Hôm nay (7-5), Luật Phòng chống tác hại thuốc lá có hiệu lực thi hành đã được 7 ngày. Điểm đáng chú ý của luật này là mức xử phạt cho hành vi hút thuốc lá ở nơi công cộng rất cao (từ 200.000 - 500.000 đồng/lần đối với người hút thuốc, 10 triệu đồng/lần là mức cao nhất đối với đại lý bán lẻ). Tuy nhiên, nhìn lại tuần đầu tiên thực thi, việc bán thuốc lá, hút thuốc tại các nhà ga, bệnh viện, trường học… vẫn diễn ra khá phổ biến, công khai. Liệu việc thực hiện Luật Phòng chống tác hại thuốc lá có mang tính phong trào, rơi vào tình cảnh “đánh trống bỏ dùi” rồi đi vào quên lãng, hay có khi là “chết yểu” như một số văn bản pháp luật khác hay không?
Nói ra điều này vì trong thực tiễn có khá nhiều văn bản quy phạm pháp luật không đi vào cuộc sống, vừa ra đời đã phải bãi bỏ, hay phải điều chỉnh. Chẳng hạn như quy định thịt và phụ phẩm phải “bảo quản ở nhiệt độ thường chỉ được bày bán trong vòng 8 tiếng sau khi giết mổ”; quy định không để ô cửa có lắp kính trên quan tài hay không rắc vàng mã lúc đưa tang; quy định người kinh doanh thức ăn đường phố phải có giấy chứng nhận sức khỏe, được cấp giấy xác nhận tập huấn kiến... Ở TPHCM, hơn 10 năm trước, UBND TP cũng ban hành quy định mức xử phạt bằng tiền đối các hành vi xả rác bừa bãi, tiểu tiện trên vỉa hè, quảng cáo bừa bãi, hút thuốc lá nơi công cộng… nhưng giờ đây, có mấy ai còn nhớ quy định đó nữa!
Việc bảo đảm tính khả thi của các văn bản quy phạm pháp luật là một yêu cầu tối quan trọng và được đặt ra ngay từ khi xây dựng văn bản. Thực tế chỉ ra rằng, luật pháp chỉ thực sự đi vào cuộc sống khi phù hợp với lòng dân, phù hợp với trình độ nhận thức của nhân dân. Muốn vậy, văn bản luật trước khi ra đời cần phải lấy ý kiến rộng rãi trong nhân dân. Tuy nhiên, việc lấy ý kiến, đặc biệt ý kiến của đối tượng chịu tác động trực tiếp lại không được coi trọng đúng mức hoặc làm hình thức. Do đó, nhiều quy định ban hành ra đã không tập hợp đầy đủ, toàn diện các lợi ích, ý chí, nguyện vọng của nhân dân, không đảm bảo tính hợp pháp và tất nhiên không mang tính khả thi. Nhưng có rất nhiều văn bản pháp luật vừa ra đời đã nhanh chóng đi vào cuộc sống vì được sự hưởng ứng tích cực của đông đảo tầng lớp nhân dân, điển hình là quy định của Chính phủ về việc cấm đốt pháo hay cách đây không lâu là quy định bắt buộc người điều khiển xe gắn máy phải đội nón bảo hiểm.
Kinh nghiệm cho thấy, sở dĩ 2 quy định trên nhanh chóng thực thi, thu hút đông đảo người dân tham gia, đó là do việc tổ chức thực hiện chu đáo, bài bản. Thành công đó trước hết phải nói đến công tác tuyên truyền, giáo dục, quảng bá, phổ biến pháp luật để nâng cao ý thức pháp luật trong nhân dân được tổ chức khá rầm rộ, đều khắp, có trọng tâm, trọng điểm. Song song đó, chính quyền địa phương, các ngành chức năng, nhất là lực lượng công an được tập huấn cụ thể và phối hợp thực hiện khá nhuần nhuyễn trong những tình huống khác nhau khi phát hiện người buôn bán, vận chuyển và đốt pháo. Bài học quan trọng nữa rút ra là phải có sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, trước hết là sự tham gia tích cực của các cấp ủy trong công tác chỉ đạo khâu tổ chức thực hiện; quy định rõ trách nhiệm của các ngành, các cấp và người đứng đầu; xử lý nghiêm minh người vi phạm; chuẩn bị các điều kiện về đội ngũ thực thi pháp luật, cơ sở vật chất, kinh phí để thực hiện và quan trọng hơn cả là biết huy động sức mạnh của cộng đồng dân cư cùng tham gia không đốt pháo và tự giác đội nón bảo hiểm…
Trở lại việc thực thi Luật Phòng chống tác hại thuốc lá, ai cũng đồng tình nhưng nhiều người lại băn khoăn: cơ quan nào chịu trách nhiệm xử phạt và xử phạt như thế nào? Theo quy định hiện hành, các cơ quan có thẩm quyền xử phạt trong lĩnh vực hành chính là thanh tra chuyên ngành, thanh tra liên ngành, quản lý thị trường, công an, UBND các cấp, nhưng trong thực tế, việc xử phạt không dễ dàng gì. Chẳng hạn về hành vi cấm mua bán, sử dụng thuốc lá khi chưa đủ 18 tuổi; những địa điểm buôn bán lẻ thuốc lá, nơi hàng quán vỉa hè; cùng một lỗi vi phạm mà có nhiều cơ quan thẩm quyền xử phạt thì việc xử phạt sẽ thực hiện ra sao? Cơ quan nào giám sát các cơ quan chức năng xử phạt người hút thuốc lá, đại lý bán thuốc?...
Việc thực thi Luật Phòng chống tác hại thuốc lá, một đòi hỏi cấp bách từ cuộc sống, nếu không được thực hiện nghiêm túc, đầy đủ không chỉ gây lãng phí thời gian, tiền của mà còn ảnh hưởng nghiêm trọng đến tính thượng tôn pháp luật - nền tảng cho một xã hội ổn định, phát triển bền vững.
Tuấn Sơn