Các thạc sĩ, tiến sĩ trong chương trình đào tạo 300-500 thạc sĩ, tiến sĩ TPHCM trao đổi về quy hoạch - đào tạo - sử dụng trí thức trẻ. Ảnh: ĐƯỜNG LOAN
Ngày 5-3, đông đảo chuyên gia, nhà khoa học, đại diện các ngành đã phản biện dự thảo Đề án về thu hút chuyên gia, nhà khoa học và lao động sáng tạo trẻ về công tác ở các sở, ban, ngành, các khu công nghệ cao của TPHCM giai đoạn 2018-2020 (gọi tắt là Đề án thu hút nhân tài). Buổi phản biện xã hội do Ủy ban MTTQ TPHCM tổ chức.
Đề án thu hút nhân tài là một trong các đề án, kế hoạch triển khai các cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TPHCM theo Nghị quyết 54 của Quốc hội. Đa số các chuyên gia, nhà khoa học tham dự phản biện cùng đau đáu với câu chuyện làm sao thu hút nhân tài cho TPHCM nên đều đồng tình, phấn khởi khi TP có chủ trương hút nhân tài.
Phải ươm mầm và chủ động phát hiện nhân tài
Tuy nhiên, các đại biểu cũng vạch ra nhiều điểm bất hợp lý, góp ý về các vấn đề chế độ đãi ngộ, tạo môi trường cho người tài cống hiến. Không chỉ thu hút nhân tài có sẵn, các đại biểu cũng đề nghị TP chú trọng việc ươm mầm tài năng và chủ động phát hiện, tìm kiếm nhân tài, chứ không chỉ chờ họ tự đến với mình. GS-TS Nguyễn Ngọc Giao, Chủ tịch Liên hiệp Các hội khoa học kỹ thuật TPHCM, góp ý đề án mang dáng dấp xét tuyển chọn cán bộ chứ không phải là đề án thu hút chuyên gia, nhân tài. Tinh thần của đề án lại “lệch” sang là người ta cần mình chứ không phải mình cần người ta.
“Thu hút nhân tài thì mình cần người ta chứ không phải người ta cần mình. Các chuyên gia, người giỏi, người ta có vị trí, có công việc hết rồi. Muốn thu hút được người giỏi làm việc cho TP thì TP phải thương lượng, chỉ rõ làm cho TP họ lợi cái gì, lợi hơn làm chỗ khác cái gì”, GS-TS Nguyễn Ngọc Giao góp ý.
Ông cũng cảnh báo tình trạng nói là “trải thảm” nhưng dưới “thảm” là “đinh” đang xảy ra hiện nay. GS-TS Nguyễn Ngọc Giao chỉ rõ, “những cái đinh đáng sợ” chính là thủ tục hành chính.
Anh Phạm Hồng Sơn, Bí thư Thành đoàn TPHCM, cho rằng khái niệm “lao động sáng tạo trẻ” trong dự thảo đề án không được rõ ràng và dễ gây ngộ nhận. Chỉ ra thực tế đa số chuyên gia giỏi rất khiêm tốn, không ai tự nhận mình là chuyên gia giỏi để nhận chế độ đãi ngộ, anh Phạm Hồng Sơn đặt ra vấn đề: Cần phát hiện những người giỏi như thế nào, thuộc trách nhiệm của ai? Đây là vấn đề dự thảo đề án không đặt ra.
Giám đốc Trung tâm phát triển Khoa học & Công nghệ Trẻ TPHCM Đoàn Kim Thành phát biểu về việc thu hút nhân tài. Ảnh: VIỆT DŨNG
Theo anh Phạm Hồng Sơn, TP có chính sách thu hút nhân tài và đương nhiên có lượng nhân tài đến với TP, song liệu rằng dòng chảy nhân tài có tự chảy về TP hay không? Vì thế, TP cũng cần chủ động “tìm kiếm” người tài. Bí thư Thành đoàn TPHCM cho biết, với vai trò của mình, Thành đoàn xin nhận trách nhiệm sẽ tổng hợp, giới thiệu các sinh viên đầu vào, đầu ra giỏi của các trường để TP chọn lựa.
