Thuận An đã thành thị xã

Cầm giấy mời trên tay, tôi cứ suy đi nghĩ lại: Đi, không đi. Mới chữa bệnh ở nước ngoài về, mắt mờ chân chậm, đi đứng khó khăn. Thôi đành không đi vậy. Mà không được. Dòng chữ lễ công bố thành lập thị xã Thuận An (Lái Thiêu) thôi thúc tôi phải về nơi xứ sở để chính tai nghe mắt thấy xứ sở mình đang đổi thay.

Địa điểm ghi trong giấy mời là Khu liên hợp đô thị Becamex Thuận An. Đến tận nơi mới thấy thì ra là Gò Cát gần cầu Bưng Bố. Đất đã san ủi bằng phẳng, nghe nói tại đây sẽ mọc lên bệnh viện, trường học... Hội trường lợp bằng vải, rộng lớn hoành tráng sức chứa hàng ngàn người. Đoàn chúng tôi có 4 người - nói theo anh Năm Thuận, nguyên lãnh đạo Lái Thiêu, là những người sống sót - được xếp ở bàn đầu. Vô ra, qua lại rộn ràng, người nào cũng tất bật, vội vội vàng vàng. Đồng chí Bí thư Tỉnh ủy, đồng chí Phó Bí thư - Chủ tịch UBND tỉnh thoắt đến siết tay, cười rồi lại thoắt đi.

Buổi lễ bắt đầu. Nghị quyết của Thủ tướng Chính phủ được đọc to. Thị xã Thuận An được thành lập với 8.426ha diện tích tự nhiên và 382.034 nhân khẩu, 10 đơn vị hành chính trực thuộc. Như vậy Bình Dương tôi từ nay có 7 đơn vị hành chính gồm 3 thị xã: Thủ Dầu Một, Thuận An, Dĩ An và 4 huyện Bến Cát, Dầu Tiếng, Phú Giáo, Tân Uyên. Và như vậy Thuận An tôi (Lái Thiêu) đã trở thành thị xã, sừng sững đứng ở phía Nam của tỉnh Bình Dương và là cửa ngõ phía Bắc của TP Hồ Chí Minh, nối liền không gian xây dựng đô thị của thành phố và của tỉnh.

Các đồng chí lãnh đạo thị xã bước lên sân khấu. Ánh mắt. Nụ cười. Tiếng vỗ tay. Bằng công nhận thị xã và những bó hoa tươi được đồng chí Bí thư Tỉnh ủy trao cho. Tôi căng mắt nhìn các đồng chí bí thư, phó bí thư, ủy viên thường vụ của thị ủy. Bình thường quá quen mà hôm nay sao là lạ. Ai nấy đều nghiêm trang. Thì ra các đồng chí bây giờ là lãnh đạo thị xã, tiếp tục lãnh đạo xây dựng một vùng công nghiệp và đô thị rộng hơn, lớn hơn, đậm đặc hơn.

Theo các ông già bà già xưa kể lại, thì hồi xửa hồi xưa, tại vùng này có ông lái trâu cờ bạc rượu chè, nợ nần tứ giăng, trả không nổi, trốn không khỏi nên buồn tình quấn giẻ quanh người đổ dầu hôi tự thiêu. Địa danh Lái Thiêu bắt đầu từ đó. Đến thời chống ngoại xâm, bà con ít nói đến Lái Thiêu mà nhấn mạnh chiến khu Thuận An Hòa, 3 xã trung tâm Thuận Giao, An Phú, Bình Hòa của huyện Lái Thiêu, chỗ dựa của Lái Thiêu chống Pháp, chống Mỹ. Các cơ quan lãnh đạo tỉnh huyện đều đóng tại chiến khu để chỉ đạo phong trào khắp nơi.

Suốt mấy mươi năm sao dời vật đổi, lúc vầy lúc khác, hợp tan, tan hợp nhưng vẫn sừng sững chiến khu Thuận An Hòa. Văn bia đền liệt sĩ Khu lưu niệm Thuận An Hòa có đoạn: “Giặc ủi trắng rừng, cắt đường liên lạc, ta có giao liên hợp pháp đưa tin tức liên thông, gạo ký muối lon, kiến tha lâu đầy tổ. Rừng chiến khu Thuận An Hòa thu hẹp, nhưng căn cứ ở trong dân, trong ấp chiến lược, khu đồn càng ngày càng mở rộng”.

Chuyện Lái Thiêu, chuyện chiến khu Thuận An Hòa ngồi kể hoài không dứt. Nhưng bà con lớn nhỏ nhớ nhất 2 chuyện nằm lòng:

Thứ nhất: Bộ Tham mưu hành quân của lính Âu Phi do quan tư Dupuis chỉ huy bị tiêu diệt năm 1949. Năm ấy giặc càn dữ. Đợt càn nào cũng nghỉ quân ở Chòm Dầu chợ Miễu, xã An Phú. Nắm được thói quen, du kích chôn tại đó 2 trái mìn tự tạo. Hôm đó cũng vậy, chúng dừng một lúc thì mìn nổ. Một đống xác người văng tứ tung. Cuộc hành quân chấm dứt. Rút ngay. Đúng một tuần sau, chúng quay lại. Lần này trả thù găng đây. Được. Cứ chơi ! Nhưng chúng không trả thù mà cột vải trắng trên 12 cây dầu, đắp 12 nấm mộ cắm thánh giá buộc vải trắng. Xong. Chúng chọn một cây dầu cao, to, dùng chất nổ đánh cho ngã gục rồi rút lui êm. Chúng làm lễ truy điệu 12 sĩ quan tham mưu thôi mà.

