* Gần 86% cư dân nông thôn đã có nước sạch
(SGGP).- Đó là số liệu được công bố tại hội thảo về nâng cao năng lực quản lý nhà nước trong cung ứng dịch vụ công về nước sạch và vệ sinh môi trường cấp tỉnh do Bộ NN-PTNT tổ chức ngày 21-6 tại Hà Nội.
Cụ thể, tính đến hết năm 2015, đã có gần 86% người dân khu vực nông thôn được sử dụng nước hợp vệ sinh, trong đó có khoảng 35% từ các công trình cấp nước tập trung, còn lại từ các công trình nhỏ lẻ; khoảng 45% người dân được sử dụng nước đạt Quy chuẩn Việt Nam 02 của Bộ Y tế; 65% tỷ lệ hộ có nhà tiêu hợp vệ sinh ở khu vực nông thôn và khoảng 95% trường học và trạm y tế có nhà tiêu và công trình cấp nước hợp vệ sinh. Tuy nhiên hiện nay Chương trình Mục tiêu quốc gia về nước sạch và vệ sinh môi trường còn bộc lộ nhiều hạn chế. Hệ thống cấp nước sạch nông thôn còn thiếu bền vững. Trong tổng số 16.200 công trình cấp nước tập trung nông thôn chỉ có khoảng 75% công trình hoạt động hiệu quả, số còn lại hoạt động kém hiệu quả hoặc dừng hoạt động.
Theo Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Hoàng Văn Thắng, quản lý nhà nước trong lĩnh vực nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn chỉ thành công khi có sự tham gia tích cực của người dân và khu vực tư nhân. Để đạt mục tiêu đến năm 2020 cả nước có 90% người dân khu vực nông thôn sử dụng nước sạch vệ sinh môi trường; 50% số xã đạt chuẩn nông thôn mới… cần phải tăng cường huy động nguồn vốn khu vực tư nhân. Hệ thống nước sạch phải xuất phát từ nhu cầu thực tế của người dân và xây dựng quy hoạch phải đảm bảo sự bền vững, tính đến các tác động của biến đổi khí hậu đang diễn ra ngày càng gay gắt.
Tại hội thảo, các chuyên gia đề nghị bổ sung cơ chế giá thu hút khu vực tư nhân tham gia, đặc biệt là có chính sách hỗ trợ các hộ gia đình đầu tư công trình cấp nước, quản lý minh bạch về phân bổ vốn đầu tư các công trình cấp nước sạch từ trung ương tới địa phương.
VĂN PHÚC