Thương em thương lấy tóc dài…

Đêm nhạc “Đêm Sài Gòn - Phòng trà của mọi nhà” lên sóng tối chủ nhật 06/03 là một chương trình đặc biệt chúng tôi muốn dành đến những người phụ nữ Việt Nam nhân ngày lễ Quốc tế phụ Nữ 08/03.
Thương em thương lấy tóc dài…

Đêm nhạc “Đêm Sài Gòn - Phòng trà của mọi nhà” lên sóng tối chủ nhật 06/03 là một chương trình đặc biệt chúng tôi muốn dành đến những người phụ nữ Việt Nam nhân ngày lễ Quốc tế phụ Nữ 08/03.

Với chủ đề “Thương lắm tóc dài ơi…”, đêm nhạc chọn lọc hơn 10 tác phẩm âm nhạc được yêu thích qua nhiều tháng năm với thông điệp đầy cảm xúc, yêu thương dành cho bà, cho mẹ, cho chị và cho em, để rồi chúng ta không quên bên cạnh mình luôn có những vầng mặt trời nhỏ luôn ấm áp, luôn rực rỡ và khơi dậy trong ta niềm đam mê sống. Và, thử tưởng tượng một ngày thiếu vắng ánh mặt trời ấy, vắng đi cái nóng tuy đôi lúc có bỏng rát, gắt gao mà kỳ thực chẳng thể nào buông bỏ được thì mới thấy, tình yêu ta dành cho phụ nữ trong cuộc đời này nhiều như thế nào…

Nhạc phẩm nổi tiếng của nhạc sĩ Châu Huy Kỳ - Huế xưa - được gửi đến khán giả qua giọng hát ngọt ngào, trữ tình của nữ ca sĩ Thùy Dương.

Nhắc đến phụ nữ, đàn ông Việt Nam thường hay ví von, nói khéo của nịnh đầm, rằng phụ nữ là một nửa xinh đẹp của thế giới, là biểu tượng cho những điều ngọt ngào và hạnh phúc trong cuộc sống này. Vì thế nên một năm có không biết bao nhiêu ngày để đàn ông Việt nhắn gửi yêu thương của mình đến những người phụ nữ quan trọng trong cuộc đời họ. Và, không chỉ đàn ông Việt Nam mới suy nghĩ như vậy khi ở phương Tây, người ta thậm chí còn đặt phụ nữ ở một vị trí độc tôn và dành cho họ mọi sự kính trọng. Nói như Alphonse De Lamartine, một nhà văn lừng danh thế giới ở thế kỷ thứ 18, ông đã phải thốt lên khi được hỏi về phụ nữ rằng: “Luôn có một người phụ nữ trong mọi sự bắt đầu của những điều tuyệt vời nhất”.

Nói về vẻ đẹp của người con gái Việt, thường thì chúng ta sẽ ít nói đến các chỉ số cơ thể, ít khai thác cái đẹp bên ngoài mà luôn ao ước được khám phá những gì ẩn bên trong một mái tóc thề đen mượt, một tà áo dài tung bay trong chiều gió lộng, trong cái dáng đi uyển chuyển, thướt tha và nụ cười duyên dáng chứa đựng cả một nỗi niềm… khắp 3 miền trên đất nước Việt Nam, phụ nữ nơi đâu cũng để lại trong tâm trí người đối diện những dấu ấn khó quên, tuy nhiên, có lẽ người con gái Huế vẫn thường được nhắc đến với rất nhiều những tình cảm vấn vương, sâu nặng…

Mỗi khi bất kỳ ai trong chúng ta được yêu cầu gợi nhớ về một người phụ nữ quan trọng trong cuộc đời mình, chúng tôi tin chắc rằng hầu hết câu trả lời sẽ là mẹ. Rất đơn giản, vì mẹ là người cho ta cả sự sống, cho ta cảm nhận được bầu trời xanh trên cao bằng đôi mắt bé nhỏ, cảm nhận được mặt đất rộng lớn, nồng ấm qua đôi bàn chân con, cho ta con tim để yêu thương và hình hài để ta khôn lớn, giao tiếp, trưởng thành. Nhắc về mẹ, dù người đã mất đi hay còn hiện hữu quanh chúng ta mỗi ngày, thì mẹ vẫn luôn là người phụ nữ để lại trong mỗi đứa con những xúc động thiêng liêng… Là những giọng hát trẻ nhận được rất nhiều sự yêu mến từ các khán giả trong vài năm trở lại đây, cả Phượng Vũ và Thiên Nhâm đều rất thăng hoa trong các ca khúc về mẹ trong đêm nhạc “Thương lắm tóc dài ơi…”

Bên cạnh dòng nhạc trẻ, Phượng Vũ còn thể hiện được khía cạnh cảm xúc trong giọng hát khỏe khoắn của mình qua 2 nhạc phẩm nổi tiếng: “Huyền thoại mẹ” (ST: Trịnh Công Sơn) và “Mẹ con đã về” (ST: Mạnh Quân)… cùng Bích Hải liên tục gửi đến những sáng tác rất được yêu mến: “Chị tôi” (ST: Trọng Đài), “Tóc mai sợi vắn sợi dài” (ST: Phạm Duy) và “Trăng dưới chân mình” (ST: Trần Lê Quỳnh).

Ở phần sau của chương trình “Thương lắm tóc dài ơi…” dành tặng đến khán giả những tình khúc nổi tiếng một thời như: Tóc gió thôi bay (ST: Trần Tiến), Một mình (ST: Thanh Tùng), Cô láng giềng (ST: Hoàng Quý)… và cùng chia sẻ nỗi niềm trong tình yêu cùng vị khán giả rất dễ thương: cô Điệp (Bà Rịa - Vũng Tàu). Trong lá thư gửi về, cô tâm sự rất nhiều về mối tình đã trải qua trong thời chiến mà đến bây giờ vẫn để lại trong cô nhiều lưu luyến, vấn vương.

“… Yêu dấu ơi… Ngày đó, tôi mười sáu tuổi và người hai mươi tám tuổi. Chúng tôi vẫn gọi vui nhau là chú với cháu. Mỗi lần về thăm tôi, chú thường hay đàn cho tôi nghe. Hình ảnh chú ngồi ôm đàn khảy nhạc mãi mãi đi vào tâm trí tôi qua ngần ấy năm, dù đến nay nhìn lại tóc đã phai màu. Thế mà, ngày ấy, trong trái tim kiêu hãnh, nhỏ bé của tôi, tôi đã để lạc mất người. Lần cuối đưa người đi về vùng chinh chiến, tôi đã để người đứng một mình dưới hiên mưa. Giờ nghĩ lại, đã qua bốn nươi ba năm rồi, tôi vẫn không thể hiểu tại sao khi đó, tôi lại cho phép mình làm người buồn như thế…”

“…Biệt ly ngần ấy năm, giờ tôi không biết chú còn sống hay đã mất. Tôi chỉ muốn một lần gặp lại người để nói lời xin lỗi. Vì sao, vì sao chứ, tôi đã để người rời xa tôi vĩnh viễn không một lý do…”.
“Đêm Sài Gòn - Phòng trà của mọi nhà” tối chủ nhật 06/03/2016 với chủ đề “Thương lắm tóc dài ơi…” hứa hẹn mang đến cho quý khán giả một tối cuối tuần bên người thân thật đáng nhớ và ngập tràn những xúc cảm yêu thương. Chương trình sẽ được phát sóng trên kênh truyền hình Let’s Viet lúc 21h30. Mời khán giả đón theo dõi!

Huỳnh Tân

Tin cùng chuyên mục