Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng: Siết chặt quản lý về thủy điện

Sau báo cáo giải trình trước Quốc hội chiều nay, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng đã trực tiếp trả lời chất vấn của các đại biểu Quốc hội.
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng: Siết chặt quản lý về thủy điện

(SGGPO).- Sau báo cáo giải trình trước Quốc hội chiều nay, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng đã trực tiếp trả lời chất vấn của các đại biểu Quốc hội.

ĐB Trần Thị Hiền (Hà Nam) cho rằng, Quốc hội đồng ý với đề nghị của Chính phủ nâng mức bội chi năm 2014 lên 5,3% GDP nhưng nếu không điều hành cẩn thận thì lạm phát sẽ quay trở lại. Quan điểm của Thủ tướng như thế nào?

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng trả lời chất vấn. Ảnh: VGP News
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng trả lời chất vấn. Ảnh: VGP News

Trả lời câu hỏi này, Thủ tướng cho rằng, đây là ý kiến của nhiều ĐBQH về vấn đề này là chính đáng. “Việc tăng bội chi từ 4,8% lên 5,3%, phát hành thêm 170.000 trái phiếu Chính phủ (TPCP) gia đoạn 2014-2016 có làm lạm phát trở lại không, làm bất ổn vĩ mô trở lại không. Rồi có trả nợ được không? Ngay trong báo cáo của tôi đã tập trung để giải trình về điều này. Tăng bội chi và phát hành thêm TPCP nếu thực hiện đồng bộ các giải pháp như Chính phủ đã báo cáo của Quốc hội và những giải pháp mà Quốc hội đề ra thì mục tiêu tăng trưởng GDP và kiểm soát lạm phát 7%, đồng thời giữ được ổn định vĩ mô, trả được nợ, bảo đảm nợ công trong giới hạn an toàn là khả thi”, Thủ tướng nhấn mạnh. 

Chính phủ cố gắng để không nợ đọng văn bản

ĐB Hà Sỹ Đồng (Quảng Trị) chất vấn, tình trạng Chính phủ nợ đọng các nghị định đã kéo dài nhiều năm, làm giải hiệu lực quản lý Nhà nước. Trách nhiệm của Chính phủ như thế nào. ĐB Ngô Văn Minh (Quảng Nam) cũng chất vấn, đến nay, Chính phủ còn nợ 51% văn bản chi tiết để hướng dẫn thực hiện các luật, pháp lệnh do Quốc hội thông qua. “Vậy trong khi chưa ban hành văn bản pháp luật thì Chính phủ điều hành theo quy định nào, người dân tuân thủ theo cái nào. Đây có phải là hành vi pháp luật không. Nếu là hành vi thì tại sao trong báo cáo kiến nghị giải pháp không thấy chỉ rõ trách nhiệm?

Trả lời 2 câu hỏi này, Thủ tướng cho biết, Chính phủ nhận thức rõ việc xây dựng, trình các dự án Luật, pháp lệnh, xây dựng ban hành các Nghị định hướng dẫn thực hiện là nhiệm vu trọng tâm, thường xuyên của Chính phủ. Các cuộc họp thường kỳ hàng tháng Chính phủ đều dành thời gian làm nhiệm vụ này. Khi cần Chính phủ lại họp chuyên đề để thực hiện riêng nhiệm vụ xây dựng pháp luật. “Tuy nhiên tình hình nợ văn bản, quyết định, Nghị định đã diễn ra nhiều năm nay”, Thủ tướng thừa nhận.

Thủ tướng cũng cho biết, từ năm 2012, Chính phủ đã nhận thấy yếu kém này, tập trung sức khắc phục. Đến cuối năm 2012 còn nợ 27 văn bản là nghị định, quyết định của Thủ tướng để thi hành luật, pháp lệnh. Đây là bước tiến bộ so với 10 năm nước vì mức nợ là thấp nhất. Nhưng vẫn còn nợ thì vẫn còn khuyết điểm, là yếu kém của Chính phủ. Năm 2013 Thủ tướng, Chính phủ phải ban hanh 129 Nghị định và quy định để thi thành 38 luật và pháp luật, tăng gấp đôi so với 2012. Ngay từ đầu năm, Thủ tướng, Chính phủ đã quan tâm đến việc này. Đến ngày 20-11, vẫn còn nợ 19 văn bản. “Như vậy, so với 2013 thì nợ ít hơn trong khi số văn bản phải ban hành là tăng gấp đôi. Từ nay đến cuối năm, tôi yêu cầu thúc đẩy để ban hành hết số còn lại. Nhưng qua rà soát thì thấy khó ban hành hết, vì anh em nói còn một số cái khó ban hành và chưa thực sự cấp bách. Ví dụ văn bản về quỹ đền bù do điện hạt nhân thì 10 năm nữa Việt Nam mới có, lại là lĩnh vực mới, cần phải tham khảo nhiều nên chưa vội ban hành. Nhưng chúng tôi sẽ cố gắng nghiêm túc, để không nợ đọng văn bản”, Thủ tướng cam kết.

