Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng: Quan hệ với Trung Quốc là “vừa hợp tác, vừa đấu tranh”

Cuối giờ chiều 19-11, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã báo cáo giải trình thêm một số vấn đề đại biểu Quốc hội (ĐBQH) quan tâm trong các phiên chất vấn trước Quốc hội, đồng thời trực tiếp trả lời một số chất vấn của ĐBQH.
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng: Quan hệ với Trung Quốc là “vừa hợp tác, vừa đấu tranh”

Cuối giờ chiều 19-11, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã báo cáo giải trình thêm một số vấn đề đại biểu Quốc hội (ĐBQH) quan tâm trong các phiên chất vấn trước Quốc hội, đồng thời trực tiếp trả lời một số chất vấn của ĐBQH.

Nợ công sẽ giảm dần sau năm 2016

Giải trình về vấn đề quản lý nợ công, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cho biết nợ công tăng nhanh từ 51,7% GDP năm 2010 lên 60,3% GDP vào cuối năm 2014 và khoảng 64% GDP vào cuối năm 2015. “Mức nợ công này vẫn trong giới hạn quy định an toàn cho phép theo Nghị quyết của Quốc hội” - Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng khẳng định. Đáng chú ý, nợ nước ngoài chủ yếu là vay ưu đãi, thời hạn vay bình quân 20 năm với lãi suất khoảng 1,6%/năm. Nợ trong nước chủ yếu qua phát hành trái phiếu Chính phủ kỳ hạn ngắn, lãi suất cao (do chỉ số giá năm 2011 - 2012 tăng mạnh) dẫn đến áp lực và nghĩa vụ trả nợ trực tiếp của Chính phủ tăng nhanh trong ngắn hạn. Trong bối cảnh đó, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cho biết chúng ta đã có kế hoạch và đã trả nợ đầy đủ, đúng hạn, bảo đảm an toàn tài chính quốc gia. Tỷ lệ trả nợ trực tiếp của Chính phủ so với tổng thu ngân sách nhà nước năm 2014 khoảng 14,2% (theo quy định là không quá 25%).

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng trả lời chất vấn.

Ngoài ra, trong điều kiện kinh tế vĩ mô ổn định hơn, chúng ta còn sử dụng một phần vay mới với kỳ hạn dài hơn, lãi suất thấp hơn để đảo nợ, góp phần làm giảm áp lực trả nợ trong ngắn hạn và giảm chi phí vay vốn. Việc đảo nợ này không làm tăng tổng số nợ công và phù hợp với Luật Quản lý nợ công cũng như thông lệ quốc tế. Ngày 7-11-2014, chúng ta đã phát hành thành công 1 tỷ USD trái phiếu Chính phủ kỳ hạn 10 năm ra thị trường vốn quốc tế với mức lãi suất 4,8%/năm để đảo nợ các khoản trái phiếu Chính phủ đã phát hành trước đây (năm 2005 và năm 2010) với lãi suất bình quân 6,8%/năm, làm giảm đáng kể chi phí lãi vay, đồng thời xác lập chuẩn lãi suất mới có lợi hơn cho các hoạt động kinh tế - tài chính của Việt Nam trên thị trường quốc tế.

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng khẳng định, trong thời gian tới Chính phủ sẽ đặc biệt quan tâm chỉ đạo nâng cao hiệu quả quản lý và sử dụng nợ công. Quản lý chặt chẽ nợ công, nhất là các khoản vay mới, bảo đảm theo đúng quy định và trong giới hạn cho phép. Phấn đấu đến năm 2020 nợ công giảm còn khoảng 60,2% GDP (quy định là không quá 65% GDP), nợ Chính phủ khoảng 46,6% GDP (quy định là không quá 55% GDP) và tỷ lệ trả nợ trực tiếp của Chính phủ so với tổng thu ngân sách nhà nước khoảng 20% (quy định là không quá 25%). Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cho biết: “Nợ công chỉ sử dụng cho đầu tư phát triển, xây dựng các công trình hạ tầng kinh tế - xã hội quan trọng, thiết yếu theo quy hoạch”.

