"Tháng giêng là tháng ăn chơi!”, câu nói dân gian thời mà cả nước sống chủ yếu bằng nghề nông, hễ ra giêng nông nhàn là chơi dài với hội hè đình đám, ngẫm ra vẫn còn phản ánh một phần thực tế trong thời điểm hiện nay khi mà những ngày nghỉ tết theo quy định của Nhà nước đã hết và nhất là khi cả nước bước vào thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa.
Lễ hội khắp nước từ Nam chí Bắc và nơi nào người đi trẩy hội cũng đông nghịt kéo theo bao điều phiền toái. Không cần chứng kiến tận mắt, chỉ cần đọc những dòng chữ tựa trên các phương tiện thông tin đại chúng là đủ hiểu: “Bát nháo trên núi Bà Đen!”, “Lộn xộn đường lên Yên Tử!”, hoặc tình trạng xả rác trước cổng đình, chùa; cảnh ăn xin mất trật tự nơi chốn tôn nghiêm…
Người đi lễ hội nhiều vì đời sống của người dân được cải thiện, khấm khá hơn trước, chính sách tôn trọng tự do tín ngưỡng, đời sống tâm linh đang được đông đảo người dân quan tâm và do chủ trương xã hội hóa lễ hội, từ lễ hội quy mô phường, xã, vùng, miền đến quy mô quốc gia. Lễ hội văn minh nên được phát huy vì đó là nét đẹp văn hóa, là truyền thống dân tộc; còn lễ hội nào chỉ là hủ tục hoặc mê tín dị đoan cần dẹp bỏ.
Theo thống kê chưa đầy đủ của ngành văn hóa, cả nước có gần 8.000 lễ hội lớn nhỏ, từ những lễ hội trong phạm vi làng xã đến những lễ hội lớn có quy mô vùng hoặc cả nước, bình quân mỗi ngày có đến 22 lễ hội! Về mặt số lượng như vậy có quá nhiều? Và về nội dung tổ chức cũng có lắm điều đáng nói! Không ít lễ hội về nội dung tổ chức đã biến tướng nhằm mục đích thương mại hóa, thành chỗ mua thần bán thánh.
Mục đích của việc phục hồi các lễ hội nhằm qua đó giáo dục thế hệ trẻ truyền thống văn hóa dân tộc, nhằm làm phong phú đời sống tinh thần của người dân tạo sự bình yên trong tâm hồn, tôn vinh nét đẹp, bề dày văn hóa và lịch sử dân tộc nhưng đã bị một số người kinh doanh hám lợi làm cho méo mó. Nhìn những mâm cỗ cao nào rượu ngoại, trái cây ngoại, tiền cúng là đô la với vòng vàng, khánh vàng của mấy bà đi cúng Bà chúa kho (ở Bắc Ninh), Bà chúa Xứ (ở Châu Đốc) để rồi sau đó vay tiền bà làm ăn đã làm giảm ý nghĩa cao đẹp của lễ hội.
Trước thực trạng này, các ngành các cấp cần tiếp tục triển khai Chỉ thị 27-CT/TW của Bộ Chính trị về thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang, lễ hội và những quy định của Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch về vấn đề này. Không nên để phát triển một cách tự phát tràn lan như vừa qua, cần xác định lễ hội nào được gìn giữ, phát huy cho phù hợp với truyền thống, bản sắc dân tộc; đồng thời dứt khoát dẹp bỏ những hủ tục hoặc lợi dụng lễ hội làm vẩn đục không gian văn hóa.
Lê Minh