Tại Hội nghị trực tuyến triển khai công tác lao động, người có công và xã hội năm 2013 của Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội tổ chức ngày 7-1, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng yêu cầu tập trung làm tốt hơn nữa công tác giảm nghèo...
Không cắt giảm bất kỳ khoản chi nào dành cho an sinh xã hội
Điểm lại những kết quả phát triển kinh tế-xã hội của đất nước đạt được trong năm 2012, trong đó có đóng góp quan trọng của ngành Lao động, Thương binh và Xã hội, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cho biết, trong bối cảnh phải đương đầu với những khó khăn, thách thức, song với sự nỗ lực của toàn Đảng, toàn quân và toàn dân, chúng ta đã đạt được những kết quả toàn diện trên các lĩnh vực, kinh tế vĩ mô giữ được ổn định, lạm phát được kiềm chế, tỷ giá ổn định, các cân đối lớn của nền kinh tế được đảm bảo, tăng trưởng GDP đạt trên 5% (nằm trong nhóm nước có tốc độ tăng trưởng cao trong khu vực).
Đặc biệt trong điều kiện khó khăn, chúng ta không cắt giảm bất kỳ khoản chi nào dành cho an sinh xã hội mà còn tăng thêm các khoản chi cho an sinh xã hội. Những kết quả đạt được trong lĩnh vực bảo đảm an sinh xã hội đã đóng góp quan trọng vào sự ổn định xã hội.
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng bày tỏ đồng tình với các chỉ tiêu, nhiệm vụ năm 2013 của ngành Lao động, Thương binh và Xã hội, trong đó có một số chỉ tiêu lớn như: tạo việc làm cho 1,6 triệu người; tăng số người lao động tham gia bảo hiểm xã hội lên 11,146 triệu người; tuyển mới dạy nghề cho 1,9 triệu người; 98,5% hộ gia đình chính sách người có công có mức sống bằng hoặc cao hơn mức trung bình của cư dân nơi cư trú; giảm 2% hộ nghèo của cả nước, trong đó các huyện nghèo giảm 4% so với cuối năm 2012; hỗ trợ kịp thời, đảm bảo ổn định đời sống nhân dân vùng bị ảnh hưởng thiên tai, bão lụt, mất mùa…
Chỉ đạo các nhiệm vụ cụ thể, Thủ tướng đề nghị Bộ và ngành Lao động, Thương binh và Xã hội tiếp tục tập trung nâng cao năng lực, hiệu quả, hiệu lực quản lý nhà nước trong lĩnh vực lao động, thương binh và xã hội nhất là trong xây dựng thể chế, văn bản quy phạm pháp luật; hoàn thiện chức năng, nhiệm vụ của Bộ, các đơn vị trực thuộc. Nâng cao năng lực dự báo, nhất là dự báo về lao động, nhu cầu lao động; nâng cao năng lực cung cấp thông tin, giải trình, giải đáp về các vấn đề mà người dân và dư luận xã hội quan tâm.
Tập trung làm tốt hơn nữa công tác giảm nghèo, đặc biệt là giảm nghèo ở vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc. Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội nghiên cứu các tiêu chí đánh giá về hộ nghèo để có các hình thức hỗ trợ phù hợp, đúng đối tượng. Bên cạnh đó cần tiếp tục có các giải pháp hiệu quả để hỗ trợ các hộ cận nghèo, tránh tình trạng tái nghèo.
Thực hiện tốt chính sách đào tạo nghề và giải quyết việc làm cho người lao động, nhất là đào tạo nghề cho lao động nông thôn. Đào tạo nghề ở khu vực nông thôn theo hướng gắn liền với công việc người dân đang làm để họ có kiến thức tốt hơn, tạo ra năng suất lao động cao hơn. Đồng thời, tổ chức thực hiện hiệu quả Chiến lược phát triển dạy nghề thời kỳ 2011 – 2020 cũng như tiếp tục hoàn thiện cơ chế quản lý nhà nước về dạy nghề. Tiếp tục quan tâm thực hiện tốt chính sách ưu đãi người có công, lưu ý rà soát để không bỏ sót các đối tượng có công với cách mạng mà chưa được hưởng chế độ ưu đãi của Đảng và Nhà nước, quan tâm thực hiện công tác quy tập hài cốt liệt sĩ khi đang làm nhiệm vụ ở Lào, Campuchia.
Quản lý chặt chẽ việc đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hướng lựa chọn thị trường, tạo điều kiện thuận lợi đề người lao động có thu nhập cao khi đi xuất khẩu lao động cũng như quản lý chặt chẽ, hiệu quả người lao động nước ngoài làm việc tại Việt Nam...
Nhân dịp Tết Nguyên đán sắp tới, Thủ tướng đề nghị Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội phối hợp chặt chẽ với với các Bộ, ngành địa phương trong chăm lo Tết cho người dân, nhất là các hộ nghèo, các đối tượng chính sách, đảm bảo cho nhân dân đón xuân mới đầm ấm, vui tươi, an toàn và lành mạnh.
