Chưa có con số chính xác nhưng theo nhiều chuyên gia trong ngành vận tải, vận tải đường sắt gần như đã “đứng lại” từ hàng chục năm qua so với nhiều loại hình vận tải khác. Trong vòng 5 năm trở lại đây, ngành hàng không đã tiến hành xã hội hóa và kết quả là nhiều hãng hàng không mới, giá rẻ ra đời. Ngành hàng không cũng tranh thủ nhiều nguồn vốn để đầu tư xây dựng nhiều sân bay mới và nâng cấp, mở rộng các sân bay cũ… Đường bộ cũng phát triển không ngừng với hơn 400km đường cao tốc đã được xây dựng cùng với hàng ngàn km đường quốc lộ được cải tạo. Nhiều cầu đường bộ được xây mới. Hàng chục ngàn phương tiện vận tải bằng ô tô đã được rất nhiều thành phần kinh tế đầu tư…
Trong khi đó, ngành đường sắt vẫn loay hoay trong bao cấp và vừa mới thành lập một số doanh nghiệp tự chủ về tài chính cách đây chưa lâu. Sự trì trệ này có nguyên nhân của chính ngành đường sắt, song cũng là hậu quả của một phương thức quản lý. Tổng Công ty đường sắt một thời… không thuộc Bộ GTVT. Sự “trở về” với Bộ GTVT của ngành đường sắt mới chục năm gần đây…
Kết quả của tất cả những bất cập này là một ngành đường sắt tụt hậu rất xa so với nhiều ngành vận tải khác. Đổi mới là yêu cầu tất yếu của ngành đường sắt trong bối cảnh này. Thế nhưng, với “điểm” xuất phát như hiện nay, để đổi mới toàn diện là điều không dễ dàng đối với ngành. Không ít chuyên gia trong ngành đã cho rằng, để ngành đường sắt đổi mới, đặc biệt trong việc phát triển hệ thống hạ tầng đường sắt, rất cần sự hỗ trợ, tiếp sức đặc biệt của Bộ GTVT và các bộ ngành liên quan.
Theo ông Hà Ngọc Trường, đa phần các nhà đầu tư khi đầu tư vào lĩnh vực nào đều kỳ vọng sẽ mau hoàn vốn và thu lời. Tâm lý này không có gì sai nhưng “ứng” trong bối cảnh ngành đường sắt hiện nay là không thể. Do vậy, chỉ kỳ vọng các nhà đầu tư quan tâm đến việc đấu thầu khai thác các toa xe và một số dịch vụ khác như cung cấp suất ăn, vệ sinh… Phần hạ tầng đường sắt, trước mắt, các cơ quan Nhà nước phải “đứng ra” tìm kiếm nguồn vốn hoặc thậm chí phải bỏ ngân sách đầu tư. Chính phủ đã phê duyệt quy hoạch phát triển ngành đường sắt Việt Nam theo hướng hiện đại đến năm 2020 tầm nhìn đến năm 2025. Đây chính là cơ sở pháp lý cơ bản để Bộ GTVT triển khai các công tác tiếp theo.
Vận tải đường sắt với ưu điểm: sức chở lớn, đi xa, an toàn, tiết kiệm, đã và đang là phương thức vận tải được nhiều quốc gia phát triển. Chưa kể, đường sắt trải dài theo chiều dài đất nước… sẽ là phương tiện vận tải hỗ trợ cho ngành du lịch hoạt động hữu hiệu. Do vậy, đầu tư cho ngành đường sắt sẽ là chọn lựa khôn ngoan trong quy hoạch giao thông của bất cứ quốc gia nào và Việt Nam không thể là ngoại lệ.
An Nhiên