Ngày 15-10, Ban Kinh tế - Ngân sách HĐND TPHCM đã có buổi giám sát tình hình thực hiện Nghị quyết 02 của Chính phủ (NQ 02) về một số giải pháp tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, hỗ trợ thị trường, giải quyết nợ xấu trên địa bàn thành phố.
Doanh nghiệp bị loại khỏi “cuộc chơi”
Theo ông Phạm Ngọc Hưng, Phó Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp TPHCM, tiêu chí xác định doanh nghiệp vừa và nhỏ (DNVVN) theo NQ 02 là sử dụng dưới 200 lao động và có doanh thu hàng năm không quá 20 tỷ đồng là quá khắt khe nên đa số các DNVVN trên địa bàn TP bị loại khỏi “cuộc chơi” trong việc gia hạn, miễn, giãn thuế theo tiêu chí của nghị quyết này.
Theo ông Hưng, Chính phủ nên xem xét cách xác định DNVVN theo hướng giữ nguyên theo NĐ 56/2009, tức là xác định theo quy mô tổng nguồn vốn hoặc số lao động bình quân năm. Nhận định về việc thực hiện NQ 02 trên địa bàn TP thời gian qua, ông Hưng cũng cho rằng chính sách vẫn chưa đủ mạnh, quá trình triển khai vẫn còn quá chậm. Ngoài việc rất ít các DNVVN tại TP thụ hưởng được các chính sách miễn, giảm, giãn thuế thì NQ 02 chỉ mới dừng lại ở việc cho các DN đóng chậm thuế VAT, thuế thu nhập DN từ 3 - 6 tháng chứ chưa có nhiều DN được miễn, giảm thuế.
Về việc này, ông Lê Xuân Dương, Cục phó Cục Thuế TPHCM cũng cho biết, trong quý 1-2013, chỉ có 32,92% DN trên địa bàn TP chịu thuế thu nhập DN, hơn 67% DN còn lại kinh doanh lỗ không chịu thuế. Đến quý 2-2013, con số này giảm xuống chỉ còn hơn 28%. “Trong năm 2013 tình hình kinh tế còn gặp nhiều khó khăn, trung bình chỉ khoảng 30% DN còn kinh doanh được để đóng thuế thu nhập DN, 70% DN còn lại kinh doanh thua lỗ không phải chịu thuế. Điều này cũng có nghĩa là, NQ 02 ra đời mặc dù đã kịp thời tháo gỡ một số khó khăn trong lĩnh vực thuế như giãn nộp thuế VAT, giảm thuế thu nhập DN nhưng thực tế chỉ có tác động đến khoảng 30% DN chịu thuế thu nhập DN và có thuế VAT dương” - ông Dương cho biết.
Gần 61.000 DN được cơ cấu nợ, giảm lãi suất
Báo cáo của ông Nguyễn Hoàng Minh, Phó Giám đốc NHNN chi nhánh TPHCM cho biết, đến nay, NHNN đã hoàn thành việc kết nối DN và ngân hàng trên 24 quận - huyện. Theo đó, có khoảng 600 DN, hộ cá thể và hợp tác xã được vay vốn ưu đãi của ngân hàng với tổng hạn mức tín dụng trên 13.146 tỷ đồng với lãi suất dưới 9%/năm cho vay ngắn hạn và từ 9% - 12%/năm cho vay trung và dài hạn. Dư nợ cho vay 5 nhóm ưu tiên trên địa bàn TP trong 9 tháng đầu năm 2013 đạt 123.141 tỷ đồng với gần 36.000 khách hàng vay, trong đó đối tượng DNVVN chiếm đến 60%. Ngoài ra, 9 tháng đầu năm 2013, các NHTM trên địa bàn TP đã cơ cấu lại thời gian trả nợ và giảm lãi suất vay cho gần 61.000 DN với gần 267.000 tỷ đồng. Hiện dư nợ lãi vay dưới 13% chiếm đến 70% tổng dư nợ tín dụng trên địa bàn TP…
Ông Nguyễn Hoàng Minh cũng cho biết, thực hiện NQ 02 về việc hỗ trợ lãi suất cho các DN sản xuất kinh doanh, đến nay, các ngân hàng đã thực hiện kéo lãi suất các khoản vay cũ trên địa bàn TP xuống dưới 13%/năm cho các DN, trừ các lĩnh vực bất động sản, chứng khoán và tiêu dùng. Trong khi đó, ông Phạm Ngọc Hưng cho biết, nhiều khoản vay của DN không thuộc các lĩnh vực này hiện vẫn phải chịu lãi suất 15% - 16%/năm. Về bức xúc này, ông Nguyễn Hoàng Minh nói ngay: “Hiệp hội lên danh sách DN nào vẫn vay với lãi suất cao, chúng tôi sẽ yêu cầu các NHTM giảm ngay về 13% theo quy định”.
| |
NHUNG NGUYỄN