Có 11 cá nhân tiêu biểu được xét trao giải năm nay với những công trình, sáng kiến mang lại giá trị cao trên nhiều lĩnh vực. Những công trình, sáng kiến ấy không chỉ đem đến giá trị kinh tế nhiều tỷ đồng mỗi năm, qua việc tiết kiệm nhiên liệu, tăng năng suất, giảm sức lao động, rút ngắn thời gian làm việc…, mà còn tham gia giải quyết được nhiều vấn đề đang đặt ra tại đơn vị, trong cộng đồng như: an toàn lao động, an toàn sử dụng điện, cải thiện môi trường của TP…
Trong số đó, có thể kể đến sáng kiến của anh Hứa Minh Tuấn (Phó xưởng Chi nhánh Môi trường đô thị Sài Gòn thuộc Công ty TNHH MTV Môi trường đô thị TPHCM). Người dân TP hẵng còn nhớ, giữa năm 2016 đã xảy ra tình trạng cá chết hàng loạt với số lượng cả trăm tấn trên kênh Nhiêu Lộc. Trong khi đó, với thiết bị vớt rác thủ công như trước đây thì phải mất rất nhiều ngày mới có thể giải quyết được. Nhưng với thiết bị vớt rác đường sông do anh Hứa Minh Tuấn cùng đồng nghiệp sáng kiến cải tiến kỹ thuật, đã giải quyết tình trạng trên chỉ trong 2 ngày 2 đêm. Hay như lo lắng trước tình trạng tiềm ẩn nguy cơ té ngã mà anh em công nhân phải đối mặt mỗi ngày trong quá trình sản xuất, chế biến thực phẩm, vệ sinh máy xay thịt (do nước và paste thịt dưới dạng hồ nhão chảy lan dưới nền nhà), anh Dương Văn Nhân, công tác tại tổ chế biến lạp xưởng của Xưởng chế biến thực phẩm - Công ty CP Việt Nam Kỹ nghệ súc sản, đã trăn trở, tính toán… Sau nhiều lần kiên trì thử nghiệm, anh cùng các cộng sự đã sáng chế thành công thiết bị lọc nước và giữ lại paste thịt không chỉ khắc phục được tình trạng mất an toàn trong lao động mà còn tiết kiệm được nhiều khoản chi phí sản xuất khác…
Cũng trong số những người vinh dự nhận giải thưởng Tôn Đức Thắng hôm nay, không ít người xuất phát điểm chỉ là những công nhân trực tiếp, nhưng họ đã không ngừng rèn luyện, học tập trao dồi, dung nạp kiến thức nên đã vượt lên chính mình và khẳng định được mình. Người công nhân, người thợ, người kỹ sư trực tiếp lao động sản xuất của thời cách mạng công nghiệp 4.0, không chỉ biết học tập kinh nghiệm của những người đi trước, phát huy trí tuệ của tập thể mà họ còn biết tìm tòi, tham khảo, học hỏi kỹ thuật tiên tiến của thế giới để vận dụng cải tiến kỹ thuật máy móc ở đơn vị mình, thay vì gặp khó khăn thì bế tắc, đầu hàng, thua cuộc… Những người thợ, người công nhân, kỹ sư này còn là tấm gương về lối sống giản dị, khiêm tốn, sống có trách nhiệm. Họ sẵn sàng truyền đạt kinh nghiệm, kỹ thuật, lan tỏa ngọn lửa đam mê sáng tạo cho các lớp người sau.
Giải thưởng Tôn Đức Thắng đã bước qua năm thứ 18. Nếu tính luôn lần trao giải thứ 18 này thì giải thưởng có uy tín cấp TP đã tôn vinh tất cả 191 cá nhân có nhiều công trình, sáng kiến có giá trị. Trong số những người thợ, công nhân, kỹ sư được tôn vinh ấy, có rất nhiều người không ngừng rèn luyện, học tập, trưởng thành và trở thành những người lãnh đạo của đơn vị. Họ đã theo bước chân của người thợ cả Tôn Đức Thắng năm xưa thắp lên ngọn đam mê sáng tạo, góp phần thúc đẩy phong trào thi đua lao động giỏi, lao động sáng tạo của TPHCM mỗi ngày một phát triển.
TPHCM là nơi khởi đầu cho mọi sáng kiến, đột phá mạnh mẽ. Những sáng kiến, đột phá ấy được bắt đầu từ những cá nhân, tập thể - những con người không bằng lòng với các hạn chế thực tại, luôn sáng tạo, đột phá để có được hiệu quả lớn hơn. 191 cá nhân được vinh danh qua các mùa giải Tôn Đức Thắng với hàng trăm sáng kiến có giá trị suốt 18 năm qua, là những con người như thế!
Hiểu được giá trị, sức mạnh của sự sáng tạo, là nguồn lực to lớn, là đặc tính người dân của một TPHCM năng động. Bí thư Thành ủy TPHCM Nguyễn Thiện Nhân đang kêu gọi các cấp, các ngành, tầng lớp nhân dân phát huy truyền thống năng động, sáng tạo để thúc đẩy TP phát triển trong giai đoạn tới. Nếu như lời kêu gọi này được nhận thức sâu sắc để biến thành những hành động cụ thể, chắc chắn kết quả của sự sáng tạo sẽ đưa TP tiến xa, tiến nhanh và bền vững hơn nữa. Và đặc biệt, đối với những người thợ, những người công nhân, kỹ sư trực tiếp sản xuất… nếu được tiếp lửa đam mê bằng cách thổi bùng hơn nữa các phong trào lao động giỏi, lao động sáng tạo và đặc biệt là các cơ chế, chính sách khuyến khích người lao động sáng tạo được quan tâm tháo gỡ, thì chắc chắn các cá nhân được vinh danh tại giải thưởng Tôn Đức Thắng sẽ tăng lên qua từng năm, tương ứng với lượng công trình, sáng kiến có giá trị cũng được nhân lên, hiệu quả mang lại cho xã hội cũng sẽ rất lớn.