Thủy chung với nghề chạm trổ

Thủy chung với nghề chạm trổ

Làng mộc chợ Thủ (huyện Chợ Mới, tỉnh An Giang) lâu nay nổi tiếng với các sản phẩm như tranh kiếng, sơn thủy, tủ, bàn ghế, giường... Nhưng độc đáo nhất vẫn là ngón gán “hồn” cho gỗ. Một khúc gỗ vô tri, vậy mà khi qua tay các nghệ nhân đã được “thổi” vào một sức sống mới.

  • “Nhất nghệ tinh” - truân chuyên trăm nỗi!
Thủy chung với nghề chạm trổ ảnh 1

Anh Hồ Ngọc Phước, người nối nghiệp ông Tư Chia. Ảnh: Kim Ngân

Đến chợ Thủ, hỏi nghệ nhân Tư Chia (ông Hồ Xuân Lai) ai cũng biết. Ông là nghệ nhân cao tuổi nhất và có kinh nghiệm nhất làng nghề. Cơ ngơi của ông Tư nằm cạnh chân cầu Trà Thôn, vừa bước vào đã thấy hàng chục thợ đang hối hả đục đẽo, uốn lượn hình gỗ... để kịp giao hàng. Rót tách trà mời khách, ông Tư bảo: “Con hổ này vừa làm xong cho khách hàng ở tận Cà Mau lên đặt, còn con ó đen bên kia là của một Việt kiều ở Rạch Giá lên mua để mang về Mỹ... Lúc này công việc bù đầu, làm không xuể”.

Năm nay, ông Tư đã bước sang tuổi 84. Tuổi cao nên ông không “tin cậy” đôi mắt của mình trong việc kiểm tra chất lượng từng sản phẩm, mà phải nhờ đến cảm giác của đôi tay. Bên cặp “song long” đặt giữa nhà, lần mười ngón run run theo những đường nét còn dang dở, ông Tư chậm rãi ngược thời gian về với hơn 70 năm trước. “Năm mới lên 10 tuổi, tôi theo học nghề mộc. Thuở ấy, nghề mộc ở đây phát triển mạnh nên cánh thợ quy tụ về ngày một nhiều, người theo học cũng rất đông. Tuy nhiên, người học chạm trổ - nghề đòi hỏi sự tỉ mỉ và kiên nhẫn - thì ít ai theo. Riêng tôi lại rất đam mê nghiệp chạm trổ nên nhanh chóng bén duyên với nghề này và trở thành thợ giỏi từ lúc nào không hay”.

Thủy chung với nghề chạm trổ ảnh 2

Tác phẩm “Nụ cười của hổ”

Thập niên 1950 – 1960, chùa chiền, miếu mạo xây dựng nhiều nơi, nghề điêu khắc chạm trổ “đắt việc” theo. Đến lúc chiến tranh ly loạn, nghề chạm trổ bị mai một dần. Các bậc tiền bối lần lượt theo “ông bà”, mang cái nghiệp đi theo. Nghề mà ông Tư cố công theo đuổi đứng trước nguy cơ thất truyền. Cuộc sống khó khăn buộc ông phải rời chợ Thủ lang thang khắp nơi làm thuê kiếm sống. Sau nhiều năm lặn lội khắp nơi, đến năm 1990, ông quay về chợ Thủ mở lại xưởng mộc nhỏ mưu sinh.

Cái nghề chạm trổ chợ Thủ một thời tiếng tăm lừng lẫy, nhưng đến lúc này chỉ còn một mình ông Tư theo nghề. Từ chuyện làm công theo đặt hàng, dần dần ông sáng chế ra nhiều tác phẩm độc đáo trang trí nhà cửa, cầu thang lầu, hình các loại thú bằng gỗ rất tinh xảo... Khách hàng tìm mua ngày càng nhiều và không bao lâu ông Tư đã vực dậy nghề chạm trổ chợ Thủ.

  • Quyết giữ làng nghề

Công việc thuận lợi, cuộc sống từng bước ổn định, ông Tư nghĩ đến chuyện truyền lại nghề cho thế hệ sau. 4 cô con gái đều trở thành nghệ nhân và có cơ sở riêng. Riêng anh Hồ Văn Phước, con trai út là người ngày đêm cùng ông phát triển xưởng gỗ. Tuổi tuy chỉ vừa quá 30 nhưng đã có hơn 15 năm theo nghiệp cha, tay nghề của anh rất khá và là nghệ nhân trẻ đầy triển vọng của làng nghề.

Các bậc cao niên nói rằng khoảng năm 1890, trong làn sóng di dân về miền Tây có một nhóm người đem theo nghề mộc chạm trổ đến định cư ở chợ Thủ. Như vậy, có thể xem chợ Thủ là chiếc nôi của nghề chạm trổ, điêu khắc gỗ hàng đầu ở vùng sông nước Cửu Long.  

Mấy năm gần đây, sản phẩm điêu khắc, chạm trổ trên chất liệu gỗ được nhiều người ưa chuộng. Các công trình kiến trúc như biệt thự, tư dinh, công sở… đều có mặt các tác phẩm chạm trổ. Hiện nay, cả làng mộc chợ Thủ có khoảng 2.300 lao động chuyên nghề mộc, chạm trổ, tiện, sơn, cưa... Bên cạnh đó, còn có gần 1.300 lao động gián tiếp, thu nhập bình quân 40.000đ/ngày.

Theo anh Phước, để phát triển nghề chạm trổ, điều quan trọng hơn cả là yếu tố con người. Đây là một yêu cầu đòi hỏi nhiều về thời gian chứ không chỉ một sớm một chiều. Vấn đề này có lẽ hơn ai hết ông Tư là người hiểu và ấp ủ từ suốt hơn 50 năm qua. Đến nay, ông đào tạo được nhiều người thợ giỏi kế nghiệp. Các công trình nghệ thuật có tầm cỡ như khu di tích Bác Tôn (TP Long Xuyên), đền thờ Nguyễn Trung Trực (Rạch Giá), chùa Bà Chúa Xứ Núi Sam (Châu Đốc), chùa Tam Bửu (Ba Chúc, Tri Tôn)... đều có các tuyệt tác nghệ thuật gỗ do chính tay ông Tư thực hiện. Chia tay chúng tôi, ông Tư quả quyết: Dù trải qua nhiều thăng trầm nhưng nghề chạm trổ đem đến cho ông nhiều niềm vui. Mừng nhất là các con đều theo nghề và nhiều hộ lân cận cũng “mê” chạm trổ. Vấn đề còn lại là sự quan tâm của các ngành chức năng, tạo điều kiện cho nghề chạm trổ chợ Thủ đi xa hơn và phát triển bền vững.

KIM LỢI

Tin cùng chuyên mục