Tiếp bước

36 năm trước, hình ảnh của các chàng trai, cô gái thanh niên xung phong (TNXP) TPHCM vô tư, không so đo, chẳng tính toán thiệt hơn, chẳng băn khoăn trước ngã ba đường dù gian nan cực khổ; những thanh niên đầu đội nón tai bèo, mình trần, chân đất, đốn lồ ồ, đào kênh mà miệng vẫn tươi cười đã trở thành hình ảnh đẹp trong lòng người dân TP và cả nước. Chợt nghĩ đến lực lượng TNXP thời kỳ đổi mới, đã và sẽ làm được những gì để tiếp nối truyền thống hào hùng nhưng thật lãng mạn của lớp người đi trước?

Một chút so sánh cũng có thể là khập khiễng về nhiệm vụ người TNXP. Cách đây hơn 30 năm, họ mở đất, khai hoang phục hóa những cánh rừng chỉ lưa thưa vài bóng người ở miền Nam Tây Nguyên, biến nơi ấy thành vùng đất hồi sinh đến ngày hôm nay. Hàng ngàn thanh niên đã đến với vùng đất phèn biển mặn ở Cần Giờ, nhiệt tình lao động miệt mài để dựng lên những ngôi nhà kinh tế mới ở vùng Duyên hải. Dù trên rừng hay dưới biển, dù gian khó nhưng tinh thần xung phong của bất kỳ chàng trai cô gái thanh niên xung phong thập kỷ 80 của thế kỷ trước vẫn như hừng hực.

Trước đây, cũng ở rừng, ở biển, từ những năm 1980, TNXP được giao nhiệm vụ giáo dục con người mới, trong đó đa số là đối tượng cưỡng bức lao động vì hành nghề mại dâm hoặc lang thang, bụi đời, vô gia cư, mà trong đó hơn 90% là người nghiện ma túy. Tuy thời đó chẳng có điều kiện thuốc men thuận lợi, vậy mà vẫn cắt được những cơn nghiện ma túy của họ, cảm hóa họ bằng tấm lòng đồng đội để giúp họ vượt qua tự ti, mặc cảm. Đến khi chấm dứt thời hạn bắt buộc lao động, đã có nhiều người tự nguyện chọn vùng đất Đắc Nông, Cần Giờ làm quê hương thứ hai. Lúc ấy, chẳng thể phân biệt đâu là cán bộ, đâu là học viên vì tất cả đều cùng ra hiện trường lao động, cũng vác cuốc, cầm xẻng như nhau để cùng xây dựng đơn vị vượt qua những khó khăn. Đến nay những hộ gia đình đó vẫn tiếp tục bám trụ trên các vùng đất phèn, biển mặn.

Còn ngày nay, ở Đắc Nông, Lâm Đồng, Bình Dương… điện thắp sáng mọi nơi, giao thông thuận lợi, có sóng điện thoại di động để liên lạc. Ở các trường - trại cai nghiện đã được hiện đại hóa, điều trị cai nghiện đã có “giáo trình”, đời sống cán bộ TNXP đã được cải thiện rất nhiều…

Vậy TNXP ngày nay sẽ cống hiến như thế nào?

Có lẽ họ cũng vẫn sẽ làm được như lớp người đi trước, nếu như lòng nhiệt tình của họ vẫn được nung nấu như phương châm ngày nào: “TNXP sẵn sàng đi bất cứ nơi đâu khi Tổ quốc cần”. Nhất là khi giai đoạn hiện nay, vẫn còn đó những khó khăn và nhiều nỗi lo toan ở vùng sâu, vùng xa; vẫn còn đó những chiếc cầu cây thô sơ bắc ngang qua con rạch giúp học sinh đến trường... Ngay tại TP này, vẫn còn đó những tai nạn giao thông thảm khốc từ những hung thần đường phố đua xe hàng đêm, tình trạng ô nhiễm môi trường từ những dòng kênh đen…

Tất cả những điều đó chắc hẳn vẫn rất cần sự giúp đỡ bằng nhiệt huyết của sức trẻ TNXP sẵn sàng đến vùng sâu, vùng xa để dựng lên những cây cầu xi măng nghĩa tình; cần tinh thần xung kích tự nguyện của những chàng trai cô gái TNXP sẵn sàng tham gia giữ gìn trật tự an toàn giao thông để góp sức chống ùn tắc và giảm thiểu tai nạn giao thông trên địa bàn TP; vẫn cần ngọn lửa tuổi trẻ dù ngày hay đêm, tham gia vớt rác, vét bùn trên dòng kênh đen. 

TNXP ngày nay có lẽ cũng vẫn làm được điều ấy? Chắc hẳn là có, bởi đó chính là sức sống của TNXP, sức sống của một trường “đại học TNXP” tạo nên ngọn lửa nhiệt tình trong lòng tuổi trẻ ở bất kỳ giai đoạn nào. Có thể khẳng định, ở bất cứ thời điểm nào, tuổi trẻ TPHCM vẫn sẵn sàng xung phong, tiếp bước…

Đoàn Ngọc Hùng

Tin cùng chuyên mục