Không dùng ngân sách, nợ xấu vẫn giảm

 

"Các vị đại biểu Quốc hội đặt câu hỏi thẳng thắn, rõ ràng đối với công việc của Chính phủ. Các thành viên Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ cũng đã khẳng định quyết tâm của Chính phủ phấn đấu hoàn thành nhiệm vụ Quốc hội giao về phát triển kinh tế, đảm bảo quốc phòng, an ninh của đất nước"

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng

 

Về xử lý nợ xấu gắn với cơ cấu lại các tổ chức tín dụng (TCTD), Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cho biết: Theo kết quả giám sát của Ngân hàng Nhà nước, tháng 9-2012 tỷ lệ nợ xấu của các TCTD lên đến 17%. Thực hiện đề án cơ cấu lại TCTD và xử lý nợ xấu, đến tháng 10-2014 đã xử lý được 54,3% tổng số nợ xấu được xác định tại thời điểm tháng 9-2012 (465.000 tỷ đồng), chủ yếu bằng các giải pháp: thu hồi nợ, cơ cấu lại nợ, sử dụng dự phòng rủi ro, bán nợ và tài sản bảo đảm, trong đó có bán nợ xấu cho Công ty quản lý tài sản của các TCTD (VAMC). Công ty này đã mua gần 95.000 tỷ đồng nợ xấu và đang từng bước xử lý theo quy định; trong đó đã bán, thu hồi được gần 4.000 tỷ đồng nợ xấu và có lãi. Theo báo cáo của các TCTD, tỷ lệ nợ xấu đến cuối tháng 9-2014 khoảng 3,8% và có xu hướng giảm, ước tính đến cuối năm 2014 còn khoảng 2,5% - 2,7%. Theo đánh giá của Ngân hàng Nhà nước, tỷ lệ nợ xấu đến cuối tháng 9-2014 khoảng 5,4%, ước đến cuối năm 2014 còn khoảng 3,7% - 4,2% so với mức 17% vào tháng 9-2012.

“Kết quả xử lý nợ xấu đạt được trong thời gian qua là sự nỗ lực rất lớn” - Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng nhận định. Tuy nhiên, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cũng cho rằng kết quả xử lý nợ xấu chưa được như mong muốn. Chính phủ sẽ tiếp tục chỉ đạo đẩy mạnh việc xử lý hiệu quả nợ xấu gắn với cơ cấu lại các TCTD. Phấn đấu đến cuối năm 2015 đưa tỷ lệ nợ xấu xuống còn khoảng 3%, bảo đảm an toàn hệ thống các TCTD.

Chất vấn về vấn đề này, ĐB Thân Đức Nam (Đà Nẵng) băn khoăn: Khi nợ xấu vượt khả năng xử lý của ngân hàng thương mại, làm nền kinh tế trì trệ, ảnh hưởng đến nền kinh tế vĩ mô thì cần có vai trò của Chính phủ như một số nước khác. Vậy Chính phủ có chủ trương gì để giải quyết? Giải thích rõ thêm câu hỏi của ĐB Thân Đức Nam, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng bổ sung: “Nghĩa là Thủ tướng hỗ trợ giải quyết nợ xấu như thế nào, có dùng ngân sách nhà nước hỗ trợ không?”. Trả lời dứt khoát, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cho biết: “Chúng ta không có và không dùng ngân sách để làm việc này. Nhưng chúng ta vẫn có cách để giải quyết mà không dùng đến ngân sách như tôi đã trình bày, với mục tiêu đến năm 2015, nợ xấu trở về mức khoảng 3%”.

Để có hòa bình, hữu nghị và tin cậy lẫn nhau

Trao đổi với Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng, ĐB Thích Thanh Quyết (Quảng Ninh) cho biết: “Từ khi Trung Quốc rút giàn khoan ra khỏi vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam, cử tri muốn được nghe từ Thủ tướng, quan điểm của Đảng và Nhà nước về biển Đông bằng cách nói dễ nghe, dễ hiểu mà lại súc tích nhất”. Trả lời câu hỏi này, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng khẳng định, đối với Trung Quốc hay là tất cả các nước trên thế giới, chúng ta thực hiện đường lối đối ngoại kiên trì nhất quán của Đảng và Nhà nước ta, đã được nêu trong Điều 12 của Hiến pháp năm 2013. Đó là độc lập, tự chủ, hòa bình, hữu nghị, hợp tác và phát triển; đa phương hóa, đa dạng hóa quan hệ, chủ động và tích cực hội nhập, hợp tác quốc tế trên cơ sở tôn trọng độc lập, chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ, không can thiệp vào công việc nội bộ của nhau, bình đẳng, cùng có lợi...

