(SGGP).- Sáng 28-11, tổ đại biểu Quốc hội (ĐBQH) đơn vị 4 gồm các đại biểu (ĐB): Lê Thanh Hải, Ủy viên Bộ Chính trị, chỉ đạo, lãnh đạo các hoạt động của TPHCM; Huỳnh Thành Đạt, Phó Giám đốc Đại học Quốc gia TP; Nguyễn Phước Lộc, Vụ trưởng Vụ Đoàn thể Nhân dân, Ban Dân vận Trung ương đã tiếp xúc với các cử tri của quận 5 và quận 10 - TPHCM để thông báo về kết quả kỳ họp thứ 10, Quốc hội khóa XIII.
Đồng chí Lê Thanh Hải,Ủy viên Bộ Chính trị,tiếp xúc cử tri quận 10, TPHCM Ảnh: Việt Dũng
Sau khi nghe báo cáo kết quả kỳ họp, cử tri Vũ Đức Thuần (phường 4 quận 5) đề nghị Quốc hội cần tăng cường giám sát chặt chẽ, có hiệu quả hơn nữa việc thực hiện chính sách, pháp luật về quản lý chất lượng, vệ sinh an toàn thực phẩm bởi vấn đề này vẫn đang là bức xúc và lo lắng lớn trong dân. Cử tri Nguyễn Vĩnh Xuyên (phường 3 quận 5) đề nghị Quốc hội cần tăng cường giám sát việc thực hiện các chính sách đặc thù đối với vùng đồng bào dân tộc thiểu số và những địa bàn đặc biệt khó khăn để giảm nghèo bền vững. Một trong những nội dung quan trọng là tổ chức thành công bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XIV sắp tới là phải chọn cho được những người đủ tâm huyết, thực tài, luôn đặt mình vào vị trí của người dân để giám sát, chất vấn quyết liệt những vấn đề nóng, bức xúc đang đặt ra trong cuộc sống. Muốn được vậy, cần đổi mới mạnh mẽ hơn nữa công tác bầu cử, ứng cử thì mới chọn được nhiều ĐB đáp ứng mong đợi của dân.
Góp ý cho công tác phòng chống tham nhũng (PCTN), cử tri Vũ Nga, (phường 5 quận 10) cho rằng tình trạng tham nhũng vẫn ngày càng tinh vi và phức tạp, gây bức xúc lớn trong dân, thời gian tới cần những giải pháp cụ thể, hữu hiệu hơn nữa để công tác PCTN có chuyển biến mạnh. Cử tri này đề nghị ĐBQH tiếp tục giám sát chặt tình trạng các địa phương đã và đang có kế hoạch xây dựng công sở tập trung hàng ngàn tỷ đồng vì nếu không có giải pháp triệt để sẽ càng làm cho nước ta đã nghèo lại nghèo thêm, khó chồng khó.
Thay mặt tổ ĐBQH, đồng chí Lê Thanh Hải đánh giá cao những đóng góp ý kiến của cử tri và khẳng định sẽ tổng hợp tất cả các ý kiến, kiến nghị của cử tri lên Quốc hội trong thời gian tới. Trả lời về vấn đề PCTN, lãng phí, đồng chí Lê Thanh Hải nhìn nhận, tính chất tham nhũng đang ngày càng phức tạp, thủ đoạn tinh vi hơn, phạm vi, tính có tổ chức của các vụ việc, vụ án tham nhũng rõ nét hơn. Một số vụ án tham nhũng gây hậu quả rất nghiêm trọng, làm thất thoát lớn tài sản của Nhà nước. Đồng chí Lê Thanh Hải khẳng định, đấu tranh PCTN là công việc rất quan trọng, nhưng cũng cực kỳ khó khăn, phức tạp. Đảng và Nhà nước ta đã thấy sớm và đã tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện quyết liệt công tác PCTN hơn 10 năm qua và sắp tới vẫn còn nhiều việc phải làm, phải kiên trì, quyết liệt hơn nữa. Để PCTN hiệu quả hơn, đồng chí Lê Thanh Hải cho biết, năm 2016 Chính phủ tiếp tục đẩy mạnh PCTN, coi đây là nhiệm vụ trọng tâm trong chỉ đạo, điều hành thực hiện. Trong đó, sẽ tăng cường kiểm tra, đôn đốc, xử lý vi phạm trong việc tổ chức thực hiện các biện pháp PCTN, chú trọng các giải pháp như: kê khai tài sản, thu nhập, chống kê khai hình thức tiến tới kiểm soát thu nhập của người có chức vụ, quyền hạn; tăng cường công khai minh bạch trong hoạt động của các cơ quan; chống phiền hà, nhũng nhiễu nhân dân; quản lý, kiểm soát chặt chẽ việc thu, chi ngân sách; việc chi tiêu công; tiếp tục đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính theo hướng đơn giản, công khai, minh bạch hơn.
HỒNG HIỆP