Từ 1-1-2011, Nghị định 51/CP chính thức có hiệu lực, quy định nâng mức từ 100.000 đồng lên 200.000 đồng trở lên thì người bán hàng phải xuất hóa đơn cho khách hàng. Quy định mới này đã có hiệu lực hơn 2 tháng, thế nhưng, vi phạm vẫn tràn lan… Nguyên nhân vì sao?
Nhiều nơi vẫn vi phạm
Dù Nghị định 51/CP có hiệu lực được gần 3 tháng nhưng tình hình bán hàng không xuất hóa đơn không hề giảm. Vào các siêu thị lớn như Diamon Plaza, Vincom Centre, An Đông Plaza… hầu như nhân viên bán hàng không tự động xuất hóa đơn cho khách hàng mà chỉ khi nào khách hàng yêu cầu mới xuất. Trong khi hàng hóa ở các trung tâm này có giá trị rất lớn. Có nơi hẹn khách tới lui đến khi khách… nản!
Chị Nguyễn Thị Vân (quận 3) bức xúc kể, nhóm bạn đến quán cà phê Ân Nam (Trương Định) uống cà phê và ăn trưa, tổng số tiền gần 1 triệu đồng. Khi chị yêu cầu xuất hóa đơn, nhân viên nói giám đốc đi vắng. Sau khi lời qua tiếng lại, cuối cùng cô kế toán yêu cầu chị cho thông tin và địa chỉ hôm sau quán xuất hóa đơn sẽ gởi đến tận công ty cho chị. Thế là, một tháng trôi qua, chị vẫn không thấy hóa đơn đâu. “Quán này mỗi ngày có doanh số rất lớn nhưng chẳng hề xuất hóa đơn cho khách. Không biết cơ quan thuế quản lý kiểu gì?”, chị Vân bức xúc nói.
Tương tự, chị Nguyễn Bảo Phượng (quận 1) kể, chị mua chiếc nón Sơn có giá gần 800.000 đồng, chị yêu cầu xuất hóa đơn thì cửa hàng cứ bảo… tuần sau quay lại lấy. Chị nói rõ, người bán hàng có giá trị trên 200.000 đồng là phải có trách nhiệm xuất hóa đơn cho khách nhưng cô nhân viên vẫn khăng khăng là vài ngày nữa sẽ có hóa đơn và yêu cầu chị quay lại lấy. Không kiên trì nổi nữa, chị đành bỏ luôn ý định lấy hóa đơn, vì quá phiền phức. Chúng tôi đến các hệ thống bán lẻ của các thương hiệu quần áo có tiếng như Nem, An Phước - Pierre Cardin, Việt Tiến… đều bán hàng cho khách mà không xuất hóa đơn. Trong khi các sản phẩm thương hiệu này hầu hết có giá trị trên 200.000 đồng đến vài triệu đồng.
Có chế tài nhưng không xử lý
Theo quy định mới, hành vi bán hàng không xuất hóa đơn có mức phạt cao hơn rất nhiều so với trước đây. Thế nhưng, việc kiểm tra, xử lý lại không được cơ quan chức năng quan tâm nên dù mức phạt cao cũng không làm người vi phạm sợ. Đó là chưa kể, nhiều đơn vị có hệ thống cửa hàng khắp các quận huyện và trách nhiệm lại… đá nhau! Chẳng hạn, việc bán hàng không xuất hóa đơn ở các cửa hàng bán lẻ quần áo An Phước- Pierre Cardin bị chúng tôi phản ánh từ rất lâu, nay vi phạm vẫn hoàn vi phạm. Nguyên nhân, công ty này do cục thuế quản lý, còn các cửa hàng lại đặt tại các quận, huyện nên khi vi phạm, chi cục thuế quận, huyện trả lời do cục quản lý, còn cục thì nói địa phương có quyền kiểm tra, xử lý vi phạm trên địa bàn của mình.
Quả bóng trách nhiệm được đá qua đá lại, cuối cùng không ai chịu trách nhiệm khi vi phạm tràn lan. Mà hậu quả của hành vi vi phạm bán hàng không xuất hóa đơn chính là trốn thuế, làm thất thu ngân sách nhà nước. Các công ty vừa sản xuất hàng xuất khẩu, vừa tiêu thụ trong nước thì việc bán hàng không xuất hóa đơn có nguy cơ làm thất thu thuế rất lớn. Một kế toán (xin giấu tên) giải thích, hàng xuất khẩu được hưởng chính sách ưu đãi thuế VAT 0%, nên công ty sẽ được hoàn thuế đầu vào. Nhưng đến “đầu ra” lại có cả bán trong nước, mà bán lẻ, không xuất hóa đơn, cơ quan thuế không thể kiểm tra doanh nghiệp đó bán bao nhiêu hàng trong nước để tính thuế.
Cuối cùng, phải chờ vào lòng trung thực của doanh nghiệp, mà doanh nghiệp đã vi phạm pháp luật về thuế làm sao có được lòng trung thực?! Không những được hoàn thuế giá trị gia tăng khi nhập nhằng giữa hàng tiêu thụ trong nước với hàng xuất khẩu mà những doanh nghiệp bán hàng không xuất hóa đơn này còn có thể giấu doanh số, kéo doanh số thấp xuống để giảm lời, mà lời ít thì “ăn gian” luôn cả thuế thu nhập doanh nghiệp.
Trên thị trường có rất nhiều doanh nghiệp vi phạm pháp luật về thuế và với những doanh nghiệp vi phạm nổi cộm, khiến người dân bức xúc, báo chí lên tiếng mà cơ quan chức năng không xử lý triệt để, sẽ làm giảm sút niềm tin trong dân.
HÀN NI