Thực phẩm bị… phù phép

Để bán được giá, nhiều tiểu thương đã “phù phép” biến trái cây Trung Quốc thành trái cây Mỹ; biến thịt heo kém chất lượng thành thịt nai hay thịt đà điểu ngoại nhập… Không hiếm người tiêu dùng bị lừa vì những chiêu trò phù phép này.
Thực phẩm bị… phù phép

Để bán được giá, nhiều tiểu thương đã “phù phép” biến trái cây Trung Quốc thành trái cây Mỹ; biến thịt heo kém chất lượng thành thịt nai hay thịt đà điểu ngoại nhập… Không hiếm người tiêu dùng bị lừa vì những chiêu trò phù phép này.

  • Mập mờ nhãn mác, xuất xứ

Trên địa bàn TPHCM, tình trạng phù phép, mập mờ nhãn mác thực phẩm diễn ra phổ biến, nhiều nhất là tại các chợ tự phát, khu công nghiệp (KCN), khu chế xuất (KCX)…Dọc đại lộ Nguyễn Văn Linh (quận 7), đường Nguyễn Văn Cừ (giáp ranh quận 1, quận 5), KCX Linh Trung (quận Thủ Đức) có nhiều người bày bán trái cây, rao là xuất xứ Thái Lan và Mỹ. Chỉ tay vào những chùm nho màu hồng phấn, chị Nguyễn Thị Tươi, bán hàng trước KCX Linh Trung, khẳng định: “Đây là nho nhập từ Mỹ, giá 75.000 đồng/kg. Nếu mua 2kg trở lên sẽ bớt 10.000 đồng”. Tính ra, giá nho nhập từ Mỹ này chỉ bằng 1/2 giá nho Mỹ đang bán tại các cửa hàng, siêu thị. Dọc quốc lộ 1A đoạn KCN Tân Tạo (quận Bình Tân); đường Huỳnh Tấn Phát (quận 7)…, cam Mỹ, táo New Zealand được bày bán tràn lan với đủ mức giá: táo Mỹ 80.000 đồng/kg, cam Mỹ 45.000 đồng/kg…

Người tiêu dùng thận trọng chọn lựa khi mua trái cây.

Người tiêu dùng thận trọng chọn lựa khi mua trái cây.

Một người bán dạo tại khu dân cư Bắc Lương Bèo (ở KCN Tân Tạo) cho biết: “Hàng ngày, vào giờ tan ca chiều, người mua trái cây rất đông. Trong khoảng 30 phút, tôi có thể bán được gần 1 tạ cam, táo. Toàn trái cây Mỹ, New Zealand, mà giá bán khá rẻ nên người mua rất chuộng”. Thế nhưng, quan sát mớ trái cây lộn xộn anh đang bày bán, chúng tôi không tìm được tem chứng minh xuất xứ sản phẩm Mỹ, New Zealand. Hầu hết các thùng đựng trái cây toàn bằng tiếng Trung Quốc; trái cây có màu sắc nhợt nhạt, kém tươi. Khi chúng tôi nêu thắc mắc này, biết gặp phải khách hàng kỹ tính, người bán bực bội chống chế: “Tuy thùng xốp ghi tiếng Trung Quốc nhưng trái cây là của Mỹ hẳn hoi(!?)”.

Theo ông Nguyễn Quyết Tiến, kinh doanh trái cây ngoại nhập tại chợ Bà Điểm (huyện Hóc Môn), không có chuyện trái cây nhập từ Mỹ hay New Zealand lại bày bán tràn lan ngoài đường với giá rẻ. Vì cam Mỹ mua sỉ tại chợ đầu mối giá khoảng 50.000 đồng/kg, giá bán ra phải 80.000 - 90.000 đồng/kg mới có lời. Trong khi đó, những người bán ngoài đường với giá 30.000 - 40.000 đồng/kg, nếu đúng là cam Mỹ thì chắc chắn lỗ vốn. Thực chất đây là trái cây nội địa hoặc hàng nhập từ Trung Quốc. Việc người bán đánh tráo, mập mờ thông tin xuất xứ trái cây không chỉ khiến người tiêu dùng phải mua với giá cao hơn giá thật mà còn có thể mua nhầm trái cây không đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm.

