Thực tế và kỳ vọng

Hôm nay 20-10, kỳ họp thứ 8 Quốc hội khóa XII khai mạc. Tuy chưa phải kỳ họp cuối cùng, song có thể nói đây là kỳ họp sẽ “chốt” lại những vấn đề quan trọng về kinh tế - xã hội, xây dựng pháp luật cũng như giám sát, quyết định các vấn đề quan trọng của đất nước.

Trong năm qua, với quyết tâm cao của cả hệ thống chính trị, với sự nhanh nhạy trong chỉ đạo, điều hành và quyết liệt trong tổ chức thực hiện, nước ta đã đạt được kết quả khá toàn diện so với nghị quyết Quốc hội đề ra. Trong tổng số 21 chỉ tiêu trong kế hoạch 2010, có 16 chỉ tiêu đạt và vượt kế hoạch, đã góp phần quan trọng hoàn thành các chỉ tiêu kinh tế - xã hội kế hoạch 5 năm 2006 - 2010, tạo tiền đề quan trọng cho việc thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2011 - 2015. Tăng trưởng kinh tế năm 2010 có khả năng đạt 6,7%, cao hơn chỉ tiêu (6,5%) và tăng mạnh so với kết quả 5,32% năm 2009.

Thế nhưng, bên cạnh những thành tựu đáng khích lệ, kinh tế vĩ mô vẫn thiếu nền tảng vững chắc, chất lượng tăng trưởng thấp. Nhập siêu tuy đạt mục tiêu dưới 20% kim ngạch xuất khẩu, nhưng số tuyệt đối dự kiến vẫn lên tới 13,5 tỷ USD, tăng 5% so với năm 2009. Chỉ số giá tiêu dùng cả năm dự kiến được kiểm soát dưới 8%, nhưng thực tế diễn biến không ổn định; các doanh nghiệp vẫn gặp nhiều khó khăn trong sản xuất, kinh doanh; quản lý nhà nước và thực hiện quyền chủ sở hữu đối với doanh nghiệp nhà nước nói chung và tập đoàn kinh tế, tổng công ty nhà nước nói riêng còn bộc lộ rõ sự bất cập; một số vấn đề về xã hội bức xúc và môi trường chậm được giải quyết...

Một kết quả khác là chất lượng hoạt động của bộ máy hành chính, công quyền có sự chuyển biến. Báo cáo đánh giá giai đoạn 1 (2001 - 2005) Chương trình tổng thể cải cách hành chính cho thấy từng bước đã tạo thuận lợi cho người dân và doanh nghiệp, đã góp phần thúc đẩy kinh tế - xã hội phát triển.

Bộ cơ sở dữ liệu quốc gia về thủ tục hành chính tại 4 cấp chính quyền đã được công bố công khai trên mạng Internet, với trên 5.700 thủ tục hành chính, trên 9.000 văn bản có quy định về thủ tục hành chính và trên 100.000 biểu mẫu thống kê thủ tục hành chính. Các bộ, ngành, địa phương đã hoàn thành việc rà soát các thủ tục hành chính thuộc phạm vi quản lý và đạt được chỉ tiêu đơn giản hóa tối thiểu 30% các quy định về thủ tục hành chính. Phương án đơn giản hóa 258 thủ tục hành chính ưu tiên thuộc phạm vi quản lý của bộ, ngành đã được thông qua, vừa tạo thuận lợi cho người dân, doanh nghiệp, vừa bảo đảm mục tiêu quản lý của Nhà nước; ước tính sẽ tiết kiệm được cho người dân và doanh nghiệp hàng ngàn tỷ đồng mỗi năm.

Mặc dù vậy, kết quả khảo sát trực tuyến (do Tổ chức Phát triển Liên hiệp quốc UNDP phối hợp với báo điện tử VietnamNet thực hiện) về mức độ hài lòng của người dân khi đi làm thủ tục hành chính ở các cơ quan hành chính nhà nước được công bố ngày 19-10 cho thấy, có tới 45% người dân tham gia khảo sát cho rằng những thủ tục liên quan đến quyền sử dụng đất là phiền hà nhất; 67% số người trả lời khảo sát cho rằng thủ tục hành chính “cần quá nhiều giấy tờ”; 73% cho rằng cần có quan hệ quen biết mới hoàn thành được thủ tục cần làm và khoảng 70% phải trả thêm “phụ phí” mới xong việc. Là cơ quan dân cử với quyền lực tối cao, Quốc hội sẽ đưa ra những quyết sách nào cho vấn đề này?

Rõ ràng, có quá nhiều vấn đề đang đặt ra trên bàn nghị sự của Quốc hội trong kỳ họp thứ 8. Những quyết nghị của Quốc hội tại kỳ họp sẽ tạo ra nền tảng quyết định sự phát triển toàn diện, bền vững của đất nước trong giai đoạn sắp tới. Chính vì lẽ đó, người dân đang nóng lòng theo dõi sát sao những diễn biến sôi động tại nghị trường trong hơn một tháng tới, bắt đầu từ hôm nay.

Anh Thư

Tin cùng chuyên mục