Thủ tướng cũng khẳng định, cùng với số lượng ban hành văn bản là từng bước nâng chất lượng văn bản ban hành. Nhưng vẫn còn một số quy định ban hành không phù hợp với thực tiễn cuộc sống, thiếu tính khả thi, tuy là số ít nhưng vẫn gây bức xúc. Chính phủ sẽ  triển khai các giải pháp, trong đó đề cao trách nhiệm người đứng đầu từ Thủ tướng đến Phó Thủ tướng, các đồng chí đứng đầu bộ phận trong xây dựng, ban hành các văn bản pháp luật. Ngoài ra, có thực tế là khi ban hành văn bản pháp luật mà tư tưởng chưa thống nhất thì rất mất thời gian. Vì vậy, những vấn đề này tới đây sẽ phải khắc phục để nâng cao chất lượng ban hành quy phạm pháp luật của Chính phủ.

Tất cả dự án lọc dầu đều được thẩm định chặt chẽ

ĐB Hà Sỹ Đồng (Quảng Trị) cũng chất vấn, nhiều địa phương không có mỏ dầu nhưng vẫn được cấp phép khởi công nhà máy lọc dầu, như là một hội chứng. Quan điểm của Chính phủ về xây dựng các nhà máy lọc dầu như thế nào để vừa bảo đảm kinh tế, môi trường vừa phù hợp thực tiễn. Thủ tướng cho biết, Chính phủ đã ban hành quy hoạch về lọc dầu đến năm 2020, trong đó có nhà máy lọc dầu Dung Quất hiện đang vận hành hết công suất 6 triệu tấn sản phẩm/năm, cho hiệu quả cao. Hiện đang đàm phán với đối tác Nga để họ mua cổ phần nhà máy này, sau khi thỏa thuận được 2 bên sẽ đưa công suất lên 10 triệu tấn/năm. Việt Nam sẻ sử dụng vốn đó để nâng cao năng suất, không phải bỏ thêm vốn ra để nâng công suất. Hiện thỏa thuận này đang chờ Hiệp định của 2 Chính phủ.

Dự án thứ 2 là nhà máy lọc hóa dầu Nghi Sơn -Thanh Hóa công suất 10 triệu tấn/năm. Tổ hợp này có cổ phần của các đối tác nước ngoài khác. Thứ ba là nhà máy lọc dầu Phú Yên, là đối tác lớn của Nga xin đầu tư, phía VIệt Nam đã thẩm định cấp phép công suất 8 triệu/năm. Hiện nay đang chuẩn bị khởi công. Đây là đầu tư 100% của nước ngoài, đối tác tự bảo đảm nguyên liệu dầu thô. Thứ tư là nhà máy lọc dầu số 3 ở khu vực Long Sơn, Bà Rịa-Vũng Tàu, quy hoạch từ thời kỳ trước, hiện nay vẫn đang kêu gọi đầu tư. Thứ 5 là nhà máy lọc dầu Cần Thơ, công suất 2 triệu tấn/năm, đã cấp phép nhưng chủ đầu tư có khả năng không đầu tư, hiện nay Thủ tướng đang yêu cầu xem xét rút giấy phép. Thứ 6 là nhà máy lọc dầu Nam Vân Phong của Khánh Hòa cũng đang kêu gọi đầu tư. Tất cả các dự án đó đều nằm trong quy hoạch. Duy nhất 1 dự án không nằm trong quy hoạch nhưng Thủ tướng cho phép chủ trương đầu tư là nhà máy lọc dầu ở khu kinh tế Nhơn Hội-Bình Thuận với sông suất 30 triệu tấn/ năm. Đây là đối tác lớn của Thái Lan xin đầu tư, do Chính phủ Thái Lan giới thiệu. Thủ tướng cho phép xây dựng dự án báo cáo đầu tư, khi đó các cơ quan chức năng xem xét, nếu bảo đảm pháp luật, có lợi cho Việt Nam, có lợi cho đầu tư thì sẽ xem xét bổ sung vào quy hoạch. “Chính phủ bảo đảm quy hoạch lọc dầu chặt chẽ, hiệu quả, đúng quy hoạch”, Thủ tướng cam kết.