Tại nhiều điểm kinh doanh thực phẩm nhỏ lẻ và quán nhậu cũng có tình trạng phù phép biến thịt kém chất lượng thành thịt đặc sản. Anh Nguyễn Văn Phúc (ngụ tại xã Vĩnh Lộc B, huyện Bình Chánh) bức xúc phản ánh: “Cuối tháng 3-2013, tôi có mua 2kg thịt nai đông lạnh. Không ngờ, đem về rã đông, rửa sạch mới phát hiện là thịt heo”. Được biết, trước đó vào đầu năm 2013, Thú y huyện Bình Chánh cũng đã phát hiện một cơ sở chuyên biến thịt heo bẩn thành thịt đặc sản như nai, đà điểu, nhím… tung ra thị trường với số lượng gần 1 tấn. Ông Khương Trần Phúc Nguyên, Trưởng Trạm thú y huyện Bình Chánh, cho biết: “Không dễ để phân biệt các sản phẩm thịt động vật giả mạo, vì sản phẩm được ngụy tạo tinh vi. Để tránh mua nhầm thịt, khách hàng nên tìm hiểu kỹ đặc điểm, dấu hiệu nhận biết loại thịt cần mua; tránh ham rẻ; tốt nhất nên mua hàng có nhãn mác tại điểm bán uy tín”.

  • Cũng đành... bó tay

Chị Mai Thị Phấn, tiểu thương bán trái cây tại chợ Bàn Cờ (quận 3), cho hay: “Phải tinh ý lắm mới phân biệt được trái cây chính hiệu hoặc giả hiệu. Ví dụ, nho Trung Quốc và nho Úc rất giống nhau, nên chỉ có thể phân biệt được căn cứ mẫu mã thùng hàng; nếu trộn chung không thể xác định xuất xứ từng loại. Tương tự, cam Trung Quốc có màu sắc rất giống cam Mỹ, tuy nhiên kích cỡ nhỏ hơn, màu nhạt hơn”.

Theo quy định, các mặt hàng trái cây, rau củ nhập chính ngạch vào nước ta đều phải được cơ quan chức năng giám sát, kiểm tra gắt gao, như phải có giấy kiểm dịch, giấy chứng nhận nguồn gốc xuất xứ, tờ khai hàng hóa nhập khẩu (số lượng, chủng loại, nguồn gốc), giấy phép kiểm dịch thực vật… Bên cạnh đó, trái cây, rau củ quả được chi cục kiểm dịch thực vật tại các vùng - miền lấy mẫu kiểm tra ngay tại cảng, nhằm kịp thời phát hiện dịch bệnh (côn trùng, nấm bệnh ); dư lượng thuốc tồn trên trái cây… Sau 24 giờ, kết quả kiểm tra được giao cho chủ hàng, nếu đạt yêu cầu, hàng được vận chuyển về kho lạnh, dán nhãn (đối với một số loại trái cây nhất định) và phân phối ra thị trường. Thế nhưng, thực tế thông qua con đường tiểu ngạch, nhiều mặt hàng rau củ, trái cây vẫn nhập lậu vào nước ta và được người bán cố tình mập mờ nhãn mác móc túi người mua.

Trả lời về việc quản lý chất lượng trái cây, rau củ ngoại nhập, ông Nguyễn Văn Ngã, Chi cục trưởng Chi cục Kiểm dịch thực vật vùng 2 (Cục Bảo vệ thực vật), cho biết: Về cơ bản, chất lượng rau củ, trái cây lưu thông trên thị trường được kiểm tra, giám sát chặt chẽ. Nhưng cơ quan kiểm dịch chỉ quản lý về mặt chuyên môn, còn khâu phân phối thuộc về doanh nghiệp. Nếu doanh nghiệp cố tình tráo nhãn mác, trộn sản phẩm kém chất lượng tại kho lạnh để kiếm lời thì Chi cục Kiểm dịch thực vật vùng 2 cũng đành… bó tay. 

THI HỒNG

Tin cùng chuyên mục