Thủy sản Việt Nam 2013: Một năm gian khó

Thiếu vốn sản xuất, thiếu nguyên liệu, không ít những doanh nghiệp “lừng lẫy” một thời của thủy sản Việt Nam đang phải hoạt động cầm chừng hay đóng cửa, thậm chí nhiều doanh nghiệp “còn xác nhưng mất hồn”… Những khó khăn này đã khiến ngành cá tra năm 2013 rơi vào cơn khủng hoảng trầm trọng.
Thủy sản Việt Nam 2013: Một năm gian khó

Thiếu vốn sản xuất, thiếu nguyên liệu, không ít những doanh nghiệp “lừng lẫy” một thời của thủy sản Việt Nam đang phải hoạt động cầm chừng hay đóng cửa, thậm chí nhiều doanh nghiệp “còn xác nhưng mất hồn”… Những khó khăn này đã khiến ngành cá tra năm 2013 rơi vào cơn khủng hoảng trầm trọng.

Thủy sản Việt Nam 2013: Một năm gian khó ảnh 1

Ông Dương Ngọc Minh

Trước thềm năm mới, khép lại “một năm  có thể nói vui ít, buồn nhiều” của ngành cá tra Việt Nam. Chúng tôi lại tìm đến ông Vua Cá Tra - Dương Ngọc Minh - Phó Chủ tịch VASEP (Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thủy sản Việt Nam), đồng thời cũng là Chủ tịch HĐQT, TGĐ Công ty Cổ phần Hùng Vương (HVG) để ghi nhận những trao đổi, tâm tư cùng những dự báo viễn cảnh ngành cá tra năm 2014.

- Năm 2013 được coi là một năm ngành cá tra Việt Nam gặp nhiều vận hạn. Vậy thực trạng và nguyên nhân của những “vận hạn” của con cá tra năm qua, theo ông là gì?

° Ông Dương Ngọc Minh: Năm 2013 doanh số xuất khẩu toàn ngành cá tra Việt Nam đạt khoảng 1,7 tỷ USD. Doanh số thì đạt nhưng giá xuất khẩu thì giảm hơn 3%. Điều này nói lên thị trường đang khó khăn trong việc tiêu thụ. Có 2 nguyên nhân chính liên quan đến việc này, đó là: Tài chính của những doanh nghiệp tham gia vào chuỗi sản phẩm; Và kế đến là sản phẩm đánh bắt sản lượng con cá Alaska Pollock tăng hơn 10% so với năm 2012 - Điều này ảnh hưởng đến sức tiêu thụ của cá tra. Có một thực tế mà người trong ngành ai cũng thấy, đó là tài chính của các doanh nghiệp trong nước không cho phép mua  dự trữ lúc giá thấp để bán ra khi giá cao mà buộc phải quay vòng vốn càng nhanh càng tốt, người dân và doanh nghiệp nuôi trồng, xuất khẩu thủy sản bắt buộc phải bán hàng để trả nợ (tìm nguồn lãi suất rẻ hơn - đây là đặc thù của chính sách tài chính trong năm 2013).

Sự bất lợi này tạo thuận lợi cho sự lớn mạnh của các nhà đầu tư nước ngoài trong ngành chế biến thức ăn. Họ từng bước chiếm ưu thế và thị phần bán ra trong năm 2013 đạt hơn 60% đối với ngành thức ăn gia súc gia cầm, trong khi nhà máy chế biến của họ chiếm hơn 5% nhưng thị phần chiếm hơn 70%. Điều này nói lên vấn đề tài chính yếu kém của doanh nghiệp Việt Nam. Và nếu tình hình này tiếp tục kéo dài mà không có chính sách cụ thể từ các ngành hữu quan thì ngành chế biến thức ăn gia súc gia cầm, thức ăn thủy sản sẽ từng bước thuộc về các công ty nước ngoài làm chủ và chi phối. Và như vậy con cá tra sẽ tiếp tục mắc cạn trên chính nơi được xem là cái nôi phát triển của nó.

- Ông có thể nêu rõ hơn về sự bất cập này?

° Ông Dương Ngọc Minh: Những bất cập về nuôi trồng, về giá, về chất lượng sản phẩm của cá tra không đồng nhất, tạo rất nhiều giá khác nhau trên thị trường, chất lượng cũng khác nhau… thể hiện tính thiếu chuyên nghiệp, bất ổn định, và không có tiêu chuẩn để đánh giá xuất khẩu. Hiện nay các nhà hoạch định về chiến lược chưa thấy hết nguyên nhân của thực trạng ngành cá tra trong hạch toán giá thành sản phẩm.

