
Theo đánh giá của các công ty du lịch, khách du lịch Nga có chi tiêu cao, thích ở nơi có dịch vụ cao cấp, tương đối dễ tính so với nhiều thị trường khác. Du lịch của khách Nga là du lịch hưởng thụ, không đòi hỏi cao về vấn đề du lịch văn hóa.
Cùng với dấu hiệu tích cực trên, việc Thủ tướng Chính phủ vừa đồng ý miễn thị thực cho công dân Liên bang Nga mang hộ chiếu phổ thông với thời hạn tạm trú 15 ngày, không phân biệt mục đích nhập cảnh (với điều kiện không thuộc diện không được nhập cảnh VN theo Pháp lệnh về nhập cảnh, xuất cảnh, cư trú của người nước ngoài tại VN) chính thức có hiệu lực từ ngày 1-1-2009 như tạo thêm động lực trong việc thu hút khách Nga đến VN.
Thị trường khách Nga đang nổi lên như một hiện tượng, khi mà nhiều thị trường truyền thống và trọng điểm của VN như Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc đã liên tục giảm trong những tháng cuối năm năm 2008. Riêng tại TPHCM, trong 9 tháng đầu năm 2008, khách Nhật đã giảm 7%, chiếm tỷ lệ cao nhất trong các thị trường du lịch. Hàng loạt công ty du lịch, lữ hành muốn mở rộng sang thị trường khách Nga.

Khách nước ngoài xem ảnh triển lãm về TPHCM ở quận 1. Ảnh: ĐỨC TRÍ
Theo số liệu thống kê, trong 7 tháng đầu năm 2008, VN đón khoảng 31.000 lượt khách Nga, dự kiến cả năm sẽ đón khoảng 60.000 lượt khách. So với nhiều thị trường khác thì con số trên chẳng thấm vào đâu nhưng rõ ràng, khách Nga sẽ là một thị trường quan trọng của VN trong thời gian tới.
Ngay từ bây giờ, ngành du lịch VN phải giải được bài toán “mời khách đến, đãi khách bằng cái gì” ? Để chuẩn bị đón đầu một thị trường, ít nhất phải mất 1-2 năm để định hình sản phẩm, xây dựng chương trình riêng cho thị trường, tiếp thị quảng bá, chuẩn bị nhân sự để phục vụ…
Thực tế hiện nay cho thấy, chỉ riêng lực lượng hướng dẫn viên (HDV) biết tiếng Nga đã là một cái khó cho ngành du lịch VN. Tiếng Nga đã trở thành ngoại ngữ hiếm. Tại TPHCM hiện nay chỉ có 18 HDV tiếng Nga. Tại Triển lãm Quốc tế du lịch TPHCM vừa diễn ra tại TPHCM, nhiều công ty du lịch tại VN đã bỏ qua cơ hội ký kết với các doanh nghiệp du lịch tiềm năng đến từ thị trường Nga, vì không có người phiên dịch tiếng Nga! Điều này khiến người ta liên tưởng đến việc thiếu HDV tiếng Hàn mà cho đến nay, sau một thời gian dài lên tiếng vẫn chưa có một giải pháp nào mang tính thực thi.
Ngay cả giải pháp “chữa cháy” bằng cách sử dụng “chuyển ngữ viên” tiếng Hàn cũng bị ách tắc. Tổng cục Du lịch VN đã có chủ trương đào tạo chuyển ngữ viên, Sở VH-TT-DL TPHCM đã phối hợp với Đại học Kinh tế TPHCM mở 2 lớp đào tạo 51 học viên người Hàn Quốc, nhưng vẫn chưa có quy chế tạm thời nên những học viên đáp ứng yêu cầu trở thành “chuyển ngữ viên” không thể làm được. Dù Sở VH-TT-DL TPHCM đã gởi nhiều công văn xin ý kiến về vấn đề này, nhưng Tổng cục Du lịch vẫn chưa có hướng giải quyết. HDV tiếng Hàn thiếu vẫn thiếu! Khách du lịch Hàn Quốc đến VN vẫn trên đà giảm sút.
Ngành du lịch VN đã từng bị động và nay, trước một “làn sóng” mới như thị trường khách Nga, lại tiếp tục bị động. Nếu không có một sự chuẩn bị tốt để đón khách ngay từ bây giờ, thì việc đón đầu thị trường khách Nga cũng sẽ rơi vào lối mòn như cách làm ở thị trường khách Nhật Bản, Hàn Quốc.
Trong năm 2007, tuy không nằm trong top 10 nhưng khách du lịch Nga đã được ngành du lịch Việt Nam (VN) xác định là một trong những thị trường du lịch tiềm năng của VN. Liên tục trong những tháng đầu năm 2008, tăng trưởng của khách du lịch Nga đến VN đạt mức cao nhất, có những tháng tăng trên 100% so với cùng kỳ năm 2007. |
MỸ HẠNH