Ngày 13-3-2012, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã ký ban hành Nghị định số 18/2012/NĐ-CP về việc lập, quản lý và sử dụng Quỹ Bảo trì đường bộ. Việc thành lập quỹ đã được Bộ GTVT và nhiều cơ quan nghiên cứu, đề xuất từ nhiều năm nay. Quỹ này sẽ giải quyết cơ bản tình trạng thiếu vốn trầm trọng cho bảo trì đường bộ hiện nay.
Nghị định này nêu rõ ô tô và xe máy bắt đầu phải nộp phí bảo trì từ ngày 1-6-2012. Theo đó, quỹ được thu hàng năm trên đầu phương tiện giao thông cơ giới đường bộ, bao gồm: ô tô, máy kéo, xe sơ-mi rơ-moóc được kéo bởi ô tô, rơ-moóc, xe mô tô 2 bánh, mô tô 3 bánh, xe gắn máy. Trong đề án cũng đã nêu rõ, với ô tô sẽ thu qua các lần kiểm định định kỳ (đăng kiểm), còn với mô tô, xe máy giao cho chính quyền địa phương tổ chức thu để phục vụ trực tiếp quản lý bảo trì đường địa phương.
Như vậy, nếu tính từ thời điểm hiện nay, chỉ còn khoảng hơn một tháng nữa là bắt đầu thu phí.
Đây là thời điểm rất nhạy cảm khi mà giá các mặt hàng thiết yếu như xăng dầu, gas, phục vụ cho các phương tiện vận tải vừa tăng giá. Điều đó khiến không ít người lo lắng khi mà thu nhập của họ đã giảm sút nhiều kể từ khi kinh tế khó khăn, làm ăn kém.
Cũng từ thời điểm 1-6 tới, theo thống kê, cả nước với 37 triệu phương tiện, trong đó có 2 triệu ô tô, 35 triệu xe máy sẽ phải đóng phí. Theo tính toán, với mức phí tăng tương ứng với mức tăng phương tiện hàng năm là 5%, phí thu được năm đầu tiên từ ô tô và xe gắn máy là 294.000 tỷ đồng, năm thứ hai là 309.000 tỷ, năm thứ ba là 324.000 tỷ đồng... và 10 năm sau, mức thu phí đạt con số khổng lồ là 370.000 tỷ đồng. Lúc đó, vấn đề được mọi người quan tâm là tiền thu phí (của dân) sẽ do ai quản lý và sử dụng như thế nào cho minh bạch? Nghĩa là tiền của dân phải được sử dụng vào việc bảo dưỡng, sửa chữa và xây dựng mới các các công trình giao thông như thế nào để dân biết, dân kiểm tra.
Cho đến nay, việc thu phí đã phả hơi nóng tới tận gáy các vị có trách nhiệm thực hiện Nghị quyết của Chính phủ, nhưng việc tổ chức thực hiện, các phương án, kế hoạch quản lý, sử dụng nguồn tiền này vẫn chưa được ngành GTVT tổ chức triển khai.
Nghị định quy định rõ: “Bộ GTVT có trách nhiệm chỉ đạo, kiểm tra việc quản lý thu, sử dụng và tổ chức công tác quyết toán quỹ trung ương theo quy định. Đồng thời chủ trì xem xét đề xuất của Hội đồng quản lý quỹ về điều chỉnh các quy định liên quan đến nguồn thu và việc sửa đổi các quy định liên quan đến hoạt động của quỹ để ban hành hoặc trình cơ quan có thẩm quyền ban hành. Cũng theo đề án thu phí, các đơn vị được giao quản lý kinh phí của quỹ có trách nhiệm đấu thầu, đặt hàng giao kế hoạch cho các đơn vị thực hiện bảo trì, quản lý công trình đường bộ. Kho bạc Nhà nước kiểm soát các khoản chi từ quỹ tương tự như các khoản chi từ ngân sách nhà nước. Cuối năm nguồn kinh phí chi không hết được chuyển sang năm sau. Quỹ bảo trì sẽ được thực hiện công khai, minh bạch việc kiểm tra, nghiệm thu, thanh toán, sẽ thực hiện cơ chế thị trường có sự giám sát và quản lý của xã hội, người dân một cách minh bạch”.
Tuy nhiên, tất cả vẫn chỉ là trên giấy, ngành GTVT chưa thực hiện việc này. Điều đáng nói là tất cả mọi việc đều do ngành GTVT làm, từ khâu thu phí, quản lý, lên kế hoạch sử dụng phí, nghiệm thu công trình… không hề thấy nhắc đến một cơ quan quản lý nào khác (của ngành tài chính hay các tổ chức xã hội giám sát). Khác nào ngành GTVT vừa đá bóng vừa thổi còi? Việc thu phí là chuyện không thể khác, tuy nhiên, việc quản lý, sử dụng cần có cơ quan ngoài ngành GTVT giám sát, kiểm tra, đảm bảo sự minh bạch trong việc sử dụng nguồn tiền của dân. Đó là yêu cầu chính đáng của người dân.
Thăng Long