Tỷ lệ hộ nghèo cả nước còn 10%
Thứ trưởng Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội Nguyễn Thanh Hòa cho biết, trong năm 2012, với những nỗ lực của toàn ngành, các nhiệm vụ, chỉ tiêu kế hoạch về lao động, người có công và xã hội tiếp tục có chuyển biến và đạt được những kết quả tích cực.
Năm 2012 đã giải quyết việc làm mới cho 1,52 triệu người (đạt 95% kế hoạch). Tổ chức được trên 600 phiên giao dịch việc làm ở 43 tỉnh, thành phố với tần suất giao dịch tăng gấp 1,2 lần so với năm 2011.
Trong năm 2012 đã tuyển mới dạy nghề cho trên 1,493 triệu người, đạt 78,6% kế hoạch. Hệ thống dạy nghề tiếp tục phát triển theo hướng xã hội hóa. Đến cuối năm 2012 cả nước có 151 trường cao đẳng nghề (trong năm 2012 thành lập thêm 5 trường) trong đó có 95 trường công lập, 18 trường thuộc doanh nghiệp nhà nước; 38 trường tư thục; 307 trường trung cấp nghề; 869 trung tâm dạy nghề (trong năm 2012 thành lập mới 11 trung tâm). Các hoạt động dạy nghề tiếp tục phát triển theo hướng tăng cường đào tạo nghề trình độ cao đáp ứng nhu cầu của các ngành kinh tế mũi nhọn, những vùng kinh tế trọng điểm.
Việc thực hiện chính sách ưu đãi người có công kịp thời, đầy đủ với trợ cấp ưu đãi thường xuyên cho gần 1,5 triệu người có công với cách mạng; điều chỉnh nâng mức trợ cấp người có công từ ngày 1/5/2012 theo Nghị định số 47/2012/NĐ-CP của Chính phủ (tăng 27,58%); tổ chức điều dưỡng luân phiên cho trên 290.000 người; nuôi dưỡng, chăm sóc tập trung cho khoảng 1.000 thương binh nặng; thực hiện chính sách chỉnh hình-phục hồi chức năng cho trên 12.500 thương binh, thân nhân người có công. Công tác giảm nghèo bền vững được thực hiện đồng bộ, chương trình hỗ trợ giảm nghèo với 62 huyện nghèo tiếp tục được thực hiện có hiệu quả, tập trung đầu tư cho vùng khó khăn, địa phương có tỷ lệ hộ nghèo cao.
Tỷ lệ hộ nghèo cả nước tính đến cuối năm 2012 còn khoảng 10%, giảm 1,76% so với cuối năm 2011.
Công tác bảo trợ xã hội được chú trọng, thực hiện bảo trợ thường xuyên tại cộng đồng cho 2,65 triệu người; cấp thẻ bảo hiểm y tế cho 2,53 triệu người. Hệ thống cơ sở bảo trợ xã hội tiếp tục được củng cố, nâng cấp từ nhiều nguồn kinh phí, tăng quy mô, nâng cao chất lượng phục vụ cho đối tượng; phát triển thêm 20 cơ sở bảo trợ xã hội (2 cơ sở công lập, 18 cơ sở dân lập) đưa tổng số cơ sở bảo trợ xã hội cả nước lên 432 cơ sở (270 cơ sở công lập, 158 cơ sở dân lập)…
Bên cạnh những kết quả đạt được, ngành Lao động, Thương binh và Xã hội vẫn còn một số hạn chế như: thực hiện chương trình công tác, một số đề án chuẩn bị còn chậm; chỉ tiêu tuyển mới dạy nghề đạt thấp; nguồn lực đầu tư cho dạy nghề vẫn chưa đáp ứng được yêu cầu phát triển; hiệu quả dạy nghề cho lao động nông thôn còn hạn chế; đời sống người lao động, hộ nghèo, đối tượng xã hội còn nhiều khó khăn; tệ nạn ma túy, mại dâm diễn biến phức tạp.
Tại các đầu cầu của Hội nghị, lãnh đạo Sở Lao động, Thương binh và Xã hội các địa phương như Hà Nội, TP Hồ Chí Minh, Hà Tĩnh, Bắc Kạn, Đồng Nai… đề nghị Trung ương, Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội tiếp tục dành sự quan tâm hơn nữa cho công tác giảm nghèo, đào tạo nghề và giải quyết việc làm cho lao động nông thôn; tập trung nguồn lực vào hiện các sách sách giảm nghèo đối với những địa bàn nghèo; nâng mức hỗ trợ sản xuất cho các hộ nghèo, hộ cận nghèo; đầu tư nâng cấp các cơ sở bảo trợ xã hội; tăng cường công tác thông tin về lao động, việc làm.
Các đại biểu cũng đề nghị Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội tham mưu cho Chính phủ sớm ban hành các văn bản hướng dẫn thi hành Bộ luật Lao động (sửa đổi), đặc biệt cần làm rõ những vấn có thể phát sinh trong thi hành Bộ luật Lao động sửa đổi như vấn đề liên quan đến hành vi cưỡng bức lao động, ngược đãi lao động…
Nguyễn Hoàng – Nhật Bắc (VGP)