Thật khó nói có ranh giới chính xác hay không trong việc thu đủ, thu đúng, thu chính xác đối tượng phải thu hoặc thu quá đà đến mức lạm thu như từng xảy ra trong nhiều lĩnh vực của cuộc sống.
Tất nhiên, ai cũng thống nhất quan điểm cái đáng thu thì phải thu để còn có cái mà chi, còn có cái để “tái tạo sức lao động”, nhưng đầu tiên - vẫn là câu hỏi đầu tiên - là cũng phải có cái gì để mà thu. Đường cao tốc thu phí đã đành vì có đường cho xe chạy cao tốc, song bảo tàng to đùng như Bảo tàng Hà Nội được xây cất cả ngàn tỷ đồng thì không biết sẽ thu tiền khách tham quan ra sao khi không có gì để… thu, đến mức có thêm cả thuật ngữ “vắng khách như Bảo tàng Hà Nội”. Và chỉ tội nghiệp cho vị đại diện Sở VH-TT-DL Hà Nội khi tiếp xúc với báo giới đã nhiều lần phải thốt lên “trời ơi!” trong dẫn giải về kế hoạch thoát hiểm của bảo tàng này, tỷ như “trời ơi!” ở Đài Loan nó chỉ trưng bày 2 cổ vật là cây bắp cải và miếng thịt lợn có niên đại 2.500 năm “làm bằng ngọc ngà gì đó tôi không biết” mà nó đông khách, bán vé 200 ngàn đồng/người, thu mỗi năm tới 100 triệu USD… và ông mơ ước sẽ có một ngày Bảo tàng Hà Nội sẽ đông khách, đông tiền thu như vậy, nhất là sau khi… có thêm cái cột rồng ở sảnh ngoài để mãn nhãn du khách.
Nhưng “trời ơi”, có nhiều cái đáng thu như tác quyền trong văn học nghệ thuật lại không thể hoặc rất khó thu vì nó có vẻ trừu tượng, không hiện hữu như cây bắp cải và miếng thịt lợn kể trên. Từ đó, chúng ta có thể hiểu được niềm vui khôn tả của hơn 100 nhà văn đã mất hoặc còn sống khi lần đầu tiên trong “lịch sử sáng tác” được biết đến nhuận bút các tác phẩm dùng trong sách giáo khoa. Người nhiều thì vài chục triệu như gia đình cố nhà thơ Tố Hữu lãnh 30 triệu, nhà thơ Trần Đăng Khoa - 17 triệu, còn lại thì chỉ lãnh tượng trưng cho vui vẻ “người thơ phong vận như thơ ấy”, song để có được khoản thu khoảng 500 triệu đồng từ Nhà Xuất bản Giáo dục, Trung tâm Bản quyền văn học Việt Nam (thuộc Hội Nhà văn Việt Nam) đã phải trải qua cuộc đấu trí cam go, kéo dài gần 1 năm với phương thức “vừa đánh, vừa đàm”, ngồi bàn thương lượng không được thì gửi công văn đến các cấp, thậm chí lôi ra tòa kiện cho ra tiền mới xong. Biết rằng khoản thu ít ỏi cũng không cải thiện cuộc sống được bao nhiêu, nhưng có tiền… vẫn hơn không có tiền cho sáng tạo cá nhân và đấy là một dấu hiệu đáng mừng khi chúng ta đang từng bước thực thi đầy đủ luật sở hữu trí tuệ. Và mừng thì có mừng, nhưng mừng vẫn thấp thỏm lo âu vì thu bao nhiêu cho đủ, thu rồi thì chi bao nhiêu, liệu thu - chi có minh bạch, rõ ràng…? Điển hình như trong lĩnh vực âm nhạc thời gian qua đã có nhiều tranh cãi nảy lửa về hoạt động của Trung tâm Bảo vệ quyền tác giả âm nhạc Việt Nam (VCPMC) như khả năng đại diện cũng như tính pháp lý của nó. Song rối rắm nhất vẫn là biểu mức thù lao sử dụng tác phẩm âm nhạc dẫn đến hàng loạt vụ xung đột với các chương trình ca nhạc mà nhiều người cho rằng VCPMC hoạt động giống như “công ty đòi nợ thuê”. Ngay chính bản thân nhạc sĩ Phó Đức Phương, Giám đốc trung tâm. cũng thừa nhận ông làm vậy chẳng sung sướng gì, cực chẳng đã mới phải sắm vai người “đòi nợ thuê”. Có khá nhiều trường hợp khi đích thân ông đến tận địa điểm tổ chức live show của một nữ ca sĩ hải ngoại để tuyên bố sẵn sàng “nhảy lên sân khấu” nếu như ban tổ chức chương trình không thực hiện nghĩa vụ tác quyền là 170 triệu đồng chưa tính thuế. Hoặc giả có lần ông làm náo loạn Nhà hát TP Hà Nội khi “đôi co” với ban tổ chức và mọi ồn ào chỉ được giải quyết khi đơn vị tổ chức đêm nhạc ký biên bản cam kết sẽ nộp đủ phí bản quyền cho VCPMC. Và mới nhất là vụ đòi thu tiền bản quyền ca khúc “Tiến quân ca” khiến dư luận dậy sóng dù trong trường hợp này không có đủ cơ sở pháp lý để VCPMC thu tiền vì là Quốc ca của Việt Nam và là tâm nguyện của vợ ông và bản thân nhạc sĩ Văn Cao khi còn sống.
Chung quy lại, cả bên đi đòi và bên bị đòi chẳng mấy khi tìm được tiếng nói chung khi mà hành lang pháp lý vẫn còn kẽ hở. Thế nên mới có chuyện mức phí tác quyền mỗi lúc mỗi kiểu, mỗi người mỗi giá. Cách thu tiền tác quyền của VCPMC, tiếng là áp dụng theo công thức phần trăm số vé bán ra nhân giá vé bình quân nhân bản quyền tác giả âm nhạc (chiếm 5%), nhưng kỳ thực đơn vị tổ chức hoàn toàn có thể mặc cả được. Như có lần VCPMC đã đòi đơn vị tổ chức phải trả phí tác quyền 4 triệu đồng/ca khúc, nhưng đơn vị này nhất quyết chỉ trả 150 ngàn đồng/bài. Cuối cùng giá được chốt là 300 ngàn đồng/bài. Điều này có nghĩa là chẳng có một công thức chính thức nào cho việc thu phí tác quyền âm nhạc. Dù đã có Nghị định 61 của Chính phủ về chế độ nhuận bút, nhưng trong đó cũng không có quy định cụ thể mức tiền tác quyền cho tác giả là bao nhiêu và chính từ đó dẫn đến sự tự quy định của VCPMC khiến người ta liên tưởng đến sự “độc quyền” của trung tâm này. Thiết nghĩ nếu cơ quan quản lý vẫn đứng ngoài cuộc, vẫn chưa đưa ra được cách tính tác quyền hợp lý nhất và chưa có sự phối hợp những đơn vị bảo hộ quyền tác giả thông qua các biên bản luật thì công chúng còn phải ngán ngẩm với những vụ mặc cả giữa bên đòi và bên bị đòi.
BÍCH AN