Bột gạo lứt Bích Chi -Thương hiệu truyền thống, khởi nguồn từ tình thương ấm áp cho con...
Bột gạo lứt Bích Chi với hình ảnh biểu tượng mẹ bồng con từng một thời là sản phẩm thân thuộc với các bà nội trợ, các gia đình có con nhỏ khắp các tỉnh từ miền Trung đến miền Tây, miền Nam Trung Bộ trong những năm tháng của thập niên 60, 70. Đằng sau những thông tin ngắn gọn về lịch sử hình thành: “Nhà máy bột Bích Chi được thành lập năm 1966 tại Đồng Tháp”…, là câu chuyện thăng trầm của một thương hiệu gắn với cuộc đời của người đàn ông khởi nguồn nên thương hiệu này, ông Trần Khiêm Khánh (Tư Khánh), hiện đang sống tại thị xã Sa Đéc, tỉnh Đồng Tháp.
Bích Chi là tên thật người con gái thứ hai của ông Tư Khánh – Trần Thị Bích Chi – sinh năm 1966, cũng chính là năm ông khai sinh loại bột gạo lứt. Thời đó, cũng như nhiều gia đình có con nhỏ, rất khó khăn, không đủ tiền mua sữa cho con bú. Ông Khánh từng tham gia kháng chiến, nhớ hồi trong chiến khu, bác sĩ Nguyễn Văn Hưởng có đề nghị mỗi người mỗi tuần nên dùng một ngày gạo lứt để bổ sung dinh dưỡng. Ông cũng đọc được trong sách nói về giá trị của gạo lứt, nên quyết định thử nấu cháo gạo lứt, lấy nước cho con uống.
Thấy Bích Chi uống cả tuần không bị tiêu chảy, mà còn khoẻ ra, ông Tư Khánh an tâm. Ông nghĩ phải chế một máy xay nhỏ làm bột cho con uống. Ông đưa loại bột này cho anh em trong nhà nuôi các cháu. Thấy bột tốt, anh em giới thiệu với bạn bè.
Tiếng lành đồn xa, mọi người đặt ông Tư Khánh làm bột bán cho họ. Với chiếc máy nhỏ xay bột cho con, vợ chồng ông tranh thủ làm thêm mỗi ngày 3 - 4kg chia cho mọi người. Số lượng người đặt cứ tăng. Ông Tư Khánh cũng mang bột lên Sài Gòn giới thiệu với bạn bè. Nhiều người đặt mua, lên tới cả trăm ký mỗi tuần. Ông vui mừng không chỉ vì bán được bột, có tiền xoay xở trong nhà, mà còn vui vì nhiều gia đình khó khăn cũng nuôi được con khoẻ, chống được bệnh còi xương suy dinh dưỡng khi thiếu sữa. Ông nghiên cứu sản xuất tiếp bột gạo lứt và đậu xanh, rồi bột năm loại đậu (xanh, đỏ, trắng, đen và đậu nành).
“Thấy bột của tôi làm ra được người tiêu dùng chấp nhận, anh em động viên lập nhà máy sản xuất”, ông Tư Khánh nói. Vợ chồng hội ý nhau, nghĩ có Bích Chi mới làm bột này nên lấy tên con đặt luôn cho nhà máy.
Thời kỳ đỉnh cao của bột gạo lứt Bích Chi vào những năm 1970-1975, khi lần đầu tiên một thương hiệu bột truyền thống được đầu tư quảng bá và phân phối rộng rãi tại các thị trường lớn như TPHCM, các tỉnh miền Tây và Nam Trung Bộ…
...Công ty Cổ phần Thực phẩm Bích Chi - Nhà cung cấp các sản phẩm chế biến từ bột ngũ cốc
Cùng với những biến chuyển lịch sử, nhà máy và thương hiệu bột Bích Chi được ông Tư Khánh tự nguyện hiến cho Nhà nước. Năm 1976, nhà máy trực thuộc Công ty Sữa Cà phê miền Nam (tiền thân Công ty Sữa Việt Nam - Vinamilk ngày nay), sau đó được giao về tỉnh Đồng Tháp. Năm 2001, Công ty bột Bích Chi được cổ phần hóa, đổi tên thành Công ty cổ phần Thực phẩm Bích Chi.
Cùng với quy mô phát triển, đa dạng hóa sản phẩm, mở rộng thị trường, đến nay, công ty có bốn nhóm sản phẩm: bột dinh dưỡng và bột lọc; bánh phồng tôm; sản phẩm chế biến từ bột gạo (phở, hủ tiếu, bánh tráng); sản phẩm ăn liền. Ngoài tiêu thụ trong nước, các sản phẩm đã được xuất sang các nước châu Á, Úc, Mỹ, Canada, EU và một số nước Ảrập…
Với số lượng trên 550 công nhân, Công ty Thực phẩm Bích Chi hàng năm sản xuất khoảng trên 3.000 tấn bột dinh dưỡng các loại, trong đó có trên 200 tấn bột gạo lứt dành cho người dân mọi lứa tuổi. Doanh thu gần 300 tỷ /năm trong đó xuất khẩu đạt 7 triệu USD.
Thành công với dòng sản phẩm chế biến từ bột gạo; nhưng khát vọng khôi phục thương hiệu của dòng sản phẩm truyền thống bột gạo lứt, bột năm loại đậu Bích Chi vẫn luôn là trăn trở lớn của các nhà lãnh đạo Công ty Cổ phần T hực phẩm Bích Chi trong hiện tại. Đặc biệt, khi trong điều kiện sống hiện đại ngày nay, con người đang ngày càng có xu hướng trở về với thực phẩm thiên nhiên, công dụng của bột gạo lứt càng được biết đến.
Theo Đông y, gạo lứt rất bổ và có tính thanh nhiệt, an thần trấn kinh, trừ phiền. Có khả năng ngăn sự xuất tiết của dạ dày và đại tràng nên có tác dụng tốt trong điều trị các bệnh đường ruột. Đông y dùng cháo gạo lứt để phòng ngừa và trừ bệnh tả, lỵ, cầm mồ hôi. Những nghiên cứu khác cho thấy gạo lứt đặc biệt tốt đối với phụ nữ, làm giảm nguy cơ ung thư và ruột kết, giảm cholesterol và tốt cho hệ tim mạch của phụ nữ sau mãn kinh.
Đồng thời, với nguồn chất xơ dồi dào, gạo lứt giúp chống lại bệnh xơ vữa động mạnh, ung thư vú, thậm chí giảm nguy cơ mắc bệnh tim, ung thư và bệnh tiểu đường. Gạo lứt muối mè (muối vừng), bao gồm cơm nấu gạo lứt và vừng rang giã muối, là thực đơn trong hệ thống ẩm thực Oshawa, do bác sĩ Sakurazawa Nyoichi người Nhật sáng tạo ra sau Thế chiến 2. Gạo lứt muối mè là đồ “thực dưỡng”, có thể chữa trị một số chứng bệnh nan y như u bướu, ung thư, viêm đại tràng co thắt, tiểu đường, suy dinh dưỡng. Gạo lứt rang và đun nước uống có tác dụng thanh lọc gan rất tốt.
Với những giá trị truyền thống kết hợp công nghệ dây chuyền sản xuất, chế biến hiện đại…bột gạo lứt Bích Chi từng vang bóng một thời, chắc chắn sẽ trở về với niềm tin yêu của các bà nội trợ trong sự lựa chọn yêu thương dành cho gia đình…
SÔNG HƯƠNG