Sẽ siết chặt quản lý về thủy điện

ĐB Nguyễn Thị Phúc (Bình Thuận) chất vấn, thủy điện đã đóng góp quan trọng vào bảo đảm điện năng của đất nước, nhưng thời gian qua qua việc vận hành đã gây nhiều hệ lụy nặng nề cho người dân. Giải pháp nào để khắc phục. Đây cũng là chất vấn của ĐB Trần Thị Dung (Điện Biên) khi cho rằng, thủy điện xả lũ đang là nỗi bức xúc lớn trong dân. “Ý kiến của Thủ tướng trong vấn đề này, tránh tình trạng mùa lũ năm sau dân vẫn chịu khổ còn trách nhiệm thì vẫn cứ đẩy qua đẩy lại”, ĐB Dung chất vấn. ĐB Đỗ Văn Đương (TPHCM) cũng chất vấn xả lũ thủy điện không đúng quy định thì Thủ tướng đã có chỉ đạo gì không?

Về vấn đề này, Thủ tướng thừa nhận đây là bức xúc trong nhân dân. Theo Thủ tướng, tiềm năng thủy điện là một lợi thế của Việt Nam, cần phải khai thác, sử dụng để phục vụ phát triển. Những năm qua, thủy điện đã đóng góp rất quan trọng vào bảo đảm điện năng cho phát triển của đất nước. Mặt tích cực là rất rõ. Nhưng bên cạnh đó đã bộc lộ những tồn tại, hạn chế, yếu kém cả trong quy hoạch thẩm định, phê duyệt dự án, thi công, xây dựng dự án, những hạn chế trong di dân tái định cư, yếu kém trong việc bảo đảm môi trường sinh thái.

Thủ tướng nhấn mạnh, có nhiều nguyên nhân dẫn đến hạn chế, yếu kém, trong đó chủ quan là yếu kém trong quản lý Nhà nước của Chính phủ, của chính quyền địa phương, mà trực tiếp là các cơ quan chức năng của Chính phủ, chính quyền địa phương. Hiện Thủ tướng, Chính phủ đang tập trung chỉ đạo khắc phục những hạn chế, yếu kém trên. “Kỳ họp này, Chính phủ cũng đã có báo cáo tổng thể quy hoạch thủy điện ở nước ta, cả mặt được và chưa được. Chính phủ lắng nghe những lập luận, ý kiến tâm huyết, trách nhiệm của ĐBQH về lĩnh vực này. Tới đây Quốc hội có nghị quyết về vấn đề này thì Chính phủ sẽ tiếp tục thực hiện với tinh thần phát huy mặt tích cực của thủy điện để góp phần bảo đảm điện năng để phát triển, đồng thời thực hiện đồng bộ các giải pháp để khắc phục nhanh, hiệu quả những tồn tại, yếu kém. Với tinh thần dự án thủy điện phải vảo đảm hiệu quả về kinh tế, xã hội, môi trường sinh thái, an toàn”, Thủ tướng nhấn mạnh.

Cụ thể, đối với 286 dự án thủy điện đang vận hành, Chính phủ sẽ chỉ đạo sẽ rà soát đánh giá kỹ sự an toàn của hồ đập, cái nào không an toàn phải ngừng hoạt động. Rà soát, bổ ung quy trình vận hành hồ chứa để bổ sung cho phù hợp với diễn biến thực tế của thời tiết, cả mùa khô và mùa lũ. Quy trình vận hành này sẽ công khải cho dân biết, không phải đến khi khô kiệt hay lũ lụt mới cho dân biết. Thủ tướng cũng yêu cầu các tỉnh thành tăng cường trách nhiệm quản lý của mình về thủy điện, buộc các chủ đầu tư phải thực hiện đúng quy trình vận hành hồ chứa, ai không vận hành đúng thì phải xử lý nghiêm cả về kinh tế đến pháp luật. Ai sai thì phải xử. Nếu thiếu trách nhiệm, cố ý làm trái thì xử lý theo đúng quy định của pháp luật. Cùng với đó, rà soát bổ sung chính sách để yêu cầu chủ đầu tư thực hiện đúng cam kết trồng lại rừng, diện tích rừng đã mất do làm thủy điện.

