Tiếng hát thương hồ

Tiếng hát thương hồ

Mênh mang đờn ca tài tử

Thuở ấy, hàng hóa nông sản từ các tỉnh miền Tây về Sài Gòn chủ yếu bằng tàu thuyền, dập dìu ngược xuôi trên các dòng kênh Tẻ, Tàu Hủ, Bến Nghé… Đêm đêm neo ghe trên bến Sài Gòn, những người đi ghe chạnh lòng nhớ nhà, nhớ vợ con bèn cất lên tiếng hát. Lời ca thổn thức nỗi lòng nhưng cũng thu hút người nghe. Những người lao động tại những bến ghe, kể cả những người sống quanh đó, nghe riết rồi quen, rồi thích, rồi cũng biết hát vọng cổ từ lúc nào không hay…

Bạn thương hồ đờn ca tài tử. Ảnh: Châu Mậu

Bạn thương hồ đờn ca tài tử. Ảnh: Châu Mậu

1- Bến Bình Đông về đêm khá im ắng, những chiếc ghe thương hồ đậu dọc bến sông đã rút những chiếc đòn dài (tấm ván bắc từ ghe lên bờ để đi) chuẩn bị ngủ. Trên bờ sông những chậu hoa kiểng chưng bán cả ngày, giờ đã được gom gọn, có người cẩn thận trải chiếu nằm ngủ cạnh bên để giữ hàng cho an toàn. Tôi chạy xe máy chầm chậm qua lại mấy lần để tìm chiếc ghe của người quen cùng quê lên đây bán trái cây, nhưng tìm hoài không gặp, hỏi thăm mấy người nhưng không ai biết. Gọi điện thoại di động thì ngoài vùng phủ sóng.

Thấy một thanh niên đang bơm nước tưới cây, tôi dừng xe lại định hỏi thăm, nhưng anh vừa tưới cây vừa nghêu ngao hát bài vọng cổ say sưa nên tôi cứ ngập ngừng chưa lên tiếng. Vô tình như tôi đang lắng nghe anh hát. Phải công nhận, người thanh niên này có giọng ca quá khỏe, mùi mẫn, mới nghe qua tôi đã thấy thích thú. Khi anh hát dứt câu vọng cổ, tôi vụt vỗ tay theo kiểu rất tự nhiên, vỗ tay vì anh hát hay quá. Anh cũng chưng hửng và bất ngờ trước những cái vỗ tay của tôi, nhoẻn miệng cười vui, anh nói: “Ai ngờ, nãy giờ có người lắng nghe tui hát”. Qua câu hát vọng cổ mà tôi làm quen với người thanh niên. Anh tên Bảy Đông, quê ở Đồng Tháp, tới lui bán cây kiểng tại bến Bình Đông này hơn 4 năm rồi. Anh Bảy Đông tâm sự: “Trước kia tui nuôi vịt chạy đồng. Cơ khổ với mấy vụ dịch cúm gia cầm, bầy vịt đi đứt, tui cụt vốn, đành theo làm bạn ghe thương hồ xuôi ngược mấy năm nay”. Anh Bảy Đông giải thích thêm: “Bạn ghe là người làm công trên ghe. Từ việc khiêng vác, chèo chống, kể cả việc nấu nướng cũng làm ráo trọi”. Nhắc tới công việc quá đỗi nhọc nhằn, anh Bảy Đông chạnh lòng: “Thuở còn đi chăn vịt chạy đồng, tuy suốt ngày dầm mưa dãi nắng nhưng được cái là tự do, muốn ăn muốn nhậu lúc nào cũng được. Xế chiều lùa vịt về chuồng là mấy người cùng chăn vịt trên cánh đồng tụ tập bên chòi vịt, đàn ca tài tử miệt mài tới gà gáy còn chưa chịu đi ngủ. Vui lắm! Nhờ vậy tui bắt đầu tập hát vọng cổ từ đó. Bây giờ nhớ những buổi chiều trên bờ đê, bên chòi vịt, cùng nhau đờn ca tài tử, sao mà thèm được hát câu vọng cổ”.