Trên thị trường, hiện có 4 loại giá thành sản phẩm cá tra phân ra thành hai nhóm: nhóm doanh nghiệp và nhóm nông dân. Trong đó, nhóm doanh nghiệp cũng phân ra 2 loại doanh nghiệp. Doanh nghiệp chủ động trong vấn đề tài chính để đầu tư trong nuôi trồng thì giá thành lúc nào cũng thấp hơn so với thị trường do đầu vào thức ăn doanh nghiệp chủ động sản xuất hoặc mua từ các nhà máy với giá thấp hơn những doanh nghiệp không đủ nguồn vốn đầu tư nuôi trồng (Doanh nghiệp không chủ động về nguồn vốn).

Nhóm thứ hai là nhóm hộ nông dân. Hộ nông dân có tiền thì chủ động được giá đầu vào con giống, giá thức ăn trực tiếp từ nhà máy thì giá thành sản phẩm của họ sẽ thấp hơn, còn nếu nông dân không có vốn dựa vào nguồn vốn vay từ đại lý thức ăn thì phải chịu giá thành rất cao, cao hơn từ 5 đến 10% so với thị trường, chưa kể lãi suất cho vay từ các đại lý với lãi suất từ 1,5% đến 2%/tháng. Từ phân tích trên chúng ta có cái nhìn bao quát về chuỗi thực hành sản phẩm cá tra để đi tìm câu trả lời về giá thành nuôi trồng hiện nay đâu là giá thật của sản phẩm. Tại sao có sự khác biệt về giá chênh lệch trên cùng một thị trường, từ vấn đề đặc thù của từng doanh nghiệp, đặc thù của từng hộ dân có sự khác biệt nhau…

Đó cũng là nguyên nhân mà sự kết nối, hợp tác giữa nhà máy và người dân chưa gặp nhau ở điểm chung trong vấn đề liên kết. Nếu các nhà hoạch định chính sách có thực tiễn và công thức chuẩn từ chất lượng thức ăn, chi phí nuôi trồng, chính sách đồng nhất về giá thành và chất lượng cuối cùng của sản phẩm thì mới có chính sách phát triển bền vững và lâu dài đối với ngành cá tra. Đây là một trong những vấn đề vô cùng cần thiết mà chúng ta cần phải xây dựng nếu muốn tham gia vào thị trường xuất khẩu ổn định.

- Vậy viễn cảnh nào cho ngành cá tra trong năm 2014, thưa ông?

° Ông Dương Ngọc Minh: Chúng ta đã thấy rõ 2 gam màu của năm 2011 và năm 2012, 2013. Năm 2011 là gam màu đỏ do siêu lợi nhuận trong nuôi trồng mà từ đó dẫn đến sự phát triển nóng, sản lượng tăng đột biến. Hai năm 2012, 2013, khi tình hình kinh tế suy giảm, lạm phát tăng, chính sách về thắt chặt tín dụng, sản lượng thừa, tiêu thụ khó khăn thì chúng ta thấy gam màu xám, thị trường nguội, lạnh…                                                                                                 

Người nông dân ồ ạt đầu tư trong năm 2011, 2012 phải chịu lỗ liên tiếp trong hai năm 2012, 2013. Trong khi đó ngân hàng cũng không còn mặn mà trong việc đầu tư trong lĩnh vực nuôi trồng chế biến cá tra. Từ đó dẫn đến thực tế là nông dân phải bán để cắt lỗ, trả nợ để giảm lãi suất. Khâu thanh toán của ngành cá tra là chuỗi mắt xích chưa được tháo gỡ. Đây cũng chính là những nguyên nhân chủ đạo dẫn đến thị trường phát triển không theo quy luật nào cả. Thực tế hiện nay của ngành cá tra là người nuôi nợ nhà máy thức ăn, do đó không có sự lựa chọn về chất lượng thức ăn khi đầu tư, mặc dù đôi khi biết là nuôi thức ăn kém chất lượng thì dẫn đến giá thành cao (do mua nợ).

Còn nhà máy chế biến thì mua nợ người dân. Nhà máy nào có tiền thì phải mua giá thấp hơn giá đầu tư của người nông dân. Còn nhà máy nào không có tiền thì chấp nhận mua giá cao nhưng thời gian thanh toán không đảm bảo, rủi ro cao… Như vậy vòng luẩn quẩn tiếp tục trong nhiều năm và chưa có lời giải cho hoạt động SX-KD cá tra. Với hiện trạng này năm 2014 rất dễ xảy ra vấn đề bể nợ dây chuyền từ người nuôi cá, bán cá, đến các nhà máy chế biến… Vấn đề này các địa phương có ngành cá tra phát triển (ĐBSCL-PV) không vào cuộc tháo gỡ thì sớm muộn việc nuôi trồng, chế biến cá tra sẽ teo dần do công nợ dây chuyền của một chuỗi sản phẩm.

