Tiếp lửa truyền thống Bác Tôn

Chiếc đò máy thênh thênh rẽ nước, chở những công nhân (CN) tiêu biểu của TPHCM đã từng nhận giải thưởng Tôn Đức Thắng về thăm quê hương Mỹ Hòa Hưng, Long Xuyên, An Giang của người thợ cách mạng năm xưa. Cù lao Ông Hổ dần hiện ra xanh ngắt giữa mênh mông sông nước, như mạch nguồn tiếp thêm sức mạnh cho những tấm gương sáng hôm nay…
Tiếp lửa truyền thống Bác Tôn

Chiếc đò máy thênh thênh rẽ nước, chở những công nhân (CN) tiêu biểu của TPHCM đã từng nhận giải thưởng Tôn Đức Thắng về thăm quê hương Mỹ Hòa Hưng, Long Xuyên, An Giang của người thợ cách mạng năm xưa. Cù lao Ông Hổ dần hiện ra xanh ngắt giữa mênh mông sông nước, như mạch nguồn tiếp thêm sức mạnh cho những tấm gương sáng hôm nay…

  • Gương sáng người thợ cả

Trong số gần 60 cá nhân tham gia hành trình về nguồn, rất nhiều người chưa từng đặt chân đến Cù lao Ông Hổ. Bước vào nhà truyền thống, được tận mắt xem những tấm hình trắng đen ố vàng theo năm tháng, tái hiện lại phong trào cách mạng, phong trào CN, thời gian Bác Tôn bị lưu đày nơi Côn Đảo, mọi người bồi hồi xúc động.

Những công nhân tiêu biểu của TPHCM thăm nhà truyền thống Bác Tôn tại Cù lao Ông Hổ

Những công nhân tiêu biểu của TPHCM thăm nhà truyền thống Bác Tôn tại Cù lao Ông Hổ

Nhìn chiếc xe đạp cũ, lốp xe vá chằng vá đụp - phương tiện di chuyển của Bác Tôn lúc sinh thời - ai cũng ngạc nhiên và thấm thía bài học về sự giản dị. Những câu chuyện về tấm gương đạo đức của Bác Tôn bỗng chốc được nhắc lại, gần gũi, ân cần. Tiếng cô hướng dẫn viên nhẹ nhàng: “Chủ tịch ăn mặc rất giản dị. Có lần, các đồng chí miền Nam đến thăm, thấy chủ tịch mặc chiếc áo ấm cũ có nối thêm một đoạn cho khỏi ngắn, đã cảm động hỏi: Bác ơi, làm Chủ tịch nước, sao Bác mặc áo nối thế này? Bác Tôn vui vẻ trả lời: “Chủ tịch mặc áo nối thì dân mới có đủ cơm ăn”.

Được tặng giải thưởng Lênin Vì hòa bình và hữu nghị giữa các dân tộc và kèm theo 10 vạn rúp, chủ tịch đã ủng hộ số tiền này cho phong trào bảo vệ thiếu nhi thủ đô. Số tiền 1 vạn rúp các bạn Liên Xô đưa để mua quà tặng, chủ tịch cũng chỉ dùng một phần nhỏ để mua một chiếc cối xay hạt tiêu tặng người vợ thân yêu, còn lại đem gửi trả bạn…”.

Ông Nguyễn Văn Đơ, CN Công ty cổ phần Bảo vệ thực vật Sài Gòn, cá nhân nhận giải thưởng Tôn Đức Thắng lần thứ 6, xúc động nói: “Được thấy những hình ảnh, được nghe những câu chuyện như vậy, tôi càng cảm phục Bác Tôn. Tôi học được ở Bác tinh thần lao động không mệt mỏi, đức tính giản dị và lòng yêu thương con người. Kỳ này về nhà, chắc chắn tôi sẽ kể lại những chuyện mình nghe được cho mấy đứa cháu”. Còn anh Phan Huy Cường, Phó phòng dịch vụ Xí nghiệp Công nghệ và Dịch vụ ô tô Isamco, tâm sự: “Sinh ra giữa thời nước mất nhà tan, lớn lên tại cù lao, xung quanh là bốn bề sông nước, tách biệt với cuộc sống bên ngoài như vậy mà Bác Tôn đã làm được rất nhiều điều cho đất nước, cho dân tộc khi tuổi đời còn rất trẻ. Nghĩ lại, chúng tôi hôm nay được sống giữa TP hòa bình, năng động nhất cả nước, điều kiện làm việc tốt hơn rất nhiều. Tôi cảm thấy những gì mình làm được vẫn còn quá nhỏ bé, cảm thấy càng phải cố gắng thêm nhiều…”.

