Thứ bảy, mùa hè nhưng các trò nhỏ lớp học tình thương trên đảo Hòn Chuối ở vùng biển Tây Nam vẫn học bình thường. So với cách nay gần 1 năm, khi chúng tôi ra thăm lần trước, lớp học bây giờ có vẻ sáng sủa, khang trang, bàn ghế chắc chắn hơn. Điều mới nữa làm tăng thêm vẻ chỉnh tề, trang nghiêm, tươi tắn hơn nơi những trò nhỏ là tất cả các em đều mặc đồng phục xanh trắng.
Thượng úy Trần Bình Phục ở Đồn biên phòng 704, cũng là thầy giáo đứng lớp, khoe: “Đồng phục các em đến lớp hàng ngày được một cơ sở may mặc ở TPHCM tặng. Nghe họ báo, tôi mừng quá đi suốt đêm về nhận, mang ra cho các em. Mỗi em được 2-3 bộ áo quần đủ mặc hàng ngày đến lớp”.
Đoàn công tác của Vùng 5 Hải quân và Báo SGGP ra thăm đảo nghèo lần này đã chuyển tới lớp học tình thương chút quà của các bạn cùng trang lứa là học sinh tiểu học, THCS ở TPHCM, từ chương trình “Chung tay vì bạn nhỏ biển đảo đến trường” do Báo SGGP, Bộ Tư lệnh Hải quân phối hợp thực hiện. 23 phần quà là 23 suất học bổng (mỗi suất 1 triệu đồng) dành tặng các học trò nơi đây.
Có lẽ đây là lần đầu tiên số học trò nhỏ trên đảo mới được nhận và hiểu thế nào là “học bổng”. Cả lớp học òa lên, hân hoan khi nghe thầy giáo Phục giới thiệu vắn tắt về món quà đầy ắp thương yêu từ các bạn nhỏ đất liền gửi ra tặng các em. Nhìn các bé lần lượt đứng dậy, vòng tay lễ phép nhận phần học bổng ý nghĩa và quý giá, mắt thầy giáo Phục ánh lên niềm vui. Anh nói nhỏ với tôi: “Cả tuần nay các em háo hức chờ. Ba mẹ các em gặp tôi đều nói sẽ dành hết số tiền nhận được chăm lo cho việc học hành của trẻ. Có người còn hỏi nên mua sắm thêm sách vở, học cụ gì cho con mình”.
Em Kim Anh Khôi, 10 tuổi, học lớp 2, có vẻ chững chạc: “Con thay mặt các bạn cảm ơn các chú nhà báo, các chú hải quân và các bạn học sinh ở TP. Chúng con sẽ ráng đi học đều và ráng học giỏi”. Cậu bé kể rành rẽ về gia đình mình, có cha đang nuôi cá bè, mẹ buôn bán lặt vặt dưới gành, có em gái tên là Kim Trâm Anh cũng đang học lớp 1 ở đây.
Anh Hồng Nhật Trường, 35 tuổi, cùng vợ ra lớp chứng kiến 2 con gái 9 và 10 tuổi được nhận học bổng, bộc bạch: “Bà con chúng tôi biết ơn bộ đội nhiều. Vì mưu sinh phải ra đây, có biên phòng và hải quân là chỗ dựa. Con cái lại được đi học. Tạm yên ổn. Ráng làm rồi lo cho sắp nhỏ vào bờ học tiếp lên là mừng lắm”.
Ông Lê Văn Phương, tổ trưởng tự quản của cư dân Hòn Chuối, cho biết có 38 hộ dân, 125 nhân khẩu sống trên đảo. Về mặt hành chính, Hòn Chuối thuộc khóm 1, thị trấn Sông Đốc, huyện Trần Văn Thời, tỉnh Cà Mau. Chỉ có vài gia đình cắm nhà sống trên núi, còn đa số ở dưới gành, sống chủ yếu dựa vào nuôi cá bè, đánh bắt hải sản và chút ít dịch vụ. Mọi thứ “hậu cần” đều phải trông chờ, mua sắm từ ghe thuyền trong bờ ra.
Ông Phương bảo, tất cả đều nghèo nên bà con thương yêu, đoàn kết, tương trợ nhau cùng vượt khó. Mỗi khi bão gió, biển động lại phải cậy nhờ biên phòng, hải quân. Cũng nhờ có lớp học tình thương mà sắp nhỏ trên đảo mới biết đến con chữ. Được cái, bà con đều hiểu rằng chỉ có cho con em đến lớp, chúng mới có cơ hội học tới lớp 5, sau đó có thể gửi vào bờ học tiếp.
THƯ NAM