Chúng ta sẽ thấy rất rõ, việc nuôi trồng cho năm 2013 phục vụ cho năm 2014 trong khâu con giống, thức ăn và người nuôi cá thịt, nhà máy chế biến thì khâu thiệt hại lớn nhất trong chuỗi này sẽ thuộc về người nuôi cá giống. Thời gian kéo dài của cá giống từ tháng 6 đến tháng 9, giá bán cá giống chỉ có 15 ngàn - 17 ngàn/1kg. Trong khi giá thị trường nằm trong mức 20 ngàn/1kg (cá thịt). Một ký cá giống, người nuôi trồng lỗ từ 5 ngàn - 8ngàn/1kg. Mà người sản xuất cá giống thường là các hộ nhỏ, lẻ lại không đủ tiềm lực tài chính.

Với khoản lỗ như vậy thì sản lượng con giống trong năm 2013 cung ứng cho vụ nuôi và thu hoạch năm 2014 sẽ giảm trên 30% và tiếp tục năm 2014, viễn cảnh chưa sáng sủa với ngành cá tra, đặc biệt khó khăn với các hộ nông dân nuôi cá giống. Người làm cá giống rất khó tìm nguồn tiêu thụ mà được thanh toán sòng phẳng bằng tiền mặt. Người nuôi thì không biết phải bán cho doanh nghiệp nào. Mà nếu chọn doanh nghiệp để bán thì không bao giờ được giá tốt, còn bán cho những doanh nghiệp mà khả năng thanh toán chậm thì rủi ro rất cao.

- Nắm rõ được nguyên nhân như thế thì đâu là giải pháp khả thi để hóa giải sự bất cập này trong thời gian tới?

° Ông Dương Ngọc Minh: Giải pháp nằm ngay trong nội tại: Chúng ta phải có một quy hoạch cho quy trình  cung cầu, đảm bảo 4 vấn đề: thứ nhất về chất lượng con giống, thứ hai về chất lượng thức ăn, thứ ba về tài chính minh bạch và thứ tư là bình đẳng giữa doanh nghiệp và nông dân trong vấn đề hoàn thuế. Nếu vấn đề này được giải quyết thì giá thành sản phẩm mới có sự điều tiết, cân bằng và người nông dân nuôi tốt sẽ hưởng lợi từ công sức lao động của họ.

- Từng được mệnh danh xưng là ông Vua Cá Tra và chưa bao giờ lùi bước trước những khó khăn thử thách, với tư cách người đứng đầu doanh nghiệp, trước tình hình chung của ngành SX-XK cá tra Việt Nam hiện nay, ông có thể chia sẻ định hướng của HVG trong năm 2014?

° Ông Dương Ngọc Minh: HVG là một doanh nghiệp có quy trình khép kín hơn 8 năm nay đã trải qua nhiều thăng trầm, thách thức của ngành. Nhận định những biến chuyển của thị trường, vì vậy HVG luôn có những bước đột phá chủ động về giá thành, từng bước hoàn thiện dây chuyền sản xuất, đảm bảo giá thành sản xuất thấp hơn các doanh nghiệp khác từ 5 đến 7%. Đây là lợi thế mà HVG có được do: chủ động tài chính, chủ động giá thành thức ăn và chất lượng thức ăn, lực lượng quản lý, lao động chuyên nghiệp, ổn định. Từ 3 lợi thế này, HVG đã và đang tiếp tục tăng công suất từ 120.000 tấn nguyên liệu (năm 2013) tiến đến việc 200.000 tấn trong năm 2014. Chủ động mở rộng thị trường bán lẻ các mặt hàng nông thủy sản, mặt hàng tiêu dùng thực phẩm và khai thác tối đa thế mạnh của mình về cơ sở vật chất với mục tiêu doanh số là 15.000 tỷ đồng. Hai nhiệm vụ lớn của Hùng Vương trong năm 2014 là đảm bảo công ăn việc làm cho 15.000 lao động và nộp ngân sách cho Nhà nước.

- Trân trọng cảm ơn trao đổi của ông, chúc ông và HVG đồng hành cùng ngành cá tra Việt Nam vượt qua thách thức - đạt thành công trong năm 2014.

HỒNG MINH - SÔNG HƯƠNG

Tin cùng chuyên mục