  • Tự hào tiếp bước

Đánh giá về 105 cá nhân được nhận giải thưởng Tôn Đức Thắng trong 10 năm qua, Phó Chủ tịch Thường trực LĐLĐ TPHCM Trần Thanh Hải nhận xét: “Các anh chị đoạt giải thưởng đều trưởng thành trong lao động, luôn là hình ảnh tiêu biểu, là tấm gương sáng trong đơn vị. Sự phấn đấu bền bỉ của các anh chị CN trong thời gian qua là một minh chứng cho sự tiếp bước truyền thống của giai cấp CN Việt Nam, tiếp bước người thợ cả Tôn Đức Thắng”.

Các đơn vị doanh nghiệp và CN đoạt giải thưởng Tôn Đức Thắng đã đóng góp 46,5 triệu đồng cho Quỹ khuyến học xã Mỹ Hòa Hưng, TP Long Xuyên, tỉnh An Giang với mong muốn các học sinh nghèo trong xã có thêm điều kiện học tập.

Năm 2002, khi đang là Phó phòng Kỹ thuật kiêm Quản đốc phân xưởng bao bì nhựa Nhà máy đay Indira Gandhi, anh Trần Tiến Đức nhận giải thưởng Tôn Đức Thắng lần 2. Với anh, đây là niềm vinh dự và cũng là sự cổ vũ lớn lao để anh tiếp tục sáng tạo.

Những năm qua, anh và các đồng nghiệp đã kịp tạo thêm nhiều sáng kiến đem lại hiệu quả kinh tế cho nhà máy. Trong đó, đáng chú ý nhất là anh đã nghiên cứu, chế tạo thành công máy cuồn vải đay (khổ 10, 15, 20, 30, 40, 60cm), máy se, máy cuốn dây thừng, giúp nhà máy làm ra những sản phẩm đảm bảo kích cỡ, tiêu chuẩn khắt khe mà đối tác nước ngoài yêu cầu.

Giải thưởng Tôn Đức Thắng cũng là cột mốc làm biến chuyển định hướng công việc của anh Trần Tiến Đức. Từ tấm gương của Bác Tôn - vừa là người thợ vừa là người thầy vẹn toàn - anh nhận thấy nếu có thể truyền tải đến lớp trẻ những hiểu biết, kinh nghiệm mà mình đã đúc kết được từ thực tiễn, hiệu quả sẽ lan rộng hơn. Vậy nên từ giữa tháng 11-2007, anh chuyển hẳn sang giảng dạy thợ trẻ.

Sau hơn 3 năm cộng tác với Trường Cao đẳng nghề TPHCM, Trường Kỹ thuật nghiệp vụ Tôn Đức Thắng, Trường Đào tạo nghiệp vụ và kỹ thuật MTC, Công ty cổ phần Đào tạo và Tư vấn nhân lực PMC, 80 doanh nghiệp trong và ngoài TPHCM, anh đã truyền đạt kiến thức cho gần 1.300 sinh viên, CN, kỹ thuật viên, tổ trưởng, quản đốc.

“105 cá nhân đạt giải thưởng là những người có trình độ và thực tiễn trong lao động sản xuất. Do vậy, đây sẽ là nguồn giáo viên đào tạo nghề rất có hiệu quả nếu họ được trang bị nghiệp vụ sư phạm một cách đầy đủ. Lãnh đạo các cấp cần xem xét hỗ trợ tạo điều kiện để những cá nhân này không những đóng góp đào tạo nguồn nhân lực tại đơn vị mà còn tham gia đào tạo bên ngoài đơn vị, qua đó góp phần đào tạo nguồn nhân lực kỹ thuật cho đất nước”, anh Đức tâm sự.

Sau khi đoạt giải thưởng Tôn Đức Thắng vào năm 2010, niềm say mê nghiên cứu càng thôi thúc anh Nguyễn Văn Đắng, Trưởng phòng Kỹ thuật Công ty cổ phần Cấp nước Phú Hòa Tân thuộc Tổng Công ty Cấp nước Sài Gòn bước tiếp trên con đường sáng tạo. Anh tiếp tục nghiên cứu ứng dụng, sử dụng hệ thống hiện đại hóa nghiệp vụ các ngành quản lý công trình ngầm như điện, nước, điện thoại, viễn thông, giao thông, cây xanh… mang lại hiệu quả lớn cho xã hội. Tràn đầy cảm xúc tự hào, xúc động khi lần đầu được về thăm quê hương Chủ tịch Tôn Đức Thắng, anh Đắng tâm sự: “Tôi nguyện luôn làm việc hết mình, cống hiến thật nhiều cho xã hội để xứng đáng là lớp hậu duệ của Bác Tôn”.

A. CHÂN - K.MAI

Tin cùng chuyên mục