(SGGP).- Việc trao quyền khởi kiện doanh nghiệp nợ Bảo hiểm xã hội (BHXH) cho tổ chức Công đoàn (CĐ) đang khiến tổ chức này, nhất là CĐ cơ sở lúng túng, nhiều nơi còn chưa biết nên vào cuộc như thế nào. Để tổ chức CĐ chính thức đứng ra khởi kiện doanh nghiệp (DN) nợ BHXH cần có quy trình chặt chẽ và cần được tiếp sức mới triển khai được - Đó là ý kiến đề xuất của lãnh đạo LĐLĐ TPHCM và các cơ quan có liên quan trong buổi làm việc chiều 15-9 của LĐLĐ TP với đoàn công tác của Thành ủy do Phó Bí thư Thành ủy TPHCM Võ Thị Dung dẫn đầu.
Bà Trần Thị Kim Yến, Chủ tịch LĐLĐ TP cho biết tình trạng DN vi phạm pháp luật lao động, nợ lương, nợ BHXH… chậm được phát hiện hoặc chưa được chủ động kiến nghị xử lý nên tranh chấp lao động tập thể vẫn còn xảy ra. Đáng nói, theo bà Yến, hiện nay vẫn còn tình trạng DN hoạt động gặp khó khăn, chủ DN bỏ trốn không giải quyết các chế độ cho người lao động, việc xử lý tài sản của DN có chủ bỏ trốn gặp nhiều khó khăn. Cụ thể như việc xác định đối tượng “chủ bỏ trốn”, việc xác định thẩm quyền của cơ quan hay tổ chức thực hiện niêm phong, quản lý tài sản của DN bỏ trốn, quy trình xử lý tài sản khi DN có chủ bỏ trốn còn phức tạp…
Bà Yến đề xuất Thành ủy TPHCM chỉ đạo Ban Cán sự Đảng UBND TP kiến nghị với Chính phủ can thiệp, có quy định xử lý nhanh các trường hợp DN bỏ trốn; đảm bảo quyền và lợi ích của người lao động khi DN bỏ trốn còn nợ lương người lao động. Đồng thời chỉ đạo cơ quan BHXH có giải pháp hỗ trợ cấp thẻ bảo hiểm y tế (BHYT) cho những công nhân lao động đã tham gia đóng BHXH mà vì lý do DN nợ BHXH nên họ chưa được cấp thẻ và không được hưởng chế độ BHYT khi khám chữa bệnh.
Đề cập đến việc nợ BHXH, đại diện BHXH TP, cho biết, trước đây, mỗi năm cơ quan này khởi kiện trên 2.000 DN nợ BHXH. Qua 8 tháng đầu năm 2016, số nợ BHXH có phát sinh, so với cùng kỳ tăng 12%. Cơ quan này đã thực hiện nhiều giải pháp rồi nhưng vẫn thấy khó khi xử lý.
Theo đó, từ 1-1-2016, một trong những điểm mới đáng chú ý là quy định trao quyền khởi kiện DN nợ BHXH cho tổ chức CĐ. Tòa án sẽ không thụ lý đơn khởi kiện của cơ quan BHXH đòi tiền nợ BHXH, BHYT, Bảo hiểm thất nghiệp của người lao động vì việc khởi kiện do tổ chức CĐ cơ sở thực hiện. Do đó, công tác khởi kiện bị trì hoãn. Đây là một thách thức, khó khăn không nhỏ đối với ngành BHXH, đòi hỏi phải có sự phối hợp chặt chẽ, tăng cường trao đổi, đối thoại giữa các ngành trong việc giải quyết các vướng mắc liên quan đến nợ BHXH… Theo đại diện BHXH TP, cơ quan BHXH kiện DN nợ BHXH chỉ cần dựa vào số nợ, thời gian nợ; trong khi đó tổ chức CĐ kiện DN nợ BHXH cần phải được người lao động ủy quyền. Nếu người lao động không biết về tình trạng nợ BHXH của DN, không ủy quyền, CĐ cấp trên không nắm rõ về tình hình nợ BHXH của DN sẽ dẫn đến tình trạng các DN nợ BHXH với số tiền lớn nhưng không ai đứng ra khởi kiện, gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến quyền lợi của người lao động. Do đó, cơ quan BHXH phải xác định các danh sách nợ để chuyển cho tổ chức CĐ.
Cũng theo các đơn vị, để đảm nhiệm vai trò này, CĐ gặp không ít khó khăn về nguồn lực con người, kinh phí, nguồn thông tin, các thủ tục... để theo đuổi vụ kiện trong thời gian dài. Chủ tịch CĐ cơ sở lại đa phần là người làm công ăn lương, kiêm nhiệm công tác nên để người làm công kiện chủ DN nợ BHXH thì quả thật rất khó. Theo đại diện các đơn vị, để tổ chức CĐ chính thức đứng ra khởi kiện đơn vị nợ BHXH còn cần có quy trình chặt chẽ mới triển khai được.
Hồng Hiệp