Thuê thầy hay… thợ?

 
Một trong những lý do chính khiến các HLV của đội tuyển quốc gia thường phải làm việc cùng lúc ở đội tuyển lẫn đội trẻ U.23, đó là vì sự “tham lam” của LĐBĐ Việt Nam (VFF). Do chi phí tiền lương của HLV rất cao nên mới nảy sinh kiểu dùng người “2 trong 1” với yêu cầu đặt ra cho các HLV là phải tạo được sự liền mạch về phong cách thi đấu, từ đội trẻ cho đến đội tuyển quốc gia. Đây là một công việc có tính dài hạn, mang yếu tố định hướng và các HLV cần có thời gian để kết nối 2 thế hệ cầu thủ với nhau. Thế nhưng, “số phận” của các nhà cầm quân “2 trong 1” ấy lại được quyết định trên kết quả thi đấu, điều chỉ thường xảy ra với các hợp đồng ngắn hạn.

Trường hợp của HLV Toshiya Miura (giai đoạn 2014-2016) là điển hình. Chuyên gia người Nhật Bản này đã gầy công xây dựng một hệ thống huấn luyện khoa học, chỉ trong một thời gian ngắn đã khiến bóng đá Việt Nam “lột xác” với những thành tích cả ở đội U.23 lẫn đội tuyển quốc gia, sau giai đoạn sa sút dưới thời các HLV nội. Những gì mà ông Miura đã làm đều được đánh giá tích cực cả về phương pháp huấn luyện lẫn chuyên môn thi đấu, nhưng VFF lại chấm dứt hợp đồng trước thời gian với chuyên gia này sau khi U.23 Việt Nam thi đấu không thành công tại giải U.23 châu Á vốn quá tầm với bóng đá Việt Nam. 

Công trình tạo dựng một lối chơi phù hợp với năng lực bóng đá Việt Nam mà HLV Miura đang làm dang dở ngay lập tức bị xóa bỏ, thay vào đó là lối chơi đẹp mắt nhưng kém hiệu quả của HLV Nguyễn Hữu Thắng. Vấn đề nằm ở chỗ, dù được khen ngợi, ủng hộ nhưng HLV Hữu Thắng cũng “mất ghế” sau thất bại tại SEA Games 29 vừa qua, khiến bóng đá Việt Nam rơi vào hoàn cảnh ngã ba đường: HLV ngoại hay nội? Đá đẹp hay thực dụng?
Đây chính là mâu thuẫn lớn của bóng đá Việt Nam, phản ánh sự nghiệp dư về công tác quản lý. Một đằng chúng ta trả tiền lương cao, đưa ra nhiều yêu cầu với các HLV, buộc họ phải thực hiện công việc khá nặng nề với 2 đội tuyển mà về bản chất vận hành khác nhau. Đằng khác, lại buộc họ phải đạt thành tích sớm và sẵn sàng loại bỏ chỉ sau thất bại của một đội bóng trẻ. Theo thống kê, từ năm 2001 đến nay, cả 7 HLV bị sa thải hoặc kết thúc hợp đồng đều diễn ra sau một thất bại của đội tuyển U.23 (hoặc U.22) chứ không phải từ thành tích của đội tuyển quốc gia (công việc chính của các HLV trưởng). Rõ ràng, đã có sự nóng vội và lệ thuộc nhiều vào dư luận của cơ quan đứng đầu nền bóng đá như VFF. Và đây cũng chính là lý do, ngoại trừ giai đoạn do chuyên gia Calisto dẫn dắt, lối chơi của các đội tuyển Việt Nam thay đổi xoành xoạch.

Chính vì vậy, công luận cho rằng trước khi chọn HLV mới, nhất là một chuyên gia ngoại thì VFF nên thực hiện công việc đầu tiên đó là thống nhất quan điểm: “chọn thầy hay chọn thợ”. Nếu chọn thầy thì cần có đánh giá toàn diện về năng lực của tân HLV, hướng đến người có bằng cấp về quản lý như kiểu của Calisto hay Miura, đồng thời có một hợp đồng dài hạn cho họ; còn nếu chọn “thợ” để nhanh chóng vực dậy thành tích của đội tuyển trong năm 2018 (có khá nhiều giải đấu quan trọng), thì không nên thực hiện mô hình “2 trong 1” mà mỗi đội tuyển cần có một HLV khác nhau với các mục tiêu, thành tích khác nhau. Nếu là HLV theo kiểu “đá lấy thành tích” thì cũng cần chấp nhận những phong cách chơi bóng thực dụng, đặt hiệu quả lên hàng đầu chứ không nên yêu cầu quá nhiều. Cuối cùng, dù là chọn thầy hay thợ thì điều quan trọng nhất là VFF phải nhanh chóng tìm giải pháp nâng cao chất lượng Giải bóng đá vô địch quốc gia V-League, “lò” cung cấp cầu thủ cho các đội tuyển, cũng như hoàn thiện vai trò của Giám đốc kỹ thuật hiện do chuyên gia Jurgen Gede đảm nhiệm, nhằm tạo sự ổn định và kế thừa ở các hệ thống các đội tuyển. Chưa làm được 2 việc đó, HLV dù giỏi đến mấy cũng sẽ khó tồn tại lâu.

Tin cùng chuyên mục