Mấy ngày qua, người hâm mộ môn thể thao bơi khá ngỡ ngàng với việc kình ngư Nguyễn Thị Ánh Viên không được tham dự giải bơi vô địch quốc gia 2016. Dư luận có người đồng tình, cũng có người phản ứng ngược lại với quyết định cấm Ánh Viên dự giải, cho dù xét trên mọi phương diện, cô có quyền tham gia tranh tài cùng các đồng nghiệp, trong màu áo của TDTT Quân đội. Đáng tiếc, sự việc lại bị đẩy theo chiều hướng thiếu tích cực và điều thiệt thòi dành cho cả VĐV lẫn giải đấu số 1 Việt Nam.
Ánh Viên đã mất đi cơ hội kiểm tra thành tích sau một thời gian tập huấn ở Mỹ, kể ra cũng khó mà hình dung được năng lực của bản thân trước khi bước vào World Cup bơi lội tại Nhật Bản trong vài ngày tới. Chưa kể, sự bức xúc về tâm lý sẽ ảnh hưởng không nhỏ đến quá trình chuẩn bị của cô cho những giải đấu quốc tế khác. Về điểm này, người luôn theo sát cô là HLV Đặng Anh Tuấn cũng đã bày tỏ quan điểm rằng học trò của ông không về nước để cố “vơ vét” HCV và kiếm tiền thưởng, hoặc vô tổ chức đến mức về mà không báo cáo với Tổng cục TDTT, với đơn vị chủ quản là ngành TDTT Quân đội. Ở đây, HLV Đặng Anh Tuấn nhấn mạnh, thầy trò ông về Việt Nam để làm thủ tục visa sang Nhật Bản dự World Cup bơi lội, xem việc được tham dự giải vô địch quốc gia chỉ là cách để kiểm tra, để đảm bảo Ánh Viên hoàn thành đủ khối lượng tập luyện trước thềm một giải đấu quan trọng. Tất nhiên, vì muốn đóng góp thành tích cho đơn vị nên cô mới đăng ký dự giải với 17 nội dung cá nhân và 5 nội dung tiếp sức (sau đó rút xuống còn 10 nội dung).
Song, do bị hiểu sai vấn đề, HLV Đặng Anh Tuấn đã phải giãi bày với báo chí: “Chúng ta phải thẳng thắn với nhau rằng, có phải Ánh Viên là VĐV giỏi thì không được thi trong nước hay sao? Tại sao Ánh Viên phải bỏ các nội dung sở trường? Phải chăng làm như vậy là để phân chia huy chương cho các đơn vị khác? Nếu làm như vậy, sau này tôi huấn luyện học trò của mình sao được.
Trong nỗ lực xã hội hóa những giải đấu cấp quốc gia, vận động và kêu gọi tài trợ là việc khó, nên sự xuất hiện của VĐV nổi tiếng và được yêu mến như Ánh Viên là điều đáng quý, có thể coi như một trong những sự đảm bảo cần thiết để giải đấu thu hút được tài trợ, kéo khán giả đến Cung Thể thao dưới nước Mỹ Đình xem các VĐV tranh tài.
Có thể thấy rằng, không chỉ bơi lội, nhiều giải đấu điền kinh, bóng chuyền, bóng bàn… hiện nay chưa biết cách tận dụng lợi thế của mình (sở hữu nhiều VĐV tài năng, sức hút về chuyên môn, sự ảnh hưởng đối với xã hội) để xây dựng thương hiệu, hình ảnh và tìm kiếm thêm nguồn kinh phí trao thưởng, tổ chức, thay vì chỉ biết sống dựa vào nguồn ngân sách ít ỏi được Tổng cục TDTT và địa phương chu cấp, hoặc nếu có khoản kiếm thêm cũng không nhiều. Và chính sự mất câng bằng trong quản lý, hoạch định chiến lược từ thượng tầng khiến chính những môn thể thao, các tổ chức xã hội nghề nghiệp (Liên đoàn, Hiệp hội) không tự chủ được hành động, đã dẫn đến phát sinh những mối bất hòa, rắc rối khi một giải đấu diễn ra. Dĩ nhiên, phần thiệt sẽ thuộc về cả đối tượng tham gia và chính những nhà tổ chức giải đấu đó.
LÊ HÙNG