Theo Thủ tướng, Việt Nam và Trung Quốc là láng giềng, chúng ta mong muốn hai nước luôn chân thành hợp tác để gìn giữ hòa bình ổn định, hợp tác cùng có lợi, cùng thịnh vượng, thực hiện một cách thực chất phương châm 16 chữ, tinh thần 4 tốt đem lại lợi ích cho cả 2 nước. “Chúng ta mong muốn hai bên chân thành giải quyết những bất đồng giữa 2 nước về biên giới lãnh thổ theo công ước quốc tế, luật biển, thỏa thuận giữa cấp cao 2 nước. Chúng ta mong muốn và làm hết sức mình, mong Trung Quốc cũng như thế để đảm bảo hòa bình hợp tác” - Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng nói, và đưa ra một câu gồm 6 chữ để đáp ứng yêu cầu của đại biểu về một câu nói ngắn dễ hiểu, dễ nhớ về quan hệ Việt Nam - Trung Quốc, đó là “vừa hợp tác, vừa đấu tranh”. Theo Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng, điều này không chỉ với Trung Quốc mà đối với các nước, để có hòa bình, hữu nghị và tin cậy lẫn nhau, cùng có lợi, phát triển thịnh vượng và bảo vệ độc lập chủ quyền, lợi ích chính đáng.

Trả lời ĐB Đỗ Văn Đương (TPHCM) về kinh tế biển, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cho biết Đảng đã có một nghị quyết về chiến lược biển, Chính phủ đã có chương trình hành động, đến nay đã đạt được nhiều kết quả. Tuy nhiên, so với yêu cầu và mong muốn thì cần phải nỗ lực làm tốt hơn. Về đề nghị giảm bớt đầu tư công trên bộ để tăng cường đầu tư cho kinh tế biển, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cho rằng vấn đề này khó rạch ròi, bởi trong nhiều trường hợp đầu tư trên bộ cũng là đầu tư cho kinh tế biển. Vấn đề chung là phải tập trung khai thác tốt nhất tiềm năng kinh tế biển, gắn với bảo vệ chủ quyền biển đảo. Ghi nhận ý kiến đề nghị lập Bộ Kinh tế biển của ĐB Đỗ Văn Đương, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cho biết đã có nhiều ý kiến đề cập tới vấn đề này. Nhưng nếu lập bộ này để làm tất cả mọi thứ (khai thác thủy sản, dầu khí, du lịch, quốc phòng trên biển...) thì chưa chắc đã làm được.

Cũng liên quan đến vấn đề biển Đông, ĐB Lê Nam (Thanh Hóa) chất vấn, ngay khi giàn khoan chưa rút Trung Quốc đã thực hiện hàng loạt hành động xây dựng tại các đảo thuộc Trường Sa của Việt Nam. Cử tri quan tâm đến kế sách của Chính phủ để bảo vệ chủ quyền, quyền chủ quyền. Về câu hỏi này, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng thẳng thắn trả lời: “Đảo Gạc Ma và một số đảo của chúng ta bị Trung Quốc cưỡng chiếm năm 1988. Tình thế lúc đó, chúng ta đã cùng các nước ASEAN ký với Trung Quốc cam kết DOC, theo đó các bên giữ nguyên hiện trạng, không làm phức tạp thêm tình hình, không đe dọa dùng vũ lực để giải quyết... Theo thông tin báo chí đã nêu, Trung Quốc bồi đắp lớn nhất ở đảo Chữ Thập với diện tích khoảng 49ha, lớn hơn đảo lớn nhất là Ba Bình trước đây. Lập trường của Việt Nam là phản đối hành động này vì đã vi phạm Điều 5 Tuyên bố DOC. Lập trường này được người phát ngôn Bộ Ngoại giao nhiều lần nêu rõ. Tại các hội nghị cấp cao, tôi đã nêu lập trường này như ASEAN, ASEAN+8, ASEAN+3... Đó là chủ trương, thái độ của chúng ta, lập trường rõ ràng của chúng ta”.

