Tiến độ ì ạch, không ai chịu trách nhiệm

Theo Quyết định số 991/TTg-ĐMDN của Thủ tướng Chính phủ, danh sách doanh nghiệp nhà nước phải cổ phần hóa năm 2018 là 64 doanh nghiệp. Trong đó, có tên nhiều doanh nghiệp lớn như Tổng công ty Viễn thông MobiFone, Tổng công ty Phát điện 1 - 2, Tổng công ty Đầu tư phát triển hạ tầng đô thị, Tổng công ty Đầu tư phát triển Nhà Hà Nội... Ngoài ra, còn có 25 doanh nghiệp “tồn” từ danh sách doanh nghiệp nhà nước phải cổ phần hóa đã được phê duyệt trong giai đoạn 2011 - 2016 và năm 2017 chuyển sang. Đó là chưa kể, nhiệm vụ thoái vốn nhà nước theo lộ trình đến hết năm 2018 về mức 0%, chuyển giao quyền đại diện chủ sở hữu phần vốn nhà nước cho Tổng công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn nhà nước đối với 10 doanh nghiệp lớn nữa, gồm các tổng công ty: Vật liệu xây dựng số 1, Xây dựng số 1, Sông Hồng, Đầu tư và Phát triển xây dựng, Xây dựng Hà Nội, Xây dựng Bạch Đằng, Đầu tư nước và Môi trường Việt Nam, Tư vấn xây dựng Việt Nam, Cơ khí xây dựng và Đầu tư phát triển đô thị và Khu công nghiệp Việt Nam.

Nhiệm vụ nặng nề, thế nhưng, đến nay đã hết quý 1-2018 mà số lượng doanh nghiệp hoàn thành cổ phần hóa chỉ đếm trên đầu ngón tay. Hiệu quả cổ phần hóa cũng không cao. Điển hình là vụ cổ phần hóa Tổng công ty Thương mại Hà Nội. Doanh nghiệp này bán gần 35% cổ phần lần đầu ra công chúng (IPO) nhưng giá bán chỉ 12.800 đồng/cổ phần. Giá trị doanh nghiệp theo sổ sách kế toán hơn 3.500 tỷ đồng, nhưng giá trị doanh nghiệp xác định chỉ được hơn 4.000 tỷ đồng. Trong khi đó, doanh nghiệp này được mệnh danh là “đại gia đất vàng”, sở hữu nhiều khu đất có vị trí đắc địa tại Thủ đô Hà Nội.

Còn ở một số địa phương khác, công tác cổ phần hóa gần như giậm chân tại chỗ, có nơi chưa cổ phần hóa được doanh nghiệp nào. Số tiền thu được chủ yếu là từ hoạt động thoái vốn ở những doanh nghiệp lớn. Trong khi đó, công tác cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước thời gian qua được Chính phủ quan tâm, chỉ đạo, nhắc nhở liên tục. Nhiều chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ ra đời, cả chỉ đạo của Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ tại các cuộc họp cũng luôn yêu cầu các địa phương, bộ ngành phải đôn đốc các doanh nghiệp nhà nước khẩn trương, nghiêm túc thực hiện cổ phần hóa đúng tiến độ; có cơ chế xác định trách nhiệm cá nhân trong việc thực hiện sắp xếp, cổ phần hóa, thoái vốn nhà nước; xử nghiêm lãnh đạo doanh nghiệp nếu chậm cổ phần hóa, gây thất thoát vốn nhà nước hoặc quản lý doanh nghiệp nhà nước sản xuất kinh doanh thua lỗ; thậm chí phải bồi thường, chịu trách nhiệm trước pháp luật…

Thế nhưng, chưa nói đến chất lượng cổ phần hóa, chỉ nói đến số lượng thì năm 2017 nhiều địa phương không hoàn thành chỉ tiêu, rất nhiều doanh nghiệp không cổ phần hóa đúng tiến độ, nhưng vẫn chưa thấy đơn vị, cá nhân nào bị xử lý như chỉ đạo của Chính phủ. Ngay cả, việc xác định doanh nghiệp kinh doanh thua lỗ, chậm tiến độ cổ phần hóa cũng được “ém nhẹm”. Do vậy, nếu có chỉ đạo mà thiếu kiểm tra, giám sát, xử lý vi phạm thì các quy định, chỉ thị cũng chẳng có ý nghĩa, kỷ cương sẽ lỏng lẻo, người vi phạm không sợ, do… “thuốc” mất tác dụng!

Tin cùng chuyên mục