(SGGPO). - Chiều 7-8, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Chính phủ Vương Đình Huệ dẫn đầu đoàn công tác Trung ương đã có buổi làm việc với lãnh đạo tỉnh Thừa Thiên - Huế về tình hình phát triển kinh tế xã hội 6 tháng đầu năm 2016 của tỉnh này.
Ảnh: Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ đề nghị tỉnh Thừa Thiên – Huế định hướng phát triển KT- XH, cần lấy việc phát triển du lịch- dịch vụ làm đầu.
Báo cáo tại buổi làm việc, Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên – Huế Nguyễn Văn Cao cho biết, số doanh nghiệp đăng ký mới 6 tháng đạt 275 doanh nghiệp, tăng 3% so với cùng kỳ, tổng vốn đăng ký đạt hơn 1.000 tỷ đồng. Lĩnh vực FDI cấp mới 4 dự án đầu tư trực tiếp nước ngoài, với tổng mức đầu tư 11,3 triệu USD… Tuy đã nỗ lực phấn đấu phát triển kinh tế xã hội (KT-XH), song do sự cố môi trường biển đã tác động tiêu cực đến tăng trưởng của nền kinh tế. Ước tính thiệt hại đã làm giảm tăng trưởng chung toàn tỉnh 6 tháng đầu năm 2016 khoảng 1% và còn ảnh hưởng, tác động tiêu cực lâu dài đến toàn bộ nền kinh tế.
Phát biểu kết luận buổi làm việc, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ đánh giá cao kết quả phát triển KT- XH của tỉnh Thừa Thiên - Huế, nhất là chuyển dịch cơ cấu kinh tế đúng hướng; cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh. Về phát triển KT- XH trong thời gian tới, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ khẳng định, mục tiêu xuyên suốt của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân Thừa Thiên - Huế là phải thường trực quyết tâm chính trị xây dựng Thừa Thiên - Huế trở thành TP trực thuộc Trung ương. Trong định hướng phát triển KT- XH, cần lấy việc phát triển du lịch- dịch vụ làm đầu. Trong đó, cần đổi mới tư duy làm du lịch, hoạt động du lịch phải có liên kết vùng; tập trung đầu tư kết cấu hạ tầng du lịch, môi trường du lịch, đặc biệt là phải tạo ra sản phẩm du lịch khác biệt và đẳng cấp. Phó Thủ tướng cũng yêu cầu lãnh đạo Thừa Thiên - Huế bám sát các nghị quyết của Chính phủ để tiếp tục có những đột phá trong phát triển KT- XH, lựa chọn công nghiệp công nghệ cao để phát triển, không đầu tư dàn trải... Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ cho biết, Chính phủ sẽ sớm ban hành gói tổng thể hỗ trợ cho các tỉnh bị ảnh hưởng bởi sự cố môi trường biển. Trong đó, chú trọng việc khôi phục, tái tạo môi trường biển và nguồn lợi thủy sản. Có chính sách tín dụng vay vốn, khôi phục sản xuất; chính sách hỗ trợ đào tạo, chuyển đổi nghề nghiệp; chính sách giãn nợ, khoanh nợ. Khi thực hiện chính sách này, Chính phủ sẽ chỉ đạo các bộ, ngành, địa phương công khai, minh bạch, sớm hỗ trợ người dân vùng ảnh hưởng thoát khỏi khó khăn.
VĂN THẮNG