Niềm vui ngày 20-11 năm nay của ngành giáo dục được nhân lên gấp bội, khi Trung ương Đảng đã ban hành Nghị quyết số 29-NQ/TƯ về đổi mới căn bản, toàn diện GD-ĐT. Để triển khai đề án đổi mới toàn diện nền giáo dục thành công, ngành giáo dục cần làm gì, nhất là trong việc thực hiện các mục tiêu đầu tư? Đó là nội dung trao đổi của PV Báo SGGP với ông Đào Trọng Thi (ảnh), Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội.
* Phóng viên: Trung ương đã thông qua Nghị quyết về đổi mới căn bản, toàn diện GD-ĐT. Vấn đề là bây giờ ngành giáo dục sẽ triển khai như thế nào để đạt được thành công, thưa ông?
* Ra được nghị quyết đã khó, nhưng triển khai nghị quyết còn khó hơn. Thường thì nếu chúng ta thất bại là thất bại ở chính khâu triển khai. Tôi được biết Bộ GD-ĐT cũng đã bắt đầu xây dựng kế hoạch triển khai đề án đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục. Một trong những bước đầu tiên mà ngành giáo dục đang làm là đổi mới chương trình - SGK giáo dục phổ thông. Cùng với đó là đổi mới các kỳ thi tốt nghiệp THPT và kỳ thi ĐH-CĐ. Hai cái này thì Bộ GD-ĐT đang triển khai tích cực và đúng hướng, vì lần này đề án cũng chỉ rất rõ hướng để thực hiện việc đổi mới 2 khâu này chứ không mập mờ như trước.
* Nhiều ý kiến cho rằng quan trọng nhất của lần đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục lần này là cơ chế tài chính. Vậy theo ông lần đổi mới này chúng ta đã giải quyết thỏa đáng điều này?
* Về cơ chế tài chính, lúc đầu trong đề án, Ban cán sự Đảng của Chính phủ thậm chí đề ra những chỉ tiêu, định mức rất cao, ví dụ như “tại các cơ sở giáo dục mầm non, giáo dục phổ thông, tỷ lệ chi cho lương và phụ cấp theo lương không quá 75% tổng kinh phí chi thường xuyên hàng năm. Mức chi (tất cả các nguồn) cho một sinh viên đại học/năm tiến tới tối thiểu bằng 1,2 lần thu nhập quốc dân bình quân đầu người/năm (hiện nay, mức chi bình quân cho một sinh viên ở Việt Nam mới chỉ đạt 0,5 lần thu nhập quốc dân bình quân đầu người/năm)”.
Chỉ tiêu đó là không thực tế, vì nếu có đặt ra và chúng ta có cố đến mấy vẫn không làm được. Trong khi đó, chúng ta cũng chưa kịp để tính toán ra một con số cụ thể khác hợp lý hơn. Bởi vậy mà bây giờ đề án chỉ chốt lại một câu là tiến tới bảo đảm đủ kinh phí cho hoạt động giáo dục. Như vậy là đề án cơ bản cũng chỉ đặt ra mục tiêu chung, còn không thể nói rõ hơn được. Tất nhiên, nếu chuẩn bị và nghiên cứu kỹ hơn thì có thể đề xuất một con số cụ thể, và khi đã có con số đó thì như một pháp lệnh, buộc tất cả các cơ quan của Nhà nước từ Quốc hội đến Chính phủ phải thực hiện. Ví dụ như 20% tổng ngân sách Nhà nước dành cho giáo dục chính là con số mà Nghị quyết Hội nghị TƯ 2 khóa 8 của Đảng đã ra và cứ thế thực hiện.
* Để nâng cao chất lượng giáo dục, chất lượng nhân lực thì phải đầu tư cả về thời gian, tiền bạc, nhưng tiền bạc ở đâu ra khi mà ngân sách dành cho giáo dục hiện nay là 20% GDP và không thể tăng thêm?
* Thực ra, tổng nguồn lực từ ngân sách Nhà nước thì chúng ta không thể tăng được, nhưng chúng ta có thể sử dụng hiệu quả hơn, đúng mục tiêu hơn bằng cách xác định các mục tiêu ưu tiên của chúng ta một cách đúng đắn hơn. Không bình quân, dàn trải nữa. Không nên đi theo hướng ưu tiên tất cả các bậc học nữa, mà nên đi vào ưu tiên một số cái như các bậc học phổ cập, các đối tượng, các vùng miền mà khó khăn cần được ưu tiên. Nếu chúng ta tập trung vào những khu vực đó thì có thể mức độ hỗ trợ với những vùng miền, đối tượng, ngành học cụ thể sẽ được tăng lên, đầu tư cho các bậc phổ cập sẽ được tăng lên. Nhưng chúng ta cũng đồng thời đẩy mạnh xã hội hóa với phần còn lại. Mặt khác, chúng ta cũng cần phải thay đổi quan niệm xã hội hóa của mình đi. Xã hội hóa không phải là cứ thích thu bao nhiêu là thu. Mà thu phải trên cơ sở bảo đảm lợi ích của người học. Tóm lại, anh thu cao hơn, huy động cao hơn từ người học thì anh phải bảo đảm chất lượng cao hơn cho người ta. Đó mới là điều quan trọng của xã hội hóa giáo dục.
* Ngân sách nhà nước cấp cho các trường học hiện nay được dùng để chi cho lương chiếm tới 80% - 90%. Vậy thì còn đâu tiền để đầu tư cho cơ sở vật chất, nghiệp vụ giáo dục thưa ông?
* Đúng thế. Nhưng chúng ta không thể không bảo đảm chi lương cho giáo viên được. Nếu chi không đủ có thể mất động lực khuyến khích giáo viên. Nhưng nếu chúng ta không còn tiền để đầu tư cho hoạt động giáo dục thì cũng làm sao nâng cao chất lượng giáo dục được. Bởi chất lượng giáo dục chính là ở chất lượng của hoạt động giáo dục, mà không đầu tư cho hoạt động đó thì khó bảo đảm chất lượng giáo dục. Vì vậy mà tôi mới nói, chúng ta chỉ có 2 con đường. Một là đầu tư không dàn trải, cần tập trung vào các mục tiêu ưu tiên. Hai là phải xã hội hóa đối với phần còn lại. Đối với giáo dục nói chung, tổng nguồn lực như thế, không thay đổi được thì phải sử dụng tiền cho hiệu quả, không thể rải suốt sự bao cấp một phần từ mầm non, tiểu học, trung học đến đại học. Cấp học nào cần phổ cập thì Nhà nước phải ưu tiên nhưng với giáo dục đại học, chuyên nghiệp, người học sẽ hưởng quyền lợi, đào tạo ra để có việc làm, sau đó người học phải đóng góp nhiều hơn.
PHAN THẢO