Những ngày qua báo chí thông tin, trước tình hình giá cả tăng cao, từ đầu tháng 6 đến nay, đã có 27 doanh nghiệp trên địa bàn quận Bình Tân nâng lương và tăng phụ cấp cho công nhân. Mức nâng thấp nhất là 200.000 đồng, cao nhất 500.000 đồng/người. Một số doanh nghiệp còn đưa các khoản phụ cấp trên vào thỏa ước lao động tập thể. Tuy nhiên, trước đó không lâu, tại cuộc họp về tình hình quan hệ lao động toàn TP, nhiều ý kiến cho rằng nếu các doanh nghiệp trên thực hiện các chính sách chăm lo cho người lao động sớm hơn thì quan hệ lao động giữa doanh nghiệp và công nhân sẽ tốt hơn.
Nhiều cán bộ công đoàn cơ sở rất tâm tư: Trên lý thuyết, ai cũng biết vai trò của công đoàn là đại diện cho người lao động thương lượng với ông chủ để thống nhất các nguyên tắc về lợi ích. Nhưng họ nói thì ai nghe? Tại rất nhiều doanh nghiệp, tiếng nói của công đoàn không phải lúc nào cũng có trọng lượng.
Một doanh nghiệp (DN) Pháp chăm lo rất tốt đến các chế độ phúc lợi cho người lao động, lương cơ bản cao gần gấp đôi mức lương tối thiểu Nhà nước quy định, chế độ bảo hiểm, phúc lợi cũng cực cao. Chủ tịch công đoàn công ty là người có trình độ chuyên môn, có uy tín trước ban giám đốc, có khả năng tập hợp công nhân (CN), có ngoại ngữ và đã làm việc tại công ty từ ngày mới thành lập.
Thế nhưng nhiều năm qua, dù ban chấp hành công đoàn tìm mọi cách đề xuất, thương lượng, dù DN bị Thanh tra Sở LĐTB-XH TPHCM xử phạt nhiều lần nhưng các đời giám đốc công ty đều kiên quyết không xây dựng thang bảng lương. Trong những trường hợp này, công đoàn và ông chủ ở vào thế bất bình đẳng. Thế nên mới có chuyện công đoàn nói vẫn không ai nghe, phải sử dụng điều kiện sau cùng buộc ông chủ ngồi vào bàn thương lượng.
Theo lý thuyết về kinh tế học, đình công nổ ra khi hai phía chủ - thợ không có hoặc không chấp nhận thông tin đầy đủ về nhau. Một khi hai bên có đủ thông tin về chi phí, lợi nhuận, tình trạng của DN, chiến lược phát triển, ý chí nguyện vọng của nhau… thì sẽ dễ đạt được các thỏa thuận thông qua thương lượng, không cần sử dụng đến “vũ khí” cuối cùng là đình công.
Quan hệ chủ - thợ là mối quan hệ song song: Vừa hợp tác để làm miếng bánh lợi nhuận to ra, lại vừa mặc cả để giành phần hơn từ miếng bánh ấy. Bất kể tỷ lệ phân chia miếng bánh thế nào, nếu sản xuất đình trệ vì đình công, lãn công, miếng bánh chung sẽ nhỏ lại; nếu sản xuất chấm dứt, không ai được gì, thợ mất việc, chủ phá sản.
Trở lại trường hợp các DN trên, nếu quá trình mặc cả, hay nói chính xác là thương lượng, xảy ra sớm hơn, thì cũng với số tiền chênh lệch ông chủ phải bỏ ra khi tăng phúc lợi cho CN, họ còn nhận được cả sự đồng tình, ủng hộ của người lao động. Quan hệ chủ - thợ không bị lâm vào thế “bước đường cùng”. Sản xuất không bị gián đoạn, uy tín của DN không bị sứt mẻ, sản phẩm làm ra đã nhiều hơn, an ninh trật tự xã hội cũng không vì thế mà bị ảnh hưởng.
Người làm kinh doanh luôn ý thức rõ giá trị của phương châm: “Đồng tiền đi trước là đồng tiền khôn”. Trong trường hợp này, bối cảnh này, khi đời sống người lao động thật sự gặp khó, đồng tiền đi trước cũng đồng nghĩa với cái tình, cái tâm và trách nhiệm xã hội của người làm kinh tế.
Bên cạnh các giải pháp về quản lý nhà nước, thực chất mang tính chất điều chỉnh và tác động nhiều hơn là giải quyết thì sự lắng nghe lẫn nhau, điều chỉnh để chấp nhận lẫn nhau giữa chủ và thợ, thông qua cầu nối tổ chức công đoàn mới là cách tháo gỡ hiệu quả nhất các gút mắc trong quan hệ lao động.
KHẮC MAI