Chiều 28-9, tại Trụ sở Chính phủ, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc và các bộ, ngành Trung ương đã làm việc với lãnh đạo chủ chốt TP biển Đà Nẵng để giải quyết những khó khăn, bất cập về cơ chế, chính sách; đưa Đà Nẵng bứt phá mạnh mẽ hơn nữa, xứng tầm với tiềm năng, lợi thế trung tâm kinh tế khu vực miền Trung - Tây Nguyên.
Gợi mở ý tưởng phát triển Đà Nẵng, Thủ tướng đề nghị Đảng bộ, chính quyền và nhân dân thành phố phải có ước mơ, quyết tâm và quyết liệt thực hiện các giải pháp đưa Đà Nẵng hướng đến trở thành những trung tâm tài chính, kinh tế du lịch của thế giới như Singapore, Hồng Công trong tương lai gần.
Là điểm trung chuyển quan trọng trên con đường di sản miền Trung, Đà Nẵng được xem là thành phố của du lịch và đây cũng là lĩnh vực kinh tế trọng yếu, đem lại nguồn thu lớn nhất cho địa phương. 9 tháng đầu năm 2016, mặc dù trong bối cảnh chịu tác động bởi những khó khăn trong nước và quốc tế nhưng hoạt động du lịch của Đà Nẵng vẫn diễn ra sôi động với nhiều sự kiện lớn, góp phần thu hút khách tham quan du lịch đến Đà Nẵng tăng cao so với cùng kỳ. Trong thời gian này, ước có 4,41 triệu lượt khách đến Đà Nẵng, bằng 85,8% kế hoạch, tăng 18,3% so với cùng kỳ năm trước. Tổng doanh thu từ hoạt động du lịch của Đà Nẵng ước đạt 12.795,8 tỷ đồng, tăng 25,4%. Tính đến nay, trên địa bàn Đà Nẵng nhiều dự án du lịch được cho phép đầu tư với tổng vốn hàng tỷ USD. Trong đó, nhiều tập đoàn lớn như Vina Capital, Indochina Capital, Vingroup… đầu tư vào các sân golf, khách sạn, resort cao cấp…
Để đưa thành phố xứng tầm trung tâm khu vực, Thủ tướng gợi ý, trước hết Đà Nẵng cần tập trung phát triển vào phía Tây - nơi điều kiện kinh tế - xã hội còn thiếu và yếu hơn. Về tầm nhìn dài hạn, Đà Nẵng phải hướng đến trở thành một thành phố thông minh, cạnh tranh, kết nối trong nước với các thành phố khác trên thế giới; thực sự là một điểm đến của du khách, của hàng hóa và những ý tưởng sáng tạo.
Sáng cùng ngày, phát biểu trong buổi làm việc với lãnh đạo tỉnh Quảng Nam tại Trụ sở Chính phủ, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đề nghị xây dựng Quảng Nam thành mô hình phát triển nhanh, bền vững, toàn diện, cùng Đà Nẵng và Quảng Ngãi trở thành trung tâm kinh tế vùng Trung Trung bộ.
Đánh giá tình hình kinh tế - xã hội đảm bảo quốc phòng, an ninh của Quảng Nam, Thủ tướng ghi nhận kết quả phát triển toàn diện của tỉnh với nhiều lĩnh vực mũi nhọn được tập trung chỉ đạo và thực hiện tốt, đặc biệt là du lịch đời sống nhân dân khá hơn, nhất là khu vực chính sách, đồng bào dân tộc thiểu số. Cải cách hành chính có nhiều tiến bộ với các mô hình trung tâm hành chính công xây dựng nông thôn mới được quan tâm và có thành tích đáng ghi nhận. Thủ tướng nhận xét, hợp tác xúc tiến đầu tư của Quảng Nam có nhiều tiến bộ, nhất là tại Khu kinh tế mở Chu Lai tỉnh đã thu hút được trên 250.000 lao động tại các khu công nghiệp. Hệ thống chính trị đoàn kết, gắn bó, quyết tâm xây dựng quê hương giàu mạnh.
Thủ tướng phân tích, để hoàn thành mục tiêu này cần nhiều nguồn lực và quan trọng là phải có một chính quyền liêm chính, kiến tạo và phục vụ người dân và doanh nghiệp, đi tắt đón đầu cuộc cách mạng lần thứ 4 để nắm bắt cơ hội phát triển. Bộ máy quản lý hành chính phải trách nhiệm, “máu lửa”, làm việc ngày đêm vì nhân dân, kiên quyết loại khỏi hệ thống cán bộ vô trách nhiệm trong công tác.
Trên tinh thần đó, Thủ tướng mong muốn Quảng Nam sớm tái cơ cấu lại nền kinh tế theo hướng phát triển toàn diện, nâng quy mô sản xuất kinh tế nông nghiệp tập trung vào kinh tế biển, đánh bắt xa bờ để tận dụng tốt lợi thế đường bờ biển dài. Thủ tướng cũng yêu cầu Quảng Nam kiên quyết từ chối các dự án công nghiệp gây hại cho môi trường để gìn giữ vốn quý về di tích, di sản và đảm bảo sức khỏe cho người dân.
NGỌC MINH