Gần 10 năm trước TPHCM đã có cơ chế khuyến khích đầu tư xây dựng bãi đậu xe trong nội thành như là một trong những giải pháp quan trọng nhằm chống ùn tắc giao thông và tai nạn giao thông. Thế nhưng, cho đến thời điểm hiện nay chỉ có một bãi đậu xe ở Bình Chánh ra đời từ chủ trương này, song lại hoạt động khá èo uột… Mới đây, UBND TPHCM đã giao các sở ngành liên quan nghiên cứu xây dựng một quy định mới về khuyến khích đầu tư xây dựng bãi đậu xe trên địa bàn TPHCM.
Cân nhắc đến thực tế
Ngoại trừ các bãi đậu xe do Lực lượng Thanh niên xung phong và một số lực lượng công ích khác đảm trách, thực hiện nhiệm vụ công ích cho TP còn giữ xe gắn máy 2 bánh với giá 2.000 đồng/chiếc, xe hơi với giá khoảng 10.000 đồng/xe… phần lớn các bãi đậu xe còn lại đều giữ xe với giá cao hơn mức giá nêu trên nhiều lần. Các bãi đậu xe này lại đa phần không được đầu tư nhiều. Chúng thường chỉ là bãi đất trống, không mái che nắng, che mưa…
Trong khi đó, xây dựng bãi đậu xe ngầm là vấn đề không đơn giản từ kỹ thuật cho tới quản lý, đặc biệt vốn đầu tư rất lớn nhưng các sở ngành chức năng lại muốn nhà đầu tư chỉ được giữ xe với giá rẻ như giá công ích, làm sao khả thi? Hiện nay trong giấy phép đầu tư xây dựng bãi đậu xe, ngành chức năng không khẳng định rõ nhà đầu tư phải giữ xe với giá bao nhiêu, nhưng mọi thông số tính toán liên quan đến suất đầu tư các sở ngành đều lấy với mức tính là giá giữ xe công ích, thậm chí rẻ hơn công ích: giá giữ xe gắn máy 2 bánh là 500 đồng/xe và ô tô là 5.000 đồng/xe.
Theo ông Lê Tuấn, Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Đầu tư Không gian ngầm (IUS), thực tế mà một nhà đầu tư như ông mong muốn các sở ngành xem xét, đó là đa phần các khu vực được đậu xe trên đường, lực lượng được giao nhiệm vụ đến thu phí chỉ làm công tác “trông xe” không phải “giữ xe”. Xe bị trầy xước hoặc mất cắp thiết bị chủ xe tự chịu.
Trong khi đó, dịch vụ mà IUS đang đầu tư là dịch vụ “trông, giữ xe”, nhà giữ xe sẽ chịu hoàn toàn trách nhiệm bảo quản xe trong quá trình giữ xe. Do vậy, nếu các sở ngành chức năng lấy mức giá “trông xe” đơn thuần để tính toán cho dịch vụ trông giữ xe trọn gói của doanh nghiệp là bất hợp lý. Hãy để doanh nghiệp được chủ động xây dựng giá giữ xe trên cơ sở chất lượng dịch vụ của mình, ông Lê Tuấn nói.
Không chỉ là hiệu quả kinh tế
Khách quan mà nói, các sở ngành chức năng cũng có căn cứ khi muốn siết chặt, muốn quản lý giá giữ xe của các doanh nghiệp. Đa phần các dự án đầu tư xây dựng bãi đậu xe ngầm đều được dành một diện tích đáng kể để kinh doanh, để bù đắp một phần chi phí đầu tư xây dựng. Tuy nhiên, trong bối cảnh kinh tế khủng hoảng, người dân thắt chặt chi tiêu như hiện nay, ưu đãi về phần đất kinh doanh, không hấp dẫn nhà đầu tư. Hơn nữa, chi phí đầu tư xây dựng bãi đậu xe ngầm rất lớn. Với số vốn ấy, doanh nghiệp chỉ cần đem gửi ngân hàng lấy lãi cũng thu được một khoản tiền không nhỏ.
Như vậy, làm sao thu hút doanh nghiệp đầu tư xây dựng bãi đậu xe? Ngoài đề xuất được chủ động xây dựng giá giữ xe, các doanh nghiệp còn đề nghị được hỗ trợ một phần lãi suất vay vốn đầu tư. Cách đây gần 10 năm, TPHCM đã có chủ trương hỗ trợ 3% lãi vay vốn đầu tư và phần vốn này không được quá 70%/tổng mức đầu tư trong thời hạn 10 năm… Đề nghị ngành chức năng áp giá thuê đất theo tinh thần đây là dự án phát triển hạ tầng cơ sở. Điều này rất quan trọng vì các ngân hàng sẽ căn cứ vào đây để cho doanh nghiệp vay vốn đầu tư.
Hiện nay Sở Giao thông Vận tải đang tổ chức lấy ý kiến các sở ngành liên quan để hoàn thiện quy chế khuyến khích đầu tư xây dựng bãi đậu xe trên địa bàn TP Chưa biết quy chế này ra sao, nhưng theo ông Bùi Xuân Cường, Phó Giám đốc Sở Giao thông Vận tải, ngành sẽ xem các dự án xây bãi đậu xe là dự án đa mục tiêu mà trong đó mục tiêu lớn nhất là giải quyết tình trạng thiếu bãi đậu xe gay gắt ở TP, hướng tới chống ùn tắc giao thông. Hiện nay thiệt hại do ùn tắc giao thông ở TPHCM là rất lớn, không những về tiền bạc mà còn là sức khỏe, thời gian của nhân dân. Chi phí này nhiều khi lớn hơn rất nhiều chi phí mà ta cân nhắc quá kỹ với doanh nghiệp. Hơn nữa, về nguyên tắc, doanh nghiệp kinh doanh có lãi phải đóng thuế cho nhà nước. Như thế, rõ ràng nhà nước vẫn quản lý được doanh nghiệp.
| |
NGUYỄN KHOA