Thông tin Chính phủ đề nghị liên bộ: GTVT - Tài chính nghiên cứu, xem xét lùi thời hạn thu phí Bảo trì đường bộ đến đầu năm 2013 đã được người dân, nhất là giới kinh doanh vận tải, vui mừng đón nhận.
Như vậy, các chủ phương tiện có thêm thời gian để chuẩn bị cho việc nộp phí, đồng nghĩa với việc các cơ quan chức năng có thêm thời gian giải thích, thuyết phục người dân đồng thuận với chủ trương thu phí Bảo trì đường bộ, vốn được Bộ GTVT cho là hết sức cần thiết.
Ấy thế nhưng, mới đây trên các phương tiện truyền thông lại đưa tin, Tổng cục Đường bộ Việt Nam (ĐBVN) vừa báo cáo Bộ GTVT phương án sắp xếp, kiến nghị xử lý các trạm thu phí trên quốc lộ sau khi Quỹ Bảo trì đường bộ có hiệu lực.
Trong đó, sẽ chỉ có 6/14 trạm đang thu nộp ngân sách nhà nước được xóa bỏ ngay theo nguyên tắc tại Đề án Quỹ Bảo trì đường bộ, bao gồm: Trạm cầu Lường Km93+190 QL1, Trạm Ba Chẽ - QL18, Trạm Gò Dầu Km41 QL22A, Trạm cầu Trung Hà Km63 QL32, Trạm Cầu Bình Km17 QL37, Trạm Lộ Tẻ Km65 QL80. Còn lại 6/14 trạm đang thu nộp ngân sách dự kiến sẽ bàn giao cho nhà đầu tư các dự án BOT trong thời gian tới là: Trạm cầu Gianh - QL1, Trạm Đông Hà - QL1, Trạm Phú Bài - QL1, Trạm Cam Thịnh - QL1, Trạm Ninh An - QL1, Trạm số 4 QL14. 2 trạm còn lại là Trạm cao tốc TPHCM - Trung Lương đang thu nộp ngân sách để bảo trì đường cao tốc, dự kiến bán quyền thu phí trong thời gian tới để hoàn vốn đầu tư đường cao tốc và Trạm Mỹ Thuận QL1 hiện Chính phủ đã giao Bộ GTVT xây dựng phương án dùng nguồn thu trạm này để hỗ trợ dự án cao tốc Trung Lương - Cần Thơ.
Cũng theo Tổng cục ĐBVN, ngoài 14 trạm thu phí nộp ngân sách vừa nêu trên, trên hệ thống QL và đường cao tốc cả nước hiện còn có 42 trạm thu phí khác, trong đó 5 trạm trả nợ vay theo Văn bản 3170/KTN ngày 25-6-1997 của Thủ tướng Chính phủ, 30 trạm thu theo hình thức BOT, 5 trạm đấu thầu chuyển giao quyền thu phí, 1 trạm thu để hình thành vốn điều lệ cho CIPM Cửu Long (Trạm Cần Thơ), 1 trạm hoàn vốn đầu tư đường cao tốc (Trạm cao tốc Cầu Giẽ - Ninh Bình).
Như vậy, con số 6 trạm thu phí sẽ được xóa bỏ vẫn còn quá nhỏ so với số trạm thu phí đang tồn tại trên hệ thống QL. Đơn cử, trên tuyến giao thông huyết mạch là QL1 hiện có 27 trạm thu phí, trong đó chỉ có 3 trạm nộp ngân sách nhà nước, 19 trạm BOT và 5 trạm bán quyền thu phí. Nếu Quỹ Bảo trì đường bộ đi vào hoạt động, hệ thống thu phí trên tuyến chỉ giảm đi 1 trạm nhưng không biết sẽ mọc lên bao nhiêu trạm nữa nếu dự án mở rộng, nâng cấp toàn tuyến được triển khai.
Vào thời điểm này, mặc dù có vui mừng vì thời hạn thu phí Bảo trì đường bộ đã được lùi lại, song giới kinh doanh vận tải vẫn hết sức lo ngại. Bởi lẽ, ngoảnh đi ngoảnh lại hết năm 2012 đến nơi và cái mốc đầu năm 2013 còn không xa để lo đóng phí. Với mạng lưới trạm thu phí như hiện nay, rõ ràng “ác mộng” thu phí sẽ vẫn ám ảnh “trên từng cây số” đối với người dân và giới kinh doanh vận tải.
BÍCH QUYÊN