BẢO MINH

Đại biểu QH đánh giá cao nội dung trả lời chất vấn

ĐB Trương Thị Ánh (TPHCM): Các ĐBQH đặt câu hỏi rất rõ ràng và các bộ trưởng cũng trả lời rất thẳng thắn, cụ thể vào từng vấn đề đặt ra. Bộ trưởng nào cũng nắm chắc các vấn đề và có những lời hứa thể hiện sự quyết tâm, quyết liệt thực hiện những vấn đề còn tồn tại mà cử tri quan tâm. Việc chất vấn tại kỳ họp này, về hình thức không có gì mới, nhưng chất lượng về nội dung chất vấn đã rất chi tiết, cụ thể. Các bộ trưởng đã có những lời hứa thể hiện rõ quyết tâm thực hiện các vấn đề, đi vào từng lĩnh vực cử tri quan tâm. Chủ tọa kỳ họp cũng đánh giá cao cách trả lời của các bộ trưởng, đồng thời lưu ý các bộ trưởng thực hiện lời hứa của mình trước Quốc hội và cử tri. Đó là những vấn đề tôi và các đại biểu rất tâm đắc tại các phiên chất vấn của kỳ họp này.

ĐB Ngô Văn Minh (Quảng Nam): Bộ trưởng Bộ GTVT Đinh La Thăng trả lời rất tự tin và tôi cũng như nhiều đại biểu khác đánh giá bộ trưởng thời gian qua đã làm được nhiều việc, đáp ứng được yêu cầu và nguyện vọng của cử tri. Trong giai đoạn chưa phân cấp, phân quyền cụ thể thì việc các “tư lệnh” ngành phải trực tiếp giải quyết nhiều công việc phức tạp và nhạy cảm liên quan mật thiết đến đời sống nhân dân là hết sức cần thiết.

ĐB Nguyễn Ngọc Bảo (Vĩnh Phúc): Sở dĩ tôi chất vấn Bộ trưởng Bộ LĐTB-XH là vì Bộ luật Lao động đã có hiệu lực từ ngày 1-5-2013 nhưng hiện nay việc triển khai có nhiều vướng mắc. Một số DN thực hiện, số khác lại không vì chưa có hướng dẫn của bộ. Các quy định về lương của các DN nhà nước, DN cổ phần, DN nước ngoài có thực hiện hay không và thực hiện ra sao đang là câu hỏi cần có sự trả lời. Việc luật có hiệu lực hơn 1 năm rưỡi rồi nhưng bộ trưởng trả lời là đang triển khai, đang có bước đi là chưa hợp lý và cũng chưa có lời giải đáp cuối cùng. Điều này đòi hỏi bộ, Chính phủ quan tâm hơn và có giải pháp căn cơ hơn vì điều đó ảnh hưởng đến quyền lợi, nghĩa vụ của người lao động.

ĐB Dương Trung Quốc (Đồng Nai): Những chất vấn về biển Đông luôn là phần hấp dẫn nhất, được mong đợi nhất, chính vì thế tôi cảm thấy hơi ngắn. Đoạn đầu phần trả lời chất vấn của Thủ tướng giống như kéo dài cuộc thảo luận về báo cáo Chính phủ. Nếu như báo cáo Chính phủ là để hướng tới tăng trưởng GDP, ngân sách thì cuộc chất vấn đối với các bộ trưởng và Thủ tướng là phải tăng trưởng GDP tính bằng lòng tin. Qua chất vấn, người dân muốn biết Chính phủ đã làm gì, chưa làm được gì, họ muốn biết Chính phủ sẽ làm gì để người dân tin. Tuy nhiên, trong bối cảnh này, tôi cho rằng, Thủ tướng nói về vấn đề biển Đông như thế là rất tốt cho nhận thức chung. Có lẽ do cương vị của Thủ tướng, nên gần như Thủ tướng là người phát biểu căn bản nhất, đầy đủ nhất, hoàn thiện nhất. Cho nên, dù Thủ tướng chỉ nhắc lại chủ trương, chính sách, nhưng quan trọng là ở diễn đàn Quốc hội, câu trả lời của Thủ tướng đã thể hiện rõ quan điểm chính thống, và đó là điều cần thiết.

NGỌC QUANG - LÂM NGUYÊN

Tin cùng chuyên mục