Tiên trách kỷ, hậu trách nhân

Hệ thống truyền hình K+ đã chính thức rút lui khỏi ban đàm phán bản quyền truyền hình giải ngoại hạng Anh (EPL) nhằm chống tình trạng độc quyền và bị ép giá trong quá trình đàm phán cho gói thầu 3 mùa bóng 2016 - 2019. Động thái của K+ cho thấy gần như chắc chắn đài này sẽ tự mua bản quyền như các đợt bỏ thầu trước, chủ yếu muốn độc quyền và đương nhiên là giá mua sẽ tăng hơn nhiều so với mức gần 40 triệu USD mà đơn vị đã sở hữu bản quyền là MP&Silva đã mua từ các nhà tổ chức EPL.

Một lần nữa, câu chuyện “đi đêm”, “bị ép giá” lại tái diễn, đẩy giá bản quyền EPL tăng lên chóng mặt. Chưa biết người tiêu dùng có thiệt hại hay không nhưng trước mắt, thị trường bản quyền lại bị lũng đoạn, sự mất cân đối giữa thu nhập người dân và chi phí phải trả cho từng trận đấu được phát sóng trên truyền hình ngày càng lớn hơn. Tuy nhiên, vấn đề ở đây không phải là giá mua cao hay thấp mà tại sao dù đã liên tục bị các đối tác nước ngoài ép giá ở 2 lần bỏ thầu gần nhất, nhưng các đài truyền hình Việt Nam vẫn luôn ở trong tình trạng “chưa đánh đã thua” khi không giữ được sự đoàn kết trong nội bộ.

Cần phải nhớ rằng, giá mua bản quyền truyền hình ở gói thầu gần nhất đã tăng đến 300 lần so với cách đây 10 năm. Điều này xuất phát từ nhu cầu độc quyền của một số đài đang kinh doanh truyền hình trả tiền. Nhu cầu này đã được các đối tác nước ngoài nhìn thấy và họ không ngại ngần “găm hàng, chờ giá”. Tiêu biểu như gói thầu gần nhất, tất cả các đài trong nước đều không mua, nhưng K+ lại có bản quyền nhờ phía cổ đông nước ngoài trong liên doanh này chuyển giao. Tóm lại, các “con ngáo ộp” kinh doanh bản quyền quốc tế biết chắc chắn giải EPL sẽ phải phát tại Việt Nam, việc của họ chỉ là chờ đợi ai trả giá cao nhất. Vậy nên, trước khi nói đến số tiền phải bỏ ra cho bản quyền, cần phải trách sự thiếu đoàn kết cũng như vai trò quản lý của Hiệp hội Truyền hình trả tiền (VNPay TV) và các cơ quan quản lý nhà nước.

Cũng là chuyện “tiên trách kỷ, hậu trách nhân”. Gần một năm trước, VNPay TV thành lập ban đàm phán bản quyền EPL với 10 thành viên (bao gồm cả K+) nhằm thống nhất quan điểm cũng như cử đại diện đi đàm phán với MP&Silva. Tuy nhiên, phía K+ cho biết, cho đến nay, ban đàm phán vẫn chưa hề có tiếng nói chung, quyền lợi của các thành viên không đồng nhất và tư cách pháp nhân cũng không rõ ràng. Hơn nữa, trước khi đưa ra quyết định rút lui, K+ đã nhiều lần gởi công văn đề nghị việc đàm phán cần được xúc tiến, nhưng từ tháng 11-2015 đến nay, ban đàm phán hầu như “bất động” làm ảnh hưởng đến sự chuẩn bị của các đài có nhu cầu về bản quyền.

Ngoài ra, năng lực đàm phán cũng có vấn đề. Sau khi thành lập, ban đàm phán đã thông báo đến BTC giải ngoại hạng Anh đề nghị các gói đấu thầu không được độc quyền và không cao hơn 20% giá trị so với đợt bỏ thầu gần nhất (2013 - 2016). Yêu cầu này hoàn toàn không hợp lý bởi chính BTC EPL mới là nơi chia nhỏ các gói thầu, trong đó luôn có những gói độc quyền nhằm tăng doanh thu. Hơn nữa, họ là đơn vị kinh doanh, không thể tự mình khống chế mức tăng giá. Như vậy, bằng thông báo đó chẳng khác nào ban đàm phán chấp nhận bỏ cuộc ngay từ lúc bắt đầu và đây cũng là lý do mà nơi sở hữu bản quyền là MP&Silva không có ý định gặp gỡ, bất chấp lời khuyến cáo của VNPay TV rằng, đến ngày 15-4 mà không gặp nhau thì giải ngoại hạng sẽ không được phát trên lãnh thổ Việt Nam.

Thực tế là đến nay MP&Silva chưa hề có bất kỳ động thái nào cho thấy họ muốn bán bản quyền cho VNPay TV, thậm chí họ còn cảnh báo chính các nhà đài Việt Nam đang “âm thầm” sang Thái Lan, Singapore để mua bản quyền theo hình thức thứ cấp. Rõ ràng, chính hoạt động kinh doanh truyền hình trả tiền, sự “hữu danh vô thực” của VNPay TV là nguyên nhân chủ yếu dẫn đến tình trạng bị phá giá.

VIỆT QUANG

Tin cùng chuyên mục