Thu phí bảo trì đường bộ sao cho thấu tình đạt lý

Ngày 1-1-2013 bắt đầu thu phí bảo trì đường bộ theo chủ trương của Bộ GTVT đối với phương tiện cơ giới đường bộ nhằm có thêm kinh phí duy tu, bảo dưỡng hệ thống cầu đường trên cơ sở ngừng hoạt động 12 trạm thu phí giao thông nộp ngân sách nhà nước và 5 trạm thu phí trả nợ vay.

Người dân và các doanh nghiệp đồng thuận mục đích của chủ trương này, nhưng qua tìm hiểu, chúng tôi thấy trong thời gian chủ trương này có hiệu lực thì chưa có một văn bản nào hường dẫn cho các phường xã tổ chức thu phí trên từng đầu xe của các hộ dân thuộc địa bàn. Nhiều phường xã ở TPHCM đã nói như vậy.

Theo các hiệp hội ngành nghề ở TP, chủ trương này dù đang triển khai vẫn còn những bất cập cần phải điều chỉnh để hợp lòng dân hơn, do quy định thu phí còn có chỗ thiếu công bằng và gây ra bất an cho nhiều đối tượng bị chi phối từ chủ trương này. Thiếu công bằng thể hiện ở chỗ thu phí trên đầu phương tiện là chưa hợp lý, nghĩa là phương tiện cơ giới nào đều phải nộp phí bảo trì đường bộ dù phương tiện đó có hoạt động hay không có hoạt động. Bất cứ dịch vụ nào như dịch vụ giao thông, xe đi trên đường đương nhiên phải trả phí dịch vụ nhưng vấn đề là trả phí như thế nào mới quan trọng. Xe đi trên đường nhiều phải trả phí nhiều, xe ít đi thì trả ít, còn xe của ai không đi trên đường, nói cách khác là xe chưa đưa vào kinh doanh vận tải hoặc lưu thông trên đường thì không trả phí thì mới gọi là công bằng. Việc quy định thu phí theo kỳ đăng kiểm kỹ thuật phương tiện cơ giới đường bộ cũng thiếu công bằng. Theo đó thu phí xe trước 1 năm qua 1 lần đăng kiểm, không cần biết xe đó có hoạt động hay không hoạt động. Xe đầu kéo container chịu mức phí 600.000 đồng cõng sơmi rơmoóc chịu thêm 1,2 triệu đồng phí nữa, tổng cộng là 1,8 triệu đồng phí/tháng. Bình quân xe này mỗi ngày trả 60.000 đồng phí, mức phí này đối với doanh nghiệp và chủ xe là quá lớn dù trong tháng đó có những ngày xe ngưng nghỉ, không hoạt động vẫn phải đóng phí trước 1 năm khi đi đăng kiểm xe, việc này nếu khấu trừ từng ngày xe không hoạt động và thu sau mới gọi là hợp lý và công bằng.

Ông Đinh Nam Dinh, Phó Chủ tịch Hiệp hội Ô tô vận tải hàng hóa TPHCM, cũng cho rằng từ thiếu công bằng đó gây ra bất an cho những người sở hữu phương tiện nữa. Ông dẫn chứng, trong thực tế ở một đơn vị có xảy ra nhiều trường hợp xe mua về rồi do không có hàng hóa để chở hoặc có sự cố nào đó liên quan đến tài chính của gia đình chủ cho xe nằm không, có thể vài ba tháng hoặc 1 - 2 năm, khi cần bán xe thì đi làm thủ tục sang tên bị truy thu phí theo thời gian trên. Trường hợp khác chủ xe qua đời bất tử chưa thừa kế sang tên xe cho ai trong gia đình, 1 năm sau đem xe ra hoạt động thì ai sẽ chịu truy thu phí này vì chủ sở hữu của xe đó đã chết? Hệ lụy bất an này rất lớn, cho nên Chính phủ, Bộ GTVT và các bộ liên quan trong lúc thực thi chủ trương thu phí bảo trì đường bộ này xem xét lại sao cho thấu tình đạt lý để điều chỉnh kịp thời tạo sự công bằng và không gây ra bất an cho những người bị chi phối bởi chủ trương này.

N.Thiện

Tin cùng chuyên mục