Tương tự, với  205 dự án đang khởi công xây dựng và 248 dự án thủy điện nằm trong quy hoạch nhưng chưa khởi công, Thủ tướng cũng cho biết sẽ đề ra trách nhiệm quản lý chặt chẽ hơn, với tinh thần thủy điện là tài nguyên không tái tạo, phải rất chặt chẽ trong thẩm định, cho phép đầu tư.

Do hết thời gian trả lời trực tiếp ở hội trường, Thủ tướng cho biết sẽ trả lời bằng văn bản các câu chất vấn khác của ĐBQH, đăng công khai trên cổng công tin điện tử Chính phủ.

Các chất vấn chưa được trả lời

- ĐB Trần Du Lịch (TPHCM): Cần phải đẩy mạnh đổi mới chính sách, thể chế nhằm tạo niềm tin cho thị trường. Phải chăng sự thiếu nhất quán này dẫn đến chậm chạp trong đổi mới DNNN, ngân hàng... Làm thế nào để nhất quán trong đổi mới thể chế, tạo niềm tin cho thị trường.

- ĐB Đỗ Thị Hoàng (Quảng Ninh): Lộ trình để tái cơ cấu các tập đoàn Nhà nước, trong đó có Vinashin.

- ĐB Lê Như Tiến (Quảng Trị): Là người đứng đầu Chính phủ, trách nhiệm giải trình và trách nhiệm của Thủ tướng về phòng chống tham nhũng ra sao. Thủ tướng đã nói những sai phạm của tập đoàn là ung nhọt, dù đau cũng phải cắt bỏ. Vậy trong nhiệm kỳ của mình, Thủ tướng đã cắt bỏ hoặc đề xuất được bao nhiêu ung nhọt?

- ĐB Nguyễn Thị Khá (Trà Vinh): Tham nhũng còn diễn biến nghiêm trọng, giải pháp chưa mạnh. Đề nghị Thủ tướng cho biết nguyên nhân và trách nhiệm? Thủ tướng có giải pháp gì đột phá, nhất là đối với 10 vụ án tham nhũng lớn ?

- ĐB Nguyễn Thị Quyết Tâm (TPHCM): Đảng, Nhà nước và Thủ tướng quan tâm đến nông thôn, nông nghiệp, nông dân. Nhưng chưa có báo cáo đánh giá về hiệu quả của đầu tư cho lĩnh vực này. Báo cáo của Chính phủ cần quan tâm hơn đến công tác chỉ đạo về lĩnh vực này, vì thực tế thu nhập của người nông dân chưa tương xứng với những gì họ bỏ ra và đóng góp cho nền kinh tế. Làm sao để chính sách cho tam nông đi vào cuộc sống, để đối xử một cách công bằng đối với nông dân với những gì họ đóng góp cho đất nước?
 
- ĐB Trương Thị Huệ (Thái Nguyên): Tình trạng kỷ luật kỷ cương chưa nghiêm, ví dụ quy hoạch thủy điện. Chưa thấy xử lý cán bộ quản lý Nhà nước, trên bảo dưới không nghe, khiến người dân không tin. Giải pháp gì? Trách nhiệm của của Thủ tướng?

- ĐB Lê Nam (Thanh Hóa): Thủ tướng có trưng cầu người tài Việt Nam ở nước ngoài về xây dựng đất nước hay không? Giải pháp đột phá gì để thu hút nhân tài?

- ĐB Đỗ Văn Đương (TPHCM): Tại sao có sân golf trong sân bay Tân Sơn Nhất. Tại sao lại vội đầu tư sân bay Long Thành trong khi các sân bay khác chưa khai thác hết công suất?

- ĐB Đặng Thị Kim Chi (Phú Yên): Giải pháp gì để giúp các nhà máy đường và nông dân sản xuất đường? 

 Phan Thảo

>> Kiên quyết khắc phục oan sai, lọt tội

Tin cùng chuyên mục