Nghị định 61 cho bà Trần Thị Ngọc Huệ (con gái nguyên Tổng Thanh tra Chính phủ Trần Văn Truyền). Theo đó, Sở Xây dựng TPHCM đề nghị Công ty TNHH MTV Quản lý kinh doanh nhà TP thực hiện thu hồi căn nhà số 105 Nguyễn Trọng Tuyển theo đúng trình tự, thủ tục quy định của Nghị định 34/2013/NĐ-CP của Chính phủ về quản lý, sử dụng nhà ở thuộc sở hữu nhà nước, hoàn trả tiền mua nhà cho gia đình bà Trần Thị Ngọc Huệ theo quy định.

HOÀI NAM

Tin cùng chuyên mục