Thực hiện nếp sống văn minh - mỹ quan đô thị: Chặng đường gian nan

Thực hiện nếp sống văn minh - mỹ quan đô thị: Chặng đường gian nan

TPHCM vẫn đang thực hiện nếp sống văn minh - mỹ quan đô thị nhưng  hình ảnh về một thành phố đẹp và văn minh như mong muốn vẫn chưa hiện diện trong mắt người dân. Chúng tôi xin nêu ra đây hai câu chuyện nhỏ tại quận 4 và quận 11 để hiểu rõ hơn về chặng đường gian nan của việc xây dựng nếp sống văn minh đô thị.

Cảnh thường thấy trên đường Lê Quốc Hưng (quận 4) khi người bán - người mua tràn ra lấn chiếm lòng đường.

Cảnh thường thấy trên đường Lê Quốc Hưng (quận 4) khi người bán - người mua tràn ra lấn chiếm lòng đường.

1. Một ngày cuối tháng 11-2010, Đội Thanh tra xây dựng (TTXD) quận 4 và các cơ quan chức năng ra quân lập lại trật tự đô thị tại khu vực xung quanh chợ Xóm Chiếu - một trong những điểm “nóng” về vi phạm trật tự đô thị trên địa bàn.

Có lẽ do thông tin rò rỉ từ trước nên những người bán hàng không bày hàng hóa tràn ra đường như thường lệ mà chỉ lấn ra mép đường. Nhưng đó cũng là hành vi vi phạm pháp luật. Chỉ khi lực lượng thanh tra bắt giữ hàng vi phạm, người bán mới chịu dẹp. Đã vậy, người có hàng bị thu giữ còn phản ứng, bất chấp đúng sai, thậm chí có người còn bạo gan leo lên xe của lực lượng TTXD để giựt lại đồ đã bị thu giữ.

Một nhân viên Đội TTXD quận 4 cho biết: “Mỗi khi chúng tôi xuống địa bàn, người bán được dịp mắng xa xả cho rằng chúng tôi ngăn cản việc mưu sinh của họ”.

Chợ Xóm Chiếu được xem như chợ trung tâm của quận 4, được bao bọc bởi 3 tuyến đường Lê Quốc Hưng, Lê Văn Linh và Lê Thạch. Vào buổi sáng, khi không có lực lượng chức năng đi kiểm tra, những người buôn bán nơi đây thường bày hàng hóa tràn ra gần giữa tâm đường. Không ít tiểu thương chợ Xóm Chiếu cũng không chịu kém cạnh, bày hàng xuống lòng đường dù có sạp buôn bán hẳn hoi.

Buổi chiều, khoảng từ 16 giờ trở đi, khi khách hàng vào chợ mua thực phẩm không còn nhiều, không ít tiểu thương chợ Xóm Chiếu cũng tham gia vào “đội quân” buôn bán lấn chiếm gần hết lòng đường Lê Văn Linh, rộng hơn 10m làm tình hình giao thông nơi đây luôn bị tắc nghẽn.

2. Cũng như quận 4, khu vực phường 7 quận 11 tập trung rất nhiều điểm nóng về buôn bán lấn chiếm lòng, lề đường. Các tuyến đường như 3 Tháng 2, Lý Thường Kiệt, Lê Đại Hành, Nguyễn Chí Thanh được liệt vào “danh sách đen” về lấn chiếm. Mặc dù xác định đây là vấn đề phải làm liên tục, thường xuyên và ngay trong các buổi họp định kỳ hàng tháng, Đảng ủy phường đã đưa vấn đề này ra mổ xẻ, nhưng để giải quyết lại là chuyện khó… gần bằng hái sao trên trời.

Riêng chuyện giải tán chợ lạc xoong, nằm len lỏi trong các lô của một chung cư cũ trên đường Lý Nam Đế (phường 7, quận 11) cũng hết sức khó khăn. Cứ vào tầm 9 giờ sáng tới 5-6 giờ chiều, các con đường bao quanh các chung cư này luôn tấp nập người mua, kẻ bán và ồn ào mất trật tự. Không còn chỗ dành cho người lưu thông cả dưới lòng đường lẫn trên vỉa hè. Khu chợ này được cư dân ở đây gọi là chợ “mù”. Cái tên này xuất phát từ thực tế là người mua hàng ở đây phải chấp nhận… hên, xui. Hên thì hàng còn xài được, xui thì… vứt đi.

Khi bóng dáng của thành viên Đội TTXD quận 11 xuất hiện, hàng chục chủ hàng vội vàng túm 4 góc “sạp” bằng tấm bạt ni lông đang trải dưới lòng đường tản ra. Người mua cũng tạm dừng quan sát hàng hóa, chầm chậm lên ga chạy đi nơi khác, trả lại con đường trống thênh thang. Chưa đầy 5 phút, sau khi những người làm nhiệm vụ đi khỏi, cảnh buôn bán ồn ào, mất trật tự với những gian hàng thập cẩm lại trải đầy dưới lòng đường. Người mua không biết từ đâu lại từ tụ tập về khu chợ “mù”.

Theo bà Trần Thị Cẩm Hà, Phó Chủ tịch UBND phường 7 quận 11, lực lượng chức năng thường xuyên xuống lập lại trật tự ở khu vực này nhưng tình hình không được cải thiện nhiều. Cái khó là những người buôn bán ở chợ đến từ nhiều địa phương khác nên rất khó vận động.

Bà Hà cho biết: “Nếu là người dân trên địa bàn, phường có thể vận động, tạo điều kiện buôn bán, thậm chí cấp vốn để họ thay đổi kinh doanh còn những người ở nơi khác đến chỉ dừng lại ở việc phát tờ bướm tuyên truyền và tích cực bắt, phạt… Tuy nhiên, đến nay tất cả những giải pháp này đều không đem lại kết quả như mong muốn”.

Xem ra, việc xử phạt những hành vi vi phạm văn minh đô thị mới chỉ là biện pháp hành chính. Một vấn đề lớn ngoài biện pháp mạnh là thu giữ hàng hóa, xử phạt chính là việc sắp xếp lại cuộc sống cho những đối tượng này. Điều đó thì không chỉ quận 4, quận 11 hay bất kỳ quận huyện nào có thể tự mình làm được.

Lê Uyên

Tin cùng chuyên mục