Tích cực phấn đấu đạt các chỉ tiêu đề ra

Ngày 27-5, tại Trụ sở Chính phủ, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã chủ trì phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 5-2015.

Ngày 27-5, tại Trụ sở Chính phủ, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã chủ trì phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 5-2015.

Đối diện nhiều thách thức

Về tình hình kinh tế - xã hội, các thành viên Chính phủ thống nhất nhận định, tuy có những tín hiệu khả quan, nhưng cũng dễ dàng nhận thấy, tình hình kinh tế hiện đang nổi lên nhiều khó khăn. Trong đó, khó khăn nhất nổi lên thời gian qua là sản xuất nông nghiệp. Tăng trưởng nông nghiệp thấp hơn cùng kỳ; hạn hán diễn ra nghiêm trọng ở nhiều nơi, nhất là Nam Trung bộ và Tây Nguyên. Việc tiêu thụ một số mặt hàng nông sản gặp ách tắc, nhất là gạo, cao su, trái cây, ảnh hưởng đến đời sống nông dân. Bên cạnh lĩnh vực nông nghiệp, xuất khẩu của khu vực trong nước cũng giảm 2,7%; khách quốc tế đến Việt Nam giảm 12,6% so với cùng kỳ năm 2014...

Từ thực tế đó, tại phiên họp, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng tuy khẳng định tình hình kinh tế - xã hội tháng 5 và 5 tháng đầu năm 2015 tiếp tục đạt kết quả tích cực trên hầu hết lĩnh vực nhưng cũng lưu ý các bộ, ngành, địa phương không chủ quan. Bởi tình hình thế giới đang diễn biến khó lường nên cần tiếp tục phấn đấu để đạt các chỉ tiêu năm 2015 đã trình Trung ương, Quốc hội.

Thủ tướng chỉ đạo trong thời gian tới, cần nhất quán mục tiêu ổn định vững chắc kinh tế vĩ mô. Tháo gỡ mọi khó khăn cho doanh nghiệp, người dân để thúc đẩy sản xuất kinh doanh, cùng với đó cải thiện môi trường kinh doanh để góp phần nâng cao sức cạnh tranh quốc gia. Thủ tướng yêu cầu theo dõi sát diễn biến lạm phát, giá dầu và biến động kinh tế thế giới để có điều chỉnh chính sách phù hợp, kịp thời. Ngân hàng Nhà nước bảo đảm tăng trưởng tín dụng hợp lý trong năm theo chỉ tiêu cả năm đã đề ra; tập trung tín dụng cho các lĩnh vực ưu tiên; bảo đảm điều hành tỷ giá, thị trường ngoại hối ổn định và theo tín hiệu thị trường; tiếp tục cải thiện môi trường kinh doanh; thúc đẩy sản xuất, kinh doanh; tập trung tháo gỡ về tiêu thụ nông sản, thúc đẩy sản xuất nông nghiệp theo hướng hiện đại. Bộ Công thương nghiên cứu đánh giá tình hình xuất khẩu suy giảm của khu vực kinh tế trong nước để kịp thời có giải pháp thúc đẩy xuất khẩu.

Đáng chú ý, du lịch suy giảm, vì vậy Chính phủ yêu cầu cần có những giải pháp đồng bộ để khắc phục, trong đó cần tạo thuận lợi nhất cho khách quốc tế đến Việt Nam, kể cả vấn đề visa. Chính phủ đã thảo luận, nhất trí với các giải pháp nhằm phát triển ngành du lịch Việt Nam do Bộ VH-TT-DL trình, như tạo thuận lợi trong cấp thị thực cho khách du lịch đến Việt Nam; thành lập Quỹ phát triển du lịch.

Đồng thời, Thủ tướng nêu rõ cần triển khai đồng bộ các nhiệm vụ, giải pháp tăng cường quốc phòng an ninh, giữ vững chủ quyền quốc gia.

Tìm đầu ra nông sản

Tại buổi họp báo Chính phủ diễn ra chiều 27-5, trả lời câu hỏi về tiêu thụ cho mùa vải thiều sắp đến, Thứ trưởng Bộ Công thương Đỗ Thắng Hải cho biết, tình trạng “được mùa mất giá, được giá mất mùa” rất bức xúc nhưng đó là lẽ tự nhiên, vì là thị trường. Không chỉ riêng vải thiều, mà cả các loại nông sản khác, người nông dân không có lỗi, vì họ trồng cây trên mảnh đất của mình với mong muốn có lợi nhuận. Vấn đề là trách nhiệm của các cơ quan quản lý, trong đó có Bộ Công thương trong việc quy hoạch, đưa khoa học công nghệ vào để có sản phẩm tốt, giá cạnh tranh để xuất khẩu. Những năm trước 60% - 70%, vải thiều xuất sang Trung Quốc, năm 2014 chỉ còn 30% - 40%. Chúng ta đã mở rộng các thị trường khác, không để lệ thuộc vào thị trường Trung Quốc. Đặc biệt đã mở rộng thị trường nội địa. Năm nay Bộ Công thương phối hợp với địa phương đã chủ động đến với các thị trường ở phía Nam để bảo đảm người dân miền Nam được ăn vải thiều giá rẻ. Cùng với đó, sẽ mở rộng thị trường xuất khẩu. Không chỉ vải thiều mà đó là hướng đi đối với cả các mặt hàng khác.

Vừa qua có thông tin cho rằng Dự án đào hồ chứa nước, khai thác đá trong sân bay Biên Hòa có thể đã vận chuyển một khối lượng lớn đất đá nhiễm độc hóa học đi các nơi (nhiều tỉnh miền Tây, Đồng Nai), trong đó có thể một lượng không nhỏ đất đá nhiễm dioxin được sử dụng cho dự án san lấn sông Đồng Nai làm dư luận hoang mang. Tuy nhiên, theo Bộ trưởng - Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Nguyễn Văn Nên, Bộ Quốc phòng đã thành lập đoàn thanh tra có đại diện Ủy ban Quốc phòng an ninh giám sát, UBND tỉnh Đồng Nai tham gia xác minh thông tin báo chí nêu. Thủ tướng Chính phủ đã nhận được báo cáo của Bộ Quốc phòng về vấn đề này. Kết quả không phải như thông tin một số báo đã đưa.

PHAN THẢO

Tin cùng chuyên mục