Nhiều khả năng Đại hội Liên đoàn Bóng đá Việt Nam (VFF) khóa 8 vẫn chưa thể diễn ra trong tháng 8. Ngoài việc đội tuyển Olympic phải thi đấu tại Asiad 2018 trong tháng 8, hiện vẫn chưa thể chốt được danh sách đề cử cho chức danh quan trọng nhất là Chủ tịch VFF.
Việc đại hội bị trì hoãn vô thời hạn có thể khiến dư luận bức xúc với năng lực tổ chức cũng như uy tín của VFF, nhưng sự chậm trễ này cũng giúp cho những ai quan tâm đến bóng đá Việt Nam nhìn nhận kỹ lưỡng hơn về các vấn đề của VFF.
Theo kế hoạch, VFF phải tổ chức đại hội vào tháng 3 năm nay. Như vậy, đã gần 5 tháng, VFF khóa 7 vẫn hoạt động trong tình trạng “tạm quyền”. Suốt 1 năm qua, Chủ tịch VFF đương nhiệm Lê Hùng Dũng, vì lý do sức khỏe, gần như không tham gia công tác của liên đoàn, trong khi Phó Chủ tịch Đoàn Nguyên Đức có đơn xin từ chức từ 1 năm trước, còn Phó Chủ tịch VFF Nguyễn Xuân Gụ mới từ chức gần đây. VFF vẫn đang hoạt động bình thường, ký kết hợp tác với một số nhà tài trợ mới cho các đội tuyển U.23 và U.19, cũng như tổ chức được các giải đấu quốc tế chất lượng cao cho những đội tuyển quốc gia. Vậy nên, khó mà nói rằng VFF đang trong “cơn sóng gió” như một số luồng dư luận đề cập.
Với việc VFF “tưởng không ổn, mà vẫn ổn”, có thể thấy, vấn đề của tổ chức này không phải nằm ở bộ phận điều hành. Trải qua nhiều nhiệm kỳ, sau khi chia sẻ công việc cho các bên liên quan, đặc biệt là các giải đấu nội địa, bộ máy của VFF đã hoạt động hiệu quả hơn trong việc xử lý những công việc hàng ngày vốn dưới quyền điều hành của Tổng thư ký. Trên cơ sở này, cần phải xem xét lại các tiêu chí đặc thù cho bộ phận quản lý, tức chủ tịch và các phó chủ tịch. Làm rõ được vai trò của từng vị trí mới có thể bầu được đúng người đảm nhiệm.
Từ khóa 5, VFF đã cải tổ bộ máy, chia rõ 2 chức năng chính quản lý và điều hành, qua đó, nâng cao vai trò của Tổng thư ký, người có nhiệm vụ tương tự Tổng giám đốc của một công ty cổ phần, chịu toàn bộ trách nhiệm hoạt động mang tính thường xuyên của nền bóng đá. Ngược lại, bộ phận quản lý mà đứng đầu là chủ tịch sẽ chú tâm hơn vào các yếu tố tầm nhìn, chiến lược cũng như phát triển các mối quan hệ xã hội. Những đề án kiểu như “giành quyền tham dự World Cup 2026” hay vận động các doanh nghiệp lớn tham gia bóng đá sẽ thuộc phạm vi công việc của chủ tịch và các phó chủ tịch.
Nếu đặt vấn đề theo cách như trên, hiện VFF đúng là chưa thể tìm ra “minh chủ” dù ban đầu có đến 4 người tham gia ứng cử. Sau khi 2 người rút lui, 2 ứng viên còn lại trong “cuộc đua” đều đã và sắp về hưu, không đảm nhiệm vị trí nào trong các tổ chức chính trị - xã hội, không phải là doanh nhân thành đạt và cũng chưa có nhiều kinh nghiệm ở lĩnh vực bóng đá đỉnh cao, chưa nói một trong hai người còn từng bị “tai tiếng”. Nói cách khác, họ đều không hội đủ các yếu tố cần thiết cho vị trí chủ tịch nên khó tập hợp được đội ngũ có chất lượng dưới quyền.
Trong khi đó, hiện có thông tin một chính khách sẽ được đề cử vào chức danh chủ tịch VFF, một giải pháp có thể phù hợp với tình hình hiện nay. Sau khi đã chuyển giao quyền tổ chức các giải đấu cho những đơn vị độc lập, hiện VFF mang tính xã hội nhiều hơn tính nghề nghiệp. Nhiệm vụ của VFF hiện nay, bên cạnh chăm lo cho các đội tuyển quốc gia, còn phải kết nối với những tổ chức thành viên để phát triển phong trào, đặc biệt là khâu hạ tầng và đào tạo. Để làm những việc đó, VFF cần có thêm nguồn lực tài chính và mối quan hệ với các địa phương. Một vị chủ tịch là chính khách, hoặc từng đảm nhiệm công tác quản lý nhà nước cấp cao, sẽ thuận lợi hơn.