Tiếp nối bài ca tuổi trẻ

Một khi “mặt trời chân lý chói qua tim”, tuổi trẻ Việt Nam vươn lên thành sức mạnh thần kỳ. Trong hàng ngàn ca khúc cổ vũ tinh thần, chắp thêm đôi cánh để tuổi trẻ bay cao bay xa, cống hiến cho quê hương, đất nước đã có những tác phẩm vượt thới gian trở thành nét son chói lọi bất tử.

Năm 1930, khi Đảng ra đời cũng là lúc xuất hiện bài “tân nhạc” đầu tiên Cùng nhau đi Hồng binh của tác giả Đinh Nhu, một chiến sĩ cách mạng tham gia Việt Nam Thanh niên Cách mạng Đồng chí hội, bị Pháp bắt giam ở Hỏa Lò (Hà Nội) và kết án chung thân đày đi Côn Đảo. Trong cảnh tù đày lao khổ, các chiến sĩ cách mạng vẫn lạc quan hát vang: “Cùng nhau đi Hồng binh/Đồng tâm ta đều bước/Đừng cho quân thù thoát/Ta quyết chí hy sinh…”.

Trước Cách mạng Tháng Tám, từ 1940 đến 1944, nhạc sĩ Lưu Hữu Phước đã sáng tác hàng chục ca khúc nổi tiếng cổ vũ tinh thần yêu nước quật cường của dân tộc, kêu gọi quần chúng đứng lên chống áp bức bạo tàn, điển hình là bài Tiếng gọi thanh niên viết năm 1941. Năm 1944, ông sáng tác bài Lên đàng (Huỳnh Văn Tiểng cùng viết ca từ): “Nào anh em ta cùng nhau xông pha lên đàng kiếm nguồn tươi sáng/Ta nguyền đồng lòng điểm tô non sông từ nay ra sức anh tài…”, đã thực sự góp phần động viên hàng vạn, hàng triệu thanh niên, học sinh, sinh viên cả nước tham gia cao trào cách mạng, tiến tới tổng khởi nghĩa.

Thời chống Pháp, một buổi tối tháng 3-1951, Bác Hồ tới thăm một đơn vị thanh niên xung phong đang sửa chữa một đoạn đường ở Bắc Cạn thường xuyên bị máy bay địch bắn phá. Người đã tặng cho đội bốn câu thơ: “Không có việc gì khó/Chỉ sợ lòng không bền/Đào núi và lấp biển/Quyết chí cũng làm nên”. Đây cũng là lời dạy chí tình và sâu sắc của Bác đối với thanh niên. Năm 1953, với cảm xúc dâng trào, chàng trai 23 tuổi Hoàng Hòa đang tham gia kháng chiến ở Thái Bình, đã sáng tác bài Làm theo lời Bác, sau này được đổi thành Thanh niên làm theo lời Bác, trong đó bốn câu thơ của Bác đã đi vào ca từ của điệp khúc. Đại hội Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh lần thứ 6 (tháng 10-1992) đã quyết định chọn Thanh niên làm theo lời Bác làm bài ca chính thức của Đoàn.

Trong hai cuộc kháng chiến thần kỳ của dân tộc cũng đã có hàng loạt ca khúc của các nhạc sĩ động viên tinh thần tuổi trẻ lên đường đánh đuổi quân xâm lược. Có thể kể đến các bài như: Hành quân xa (Đỗ Nhuận), Giải phóng quân (Phan Huỳnh Điểu), Lá xanh (Hoàng Việt), Anh vẫn hành quân (Huy Du - Trần Hữu Thung), Năm anh em trên một chiếc xe tăng (Doãn Nho - Hữu Thỉnh), Bước chân trên dải Trường Sơn (Vũ Trọng Hối - Đăng Thục)… Thời chống Mỹ, ở các đô thị miền Nam đã vang lên những giai điệu yêu nước hào hùng của tuổi trẻ như Hát cho dân tôi nghe (Tôn Thất Lập), Tự nguyện (Trương Quốc Khánh)…

Đất nước thống nhất, giai điệu vui tươi, trẻ trung, trong sáng lại vang lên sôi nổi cổ vũ thanh niên đem hết nhiệt tình lao động sáng tạo, xây dựng đất nước giàu mạnh, bảo vệ vững chắc Tổ quốc, mặt khác không quên chống lại những âm thanh lạc lõng, hạ thấp phẩm giá, hủy hoại tinh thần tuổi trẻ.

Quần chúng ghi nhận những cống hiến đáng quý của các nhạc sĩ Hoàng Hiệp, Xuân Hồng, Phan Nhân, Phạm Minh Tuấn, Trần Tiến, Phó Đức Phương, An Thuyên, Lư Nhất Vũ, Trần Long Ẩn… đã có những bài ca hùng tráng dành cho tuổi trẻ trong thời kỳ đổi mới lao động xây dựng quê hương. Noi gương thế hệ đi trước, ngày nay các nhạc sĩ trẻ càng cần bám sát thực tế cuộc sống, tận tâm tận lực đầu tư để cho ra những tác phẩm âm nhạc hun đúc tinh thần và ý chí thanh niên, cổ cũ, động viên tuổi trẻ ra sức thi đua lao động xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. 

Nhạc sĩ TRƯƠNG QUANG LỤC

Tin cùng chuyên mục