Thứ hai: Chuyện xã Bình Hòa nổi tiếng là xã chiến đấu kiểu mẫu. Xẻ dọc đường ngang lối tắt. Rào rấp chỗ này, mở rộng chỗ kia, hố chông hầm chông lúc nào cũng sẵn sàng đợi giặc. Bình Hòa có 1 đội du kích và 4 trung đội dân quân. Một trung đội nữ có 35 chị em, phụ trách 7 vọng gác. Giặc vào có trống mõ. Giặc càn có du kích, có hầm chông. Có lần chúng càn có xe tăng yểm trợ nhưng xe tăng lúng túng lạc lối đi, về. Dẫu sao chúng cũng có gây cho ta tổn thất, nhất là đột kích các trạm gác, nhưng người này ngã xuống, người khác đứng lên, quyết tâm giữ vững Bình Hòa, giữ vững Thuận An Hòa. Với thành tích xây dựng và chiến đấu, xã Bình Hòa được Hồ Chủ tịch khen tặng. Hiện nay bút tích của Bác vẫn còn. Xin chép lại nguyên văn: “Nên khen thưởng zukích Chi Lăng, Đình Bảng và làng kháng chiến kiểu mẫu Bình Hòa ở Thủ Dầu Một Nam Bộ”.

Cuộc lễ chuyển sang phần thành lập các phường thuộc thị xã Thuận An. Phường Lái Thiêu (trước là thị trấn Lái Thiêu) được xướng danh đầu tiên với 790ha diện tích tự nhiên và 50.669 nhân khẩu.

Thứ hai đến phường nào đây? Tôi có cảm giác sẽ là An Thạnh quê tôi. Mà đúng vậy. Phường An Thạnh được công bố với 750ha diện tích tự nhiên và 26.728 nhân khẩu. Bước lên sân khấu là các đồng chí lãnh đạo xã, tươi sáng, rạng rỡ. Bằng công nhận và những cánh hoa. Camera lia qua lia lại. Kèn, trống và những tràng pháo tay. Tôi nhìn lên sân khấu mà chẳng thấy rõ gì vì mắt tôi nhòe nước mắt. Rồi lần lượt các phường Vĩnh Phú, Bình Hòa, Thuận Giao, Bình Chuẩn, An Phú được xướng danh.

Trong phần nhận huy hiệu Đảng, tôi để ý thấy một nữ đồng chí tóc bạc nhiều; khi lãnh huy hiệu xong xăm xăm đi thẳng về phía anh Chín Phú, nguyên Huyện đội trưởng thời kháng Pháp, ngồi sát cạnh tôi. Đến nơi, nữ đồng chí nói qua hơi thở gấp: “Anh Chín. Tôi và anh gặp nhau lần này là lần chót, tôi tặng anh bó hoa này làm kỷ niệm”. Trong tiếng kèn, tiếng trống, tôi thấy Chín Phú lúng túng mấy câu gì đó rồi đón lấy bó hoa. Khi nữ đồng chí ấy về chỗ, tôi ghé miệng vào tai anh Chín: “Nè, gì mà gặp nhau lần chót vậy ông?”. Chín Phú cười xòa: “Ông thì... Ông nhỏ hơn tôi 2 tuổi, mà tôi thì còn 1 tuổi nữa là tròn 90. Chúng mình biết đi vào lúc nào! Và những cuộc hội nghị như thế này, ta ít có dịp đi. Vậy coi như ta gặp nhau là gặp nhau lần chót, không phải sao? Đồng chí này là chủ nhà tôi đóng quân hồi đầu năm 1947, thời đó tôi hăm mấy, đồng chí đó mười mấy. Nhà đó là nhà Tiểu đoàn trưởng Đinh Văn Cần hy sinh vì máy bay. Khi bộ đội chuyển đi, đồng chí ấy cũng gia nhập ngành quân giới cho đến khi tập kết. Con gái của đồng chí làm việc trên tỉnh ta”.

Chín Phú nói nghe phải. Làm tôi nghĩ đến những cây măng cụt đã già lão quá lâu mà choán đất trong vườn, gãy đổ lúc nào không biết. Vì vậy mà lúc lên xe, nhắc lại các đồng chí lãnh đạo lên nhận bằng công nhận thị xã, phường..., chúng tôi thấy các đồng chí đều còn trẻ, bừng bừng khí thế. Chúng tôi mừng. Mừng vì đường đi các đồng chí còn dài, mừng vì các đồng chí sẽ đủ sức vượt qua những gay go thử thách. Chúng tôi mong sao thị xã và phường luôn được đổi mới với cách nghĩ cách làm mới, thúc đẩy kinh tế tăng trưởng ổn định và bền vững, xây dựng đô thị phát triển theo quy hoạch, gắn bó Đảng, chính quyền và nhân dân trong phát triển kinh tế và giải quyết các vấn đề xã hội, trong thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng lần thứ 11.

Thiếu tướng Nguyễn Văn Kiệp
Nguyên Ủy viên quân sự xã An Thạnh kiêm Phó Ủy viên quân sự huyện Lái Thiêu 1946-1947.

Tin cùng chuyên mục