(SGGPO). – Chiều nay, 21-11, sau khi các thành viên Chính phủ hoàn tất phần trả lời chất vấn, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng đã thay mặt Chính phủ phát biểu làm rõ thêm một số vấn đề liên quan đến nội dung các nhóm vấn đề chất vấn. Thủ tướng khẳng định, Chính phủ xin nghiêm túc tiếp thu ý kiến xác đáng của các vị ĐBQH và đồng bào cử tri cả nước, tiếp tục phát huy những tiến bộ, kết quả đã đạt được, ra sức khắc phục những hạn chế yếu kém, nâng cao hiệu lực hiệu quả quản lý điều hành, nỗ lực cao nhất để cùng toàn Đảng, toàn dân, toàn quân phấn đấu thực hiện thắng lợi Nghị quyết của Quốc hội.
Nợ công của nước ta vẫn trong giới hạn an toàn
Về nhiệm vụ năm 2014, Thủ tướng cho biết Chính phủ sẽ khẩn trương triển khai đồng bộ các giải pháp để thực hiện có hiệu quả các mục tiêu, nhiệm vụ mà Nghị quyết của Quốc hội đã đề ra. Cụ thể, sẽ kiểm soát lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô và tăng trưởng hợp lý. Về tăng bội chi ngân sách nhà nước và phát hành bổ sung trái phiếu Chính phủ, Chính phủ đã trình và được Quốc hội đồng ý mức bội chi ngân sách năm 2014 là 5,3% GDP (224 nghìn tỷ đồng) và phát hành thêm 170 nghìn tỷ đồng vốn trái phiếu Chính phủ giai đoạn 2014 - 2016.
”Việc tăng bội chi ngân sách dành một phần để trả nợ, phần còn lại và trái phiếu Chính phủ bổ sung được tập trung vào đầu tư các dự án hạ tầng kinh tế - xã hội thiết yếu, hoàn thành nhiều công trình đang đầu tư dở dang, bổ sung vốn đối ứng ODA, đầu tư cho nông nghiệp nông thôn. Qua đó góp phần khắc phục tình trạng đầu tư dàn trải kéo dài kém hiệu quả, xử lý nợ đọng trong xây dựng cơ bản, giải quyết nợ xấu; tăng giải ngân vốn ODA, thu hút mạnh hơn các nguồn vốn xã hội cho đầu tư phát triển, bảo đảm được tổng vốn đầu tư toàn xã hội bằng khoảng 30% - 31% GDP; đồng thời góp phần tháo gỡ khó khăn, phát triển sản xuất kinh doanh, tạo thêm nhiều việc làm mới, tăng thu nhập cho người lao động; và góp phần quan trọng vào việc tăng năng lực sản xuất, thực hiện đột phá trong xây dựng hệ thống kết cấu hạ tầng đồng bộ theo Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 2011 – 2020”, Thủ tướng nhấn mạnh.
Cùng với đó, trái phiếu Chính phủ sẽ được phát hành phù hợp theo tiến độ giải ngân các dự án và thực trạng tình hình kinh tế vĩ mô. Việc sử dụng vốn đầu tư từ ngân sách nhà nước và trái phiếu Chính phủ được quản lý chặt chẽ, bảo đảm hiệu quả đồng thời với việc thực hiện phù hợp chính sách tiền tệ, nhất là kiểm soát tăng trưởng tín dụng và tổng phương tiện thanh toán hợp lý, không làm tăng quá mức tổng cầu. Với các giải pháp nêu trên sẽ góp phần quan trọng kiểm soát lạm phát, bảo đảm ổn định kinh tế vĩ mô và phục hồi tăng trưởng. Với mức bội chi và phát hành trái phiếu bổ sung như đã nêu trên, nợ công trong các năm 2014, 2015 và 2016 vẫn trong giới hạn an toàn (không quá 65% GDP).
Tuy nhiên, áp lực trả nợ rất lớn. Cùng với việc bố trí nguồn từ ngân sách nhà nước để trả nợ, cần phát hành mới để đảo nợ đối với một phần nợ gốc trái phiếu Chính phủ đến hạn, bảo đảm duy trì thanh khoản, giảm thiểu rủi ro tái cấp vốn và không làm tăng dư nợ gốc trái phiếu Chính phủ. Qua đó sẽ bảo đảm duy trì các chỉ tiêu trả nợ trực tiếp của Chính phủ năm 2014 ở mức 15,2%, năm 2015 khoảng 20,4% và năm 2016 khoảng 22,9% tổng thu ngân sách, nằm trong giới hạn cho phép là không quá 25% tổng thu ngân sách nhà nước theo Chiến lược nợ công và nợ nước ngoài của quốc gia đã được phê duyệt.