2- Cuối cùng tôi cũng tìm được người quen đồng hương đang neo ghe bán trái cây tại bến Bình Đông. Út Bé, bạn tôi đang cùng với mấy người bạn quây quần trên mui ghe lai rai ba xị đế. Bạn bè lâu ngày gặp lại, Út Bé vui mừng khôn xiết, nắm tay tôi kéo lên mui ghe cùng nhập tiệc. Một điều làm tôi vô cùng bất ngờ đến thú vị, họ không chỉ nhậu đơn thuần với ly rượu, dĩa mồi để quên trời quên đất. Ly rượu chỉ là cái cớ, nhịp cầu để đưa họ thêm gần gũi với nhau bằng tình thân thiết, cái chất hào sảng, lãng tử của người dân miệt vườn. Họ vừa uống vừa đờn ca tài tử. Anh Bảy Lự, người đàn ghi ta phím lõm, giọng rề rà đượm chút men nồng: “Chúng tôi mỗi người mỗi quê, quen nhau rồi thân nhau nhờ neo ghe gần bên, đêm khuya thanh vắng, buồn tình mình mang đàn ra rao lên mấy khúc tơ lòng. Nào dè mấy anh bạn xóm ghe cũng là tay đờn ca tài tử miệt vườn có cỡ, bèn cùng nhau lên dây nắn phím tâm đắc như Bá Nha với Tử Kỳ. Khoái nhất là chúng tôi hòa tấu những bài bản tổ như Ngũ đối hạ, Lưu thủy trường, Phú lục, Đảo ngũ cung… rồi ba Nam sáu Bắc. Đây là những bài rất khó, không phải ai đờn cũng được. Mà hòa tấu ăn ý thì còn gì “đã” cho bằng. Lâu ngày trở nên thân thiết hợp thành một nhóm vì ai cũng mê đờn, thích hát. Hôm nay nhân Út Bé bán hết hàng, ngày mai lui ghe về quê, chúng tôi qua ghe Út Bé đờn ca cho vui. Chúc bạn thương hồ về thu hàng mau đầy ghe, trở lên bán tiếp”. Út Bé chậc lưỡi tiếc rẻ: “Bởi vậy, đâu dễ gì chúng tôi lại họp mặt đầy đủ như vầy. Người này lên, người nọ về, có khi mấy tháng mới gặp lại”.

3- Cuộc văn nghệ không hẹn mà càng lúc thêm sôi nổi. Tiếng đàn lời ca mênh mang trên sông nước, len vào lòng tôi cảm xúc bồi hồi xao xuyến. Chợt có tiếng rao trong trẻo vang lên giữa cơn gió đêm lành lạnh: “Ai hột vịt lộn hôn”! Út Bé vỗ vai tôi: “Em bán vịt lộn tên Tám Hương. Cũng một cây văn nghệ hết sẩy, để tui gọi em xuống chơi”. Tám Hương dựng chiếc xe đạp, mang nguyên xoong đựng hột vịt lộn bước lên ghe, nhanh nhảu mời khách: “Còn 20 chục trứng, các anh mua hết giùm em”. Tôi vội lên tiếng: “Phần đó để tôi mua”. Tám Hương tâm sự với tôi: “Em bán hột vịt lộn quanh các bến ghe này đã ngót 10 năm rồi. Hầu như ghe thương hồ nào em cũng quen, còn họ quen em là quen giọng rao, tiếng hát vọng cổ”. Sau khi uống cạn mấy ly rượu mời, Tám Hương liền vô câu vọng cổ mùi “đứt ruột”. Tôi không ngờ Tám Hương hát hay đến vậy: Trái khổ qua tuy đắng nhưng vẫn đượm thắm hương tình… Tiếng hát của Tám Hương đã dứt từ lâu nhưng tôi vẫn còn ngồi ngẩn ngơ quên vỗ tay. Thương làm sao giọng ca chân chất mà ngọt ngào, cái chất miệt vườn lưu luyến quá.

Trước lúc chia tay, Tám Hương bộc bạch: “Những chiếc ghe thương hồ này không chỉ chở cây trái miệt vườn lên Sài Gòn mà còn chở cả một tài sản quý giá của miền Tây sông nước lên tặng cho người thành phố, đó là đờn ca tài tử”. Cô lý giải thêm: “Như em hồi đó, đâu có biết hát vọng cổ, nhà gần bến ghe, tối tối em lên ghe ngồi hóng gió, nghe mấy anh thương hồ hát vọng cổ riết rồi ghiền. Rồi không hiểu em biết hát vọng cổ từ lúc nào”.

Tạm biệt bến ghe, tạm biệt những người bạn thương hồ tuy mới quen nhưng lại rất gần gũi, thân thương. Tôi ra về mà lòng vẫn còn vương vấn những lời ca tiếng hát. Câu vọng cổ như dấu ấn đậm đà mang hương vị quê nhà, sẽ theo mãi bên tôi.

NGUYỄN TƯỜNG LỘC – THƯ NAM

- Bài 2: Nghệ sĩ miệt vườn

Tin cùng chuyên mục