(SGGP).- Ngày 28-11, Tiểu ban Văn kiện Đại hội lần thứ XII của Đảng đã họp tiếp thu ý kiến đóng góp của đại hội đảng bộ các cấp, các đại biểu Quốc hội, Mặt trận Tổ quốc, các đoàn thể nhân dân, các cán bộ, đảng viên và nhân dân vào dự thảo các văn kiện trình Đại hội lần thứ XII của Đảng. Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, Trưởng Tiểu ban Văn kiện, chủ trì cuộc họp.
Tính đến ngày 6-11-2015, đã có 68 đảng bộ trực thuộc Trung ương gửi báo cáo tổng hợp ý kiến của đại hội cấp cơ sở, cấp huyện, của các tổ chức, cá nhân và ý kiến thảo luận ở đại hội đảng bộ góp ý vào dự thảo các văn kiện trình Đại hội XII. Từ ngày 15-9 đến ngày 31-10-2015, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các đoàn thể nhân dân, tổ chức xã hội, các cấp, các ngành đã chủ động tổ chức nhiều cuộc hội thảo, thảo luận và gửi về Trung ương hàng trăm bản tổng hợp ý kiến góp ý; đông đảo cán bộ, đảng viên, các tầng lớp nhân dân và kiều bào ta ở nước ngoài cũng đã nhiệt tình góp ý kiến và gửi thư, tài liệu cho các cơ quan và các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước. Tại kỳ họp thứ 10, Quốc hội khóa XIII, các đại biểu Quốc hội thảo luận góp ý kiến vào dự thảo các văn kiện Đại hội.
Bộ Chính trị đã giao Văn phòng Trung ương Đảng tổng hợp các ý kiến của đại hội đảng bộ các tỉnh, thành phố và các đảng bộ trực thuộc Trung ương; Đảng đoàn Quốc hội tổng hợp ý kiến của các đại biểu Quốc hội; Ban Dân vận Trung ương tổng hợp ý kiến của Mặt trận Tổ quốc, các đoàn thể nhân dân; Ban Tuyên giáo Trung ương tổng hợp ý kiến của cán bộ, đảng viên và nhân dân trên báo chí và thư, kiến nghị gửi trực tiếp đến Trung ương, với tổng số 1.547 trang. Hầu hết các ý kiến đều rất tâm huyết, thẳng thắn, thể hiện tinh thần trách nhiệm cao với Đảng, với dân tộc; hoan nghênh việc Trung ương cho công bố sớm dự thảo các văn kiện để lấy ý kiến nhân dân. Đây thực sự là đợt sinh hoạt chính trị sâu rộng, thể hiện tinh thần dân chủ ngày càng cao trong Đảng, trong nhân dân và xã hội; phát huy được tâm huyết, trí tuệ của toàn Đảng, toàn dân, toàn quân tham gia vào quá trình hoạch định đường lối, chủ trương và chính sách lớn cho sự phát triển của đất nước trong giai đoạn tới.
Hầu hết các ý kiến thống nhất đánh giá: dự thảo các văn kiện được chuẩn bị công phu, nghiêm túc, khoa học, đổi mới, có chất lượng cao; phản ánh khá đầy đủ và toàn diện những kết quả đạt được, những hạn chế, khuyết điểm, yếu kém; chỉ ra nguyên nhân, bài học kinh nghiệm, dự báo được tình hình và định hướng mục tiêu, đề ra nhiệm vụ, giải pháp trên các lĩnh vực trong thời gian tới khá cụ thể, phù hợp với tình hình đất nước; gắn kết chặt chẽ giữa lý luận với thực tiễn; có nhiều điểm mới; phản ánh được tâm tư, nguyện vọng của nhân dân; thể hiện tầm cao trí tuệ của Đảng. Một số ý kiến đề nghị phân tích sâu hơn kết quả đạt được và hạn chế, khuyết điểm, yếu kém, cần có phụ lục số liệu để chứng minh; khắc phục một số đánh giá, nhận định mâu thuẫn giữa thành tựu, ưu điểm với hạn chế, yếu kém; bổ sung, sửa đổi một số từ ngữ.
Tiểu ban Văn kiện đề nghị Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị trân trọng và chân thành cảm ơn các ý kiến đóng góp tâm huyết, trí tuệ, với tinh thần trách nhiệm cao của đại hội đảng các cấp, của các đại biểu Quốc hội, của Mặt trận Tổ quốc, các đoàn thể nhân dân, các tổ chức, cán bộ, đảng viên và nhân dân, kiều bào ta ở nước ngoài; cho tiếp thu tối đa những ý kiến hợp lý, xác đáng ở tầm văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc của Đảng, để hoàn chỉnh dự thảo các văn kiện; đồng thời, những ý kiến về các vấn đề cụ thể có giá trị Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư khóa XII sẽ sử dụng để chỉ đạo trong hoạt động thực tiễn.
Phát biểu kết luận cuộc họp, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng bày tỏ sự vui mừng trước các ý kiến đóng góp tâm huyết, trí tuệ, với tinh thần trách nhiệm cao đại hội đảng các cấp, của các đại biểu Quốc hội, của Mặt trận Tổ quốc, các đoàn thể nhân dân, các tổ chức, cán bộ, đảng viên và nhân dân, kiều bào ta ở nước ngoài. Các cơ quan được giao trách nhiệm đã tổng hợp nghiêm túc, công phu các ý kiến đóng góp. Tổng Bí thư đề nghị Tổ biên tập văn kiện rà soát, cân nhắc kỹ trên cơ sở các ý kiến đóng góp để tiếp tục hoàn thiện dự thảo các văn kiện trước khi trình lên Bộ Chính trị và Ban Chấp hành Trung ương. Đặc biệt cần xem xét bổ sung, cập nhật các ý kiến đóng góp dựa trên tình hình mới vì dự thảo các văn kiện đã được chuẩn bị từ năm 2013.
MINH GIANG