Thủ tướng cho biết, với tình hình nêu trên, nợ công của nước ta vẫn trong giới hạn an toàn (Ngân hàng Thế giới và nhiều tổ chức tài chính quốc tế đánh giá nợ công của Việt Nam là an toàn và ổn định). Tuy nhiên, đây là vấn đề hệ trọng, ảnh hưởng đến sự an toàn của nền tài chính quốc gia. Chính phủ sẽ tập trung chỉ đạo thực hiện đồng bộ các giải pháp, nhất là quản lý sử dụng có hiệu quả vốn vay, quản lý tốt nợ trung hạn và quỹ tích lũy trả nợ, quản lý và xử lý kịp thời rủi ro... bảo đảm thực hiện đúng Chiến lược nợ công và nợ nước ngoài của quốc gia. "Thực hiện đồng bộ, quyết liệt, có hiệu quả các giải pháp nêu trên, mục tiêu tăng GDP khoảng 5,8% năm 2014, khoảng 6% năm 2015 và kiểm soát lạm phát khoảng 7% là khả thi; đồng thời giữ được ổn định kinh tế vĩ mô, bảo đảm nợ công trong giới hạn an toàn, trả được nợ và có thêm nguồn lực để đầu tư hạ tầng, bảo đảm an sinh xã hội, quốc phòng an ninh như đã báo cáo Quốc hội”, Thủ tướng cho biết. Cũng theo Thủ tướng, năm 2014 Chính phủ sẽ đẩy mạnh thực hiện ba đột phá chiến lược, tái cơ cấu nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng.
Cuối năm 2014: Phê duyệt quy trình vận hành liên hồ chứa
Về an toàn hồ chứa nước, Thủ tướng báo cáo, hiện nay, cả nước có gần 7.000 hồ chứa thủy lợi, thủy điện đang hoạt động. Trong số đó có nhiều hồ đã được xây dựng từ 30 - 40 năm trước, không còn phù hợp với tình hình bão lũ phức tạp hiện nay, không bảo đảm an toàn, cần sửa chữa nâng cấp. Đối với các hồ thủy điện, Chính phủ đã chỉ đạo các ngành, các cấp tăng cường kiểm tra việc thực hiện quy định an toàn và trách nhiệm của chủ đầu tư trong việc duy tu, bảo dưỡng, nâng cấp hồ chứa. Đối với hồ thủy lợi, thực hiện Chương trình bảo đảm an toàn hồ chứa mà Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt, đã đầu tư sửa chữa, nâng cấp được gần 500 hồ. Còn 317 hồ tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn trong mùa mưa lũ. Năm 2013, đã bố trí kinh phí sửa chữa, nâng cấp 91 hồ. Năm 2014 - 2015 sẽ rà soát lại và bố trí vốn để nâng cấp, sửa chữa số hồ có nguy cơ mất an toàn.
"Cùng với việc sửa chữa, nâng cấp các hồ chứa, Chính phủ đã ban hành và chỉ đạo thực hiện các quy định về xây dựng và tổ chức thực hiện quy trình vận hành hồ chứa và liên hồ chứa. Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt danh mục 61 hồ thủy lợi, thủy điện thuộc 11 lưu vực sông phải xây dựng quy trình vận hành liên hồ chứa. Đến nay, 20 hồ thuộc 5 lưu vực sông đã được phê duyệt quy trình vận hành liên hồ chứa. Phấn đấu đến cuối năm 2014 hoàn thành việc phê duyệt quy trình vận hành liên hồ chứa đối với 41 hồ thuộc 6 lưu vực sông còn lại.
Đồng thời, Thủ tướng Chính phủ đã có chỉ thị yêu cầu các bộ ngành liên quan và Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương thực hiện đồng bộ các nhiệm vụ, giải pháp tăng cường công tác quản lý, bảo đảm an toàn hồ chứa”, Thủ tướng nhấn mạnh.
| |
PHAN THẢO