Cho rằng nuôi dưỡng người tài là một quá trình, PGS-TS Đặng Văn Phan, Đại học Cửu Long, góp ý nếu TP chỉ đợi đến khi thành tiến sĩ, giáo sư mới “hái” thì không ăn thua, không hiệu quả. PGS-TS Đặng Văn Phan đề nghị, TP phải ươm mầm, nuôi dưỡng tài năng từ khi mới xuất hiện, để chuẩn bị kế cận cho tương lai, cho sự phát triển bền vững của TP.
Môi trường làm việc quan trọng hơn tiền bạc
PGS-TS Đặng Văn Phan cũng chỉ ra dự thảo thiếu quy định các nhà tuyển dụng phải tạo môi trường làm việc ra sao cho người tài phát triển, cống hiến. GS-TS Nguyễn Kỳ Phùng, Phó Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ TPHCM, cho rằng với trí thức Việt kiều, thì vấn đề lương không quan trọng lắm, mà quan trọng là môi trường làm việc và cách đối xử. Ông Phùng đề nghị TP nên mềm hơn, thoáng hơn, chứ trí thức Việt kiều rất dị ứng với việc làm hồ sơ lý lịch cầu kỳ như tuyển công chức.
“Một nhà khoa học hiện nay phải báo cáo, bắt ký, bắt làm rất nhiều các loại giấy tờ. TP làm sao phải tinh gọn các loại giấy tờ, thủ tục hành chính đó. Đặc biệt để bớt sự rườm rà, cần trao quyền chủ động, tạo điều kiện cho các cơ sở có tính quyết định nhiều hơn trong việc tuyển dụng, chi trả thu nhập cho các nhà khoa học”, PGS-TS Trần Hoàng Ngân, Giám đốc Học viện Cán bộ TPHCM, góp ý thêm.
Ông Ngân cũng cho rằng, tài chính quan trọng, nhưng quan trọng hơn là môi trường để nhà khoa học cống hiến. TP cần tạo ra một cơ chế, một môi trường để nhà khoa học được tự do cống hiến.
PGS-TS Đỗ Thị Hồng Tươi, Đại học Y Dược TPHCM, đề nghị TP phải đảm bảo minh bạch, rõ ràng các khâu trong thu hút nhân tài, bởi nếu không thì khó thu hút được, nhất là các bạn trẻ. Theo PGS-TS Đỗ Thị Hồng Tươi, sau khi tuyển chọn được người, TP cần công khai luôn hồ sơ người được chọn để những người không được chọn cũng tâm phục khẩu phục, tránh râm ran dư luận rằng người được tuyển vì “cái này, cái kia”.
Về thời gian làm việc theo hợp đồng tối đa 18 tháng, các đại biểu cho rằng như vậy là quá ngắn, không tạo sự an tâm cho nhân tài. Theo GS Chu Phạm Ngọc Sơn, với thời gian như vậy, chỉ có người nghỉ hưu mới về công tác cho TP. Chứ người trẻ ở nước ngoài, người đang làm việc ở trong nước rất khó mà tự dưng bỏ việc về làm cho TP 18 tháng rồi không rõ sau đó làm gì. Các đại biểu cũng đề nghị, muốn thu hút được trí tuệ, thay vì kêu gọi chung chung, TP cần phải chủ động đưa ra các đề bài, đề án, đặt hàng hết sức cụ thể để chuyên gia, nhà khoa học tham gia.
Theo dự thảo đề án, ngay sau khi được tuyển chọn, chuyên gia, nhà khoa học và lao động sáng tạo trẻ được trợ cấp ban đầu 80 - 100 triệu đồng. Để khuyến khích nghiên cứu khoa học, công nghệ, ngoài các thù lao theo quy định và chế độ hỗ trợ về nhà ở, TP còn có thêm mức phụ cấp 1% tổng kinh phí ngân sách chi cho công trình nghiên cứu, từ 50 triệu đồng đến 1 tỷ đồng/người/công trình. Với công trình có nhiều chuyên gia, nhà khoa học tham gia, tổng phụ cấp cho tổ chuyên gia đến 1,5 tỷ đồng. Nhân tài còn được hưởng phần lợi nhuận từ kết quả thương mại hóa sản phẩm nghiên cứu.