Tiết giảm phải đi vào thực chất

Khởi đầu bằng lễ ký của Tập đoàn Bảo Việt (ngày 14-2) đến nay, sau gần 1 tháng đã có 8/21 tập đoàn, tổng công ty lớn của Nhà nước tổ chức ký giao ước tiết kiệm, tiết giảm chi phí sản xuất, nâng cao hiệu quả kinh doanh theo Nghị quyết 01 của Chính phủ. Doanh nghiệp cam kết nhỏ nhất cũng lên đến 105 tỷ đồng (Tổng Công ty Hàng hải Việt Nam - Vinalines), nhiều nhất tới hơn 3.700 tỷ đồng (Tập đoàn Dầu khí Việt Nam). Tổng số tiền được các doanh nghiệp cam kết tiết kiệm lên hơn 6.500 tỷ đồng.

Các chi phí được doanh nghiệp hướng tới cắt giảm đều tập trung vào: các chi phí quản lý, thắt chặt định mức chi tiêu; rà soát, hiệu chỉnh các định mức về tiêu hao nguyên nhiên vật liệu, năng lượng...

Trong tiết giảm của doanh nghiệp có những cam kết đáng chú ý như: số tiền tiết kiệm của Vinalines tương đương với 160% lợi nhuận năm 2011 của doanh nghiệp; có doanh nghiệp đã chủ động tiết kiệm chi phí lớn nhưng năm nay tiếp tục tiết giảm (Tập đoàn Dệt may – Vinatex, năm 2011 tiết kiệm được 741,9 tỷ đồng); cũng có doanh nghiệp như Tập đoàn Điện lực Việt Nam điều tiết sản lượng điện tiêu dùng trong toàn xã hội để giảm chi phí sản xuất điện 1.300 tỷ đồng…

Việc tiết giảm chi phí đối với mỗi doanh nghiệp, dù là khu vực Nhà nước hay tư nhân là việc làm hết sức cần thiết trong bối cảnh lạm phát, lãi suất vẫn ở mức cao. Điều này sẽ góp phần đưa sản phẩm đến tay người tiêu dùng một cách hợp lý hơn. Việc tiết giảm chi phí là bước đi đầu tiên trong quá trình tái cấu trúc doanh nghiệp nhà nước theo chiều sâu. Những cam kết cắt giảm này còn có ý nghĩa quan trọng không chỉ từ góc độ doanh nghiệp mà còn trên góc độ xã hội trong việc san sẻ khó khăn cùng Chính phủ, nhân dân ở vai trò là nòng cốt, trụ cột của nền kinh tế đất nước để vượt qua giai đoạn khó khăn hiện nay.

Tuy nhiên, câu hỏi được đặt ra là tại sao đến 4 năm sau kể từ cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu dẫn đến những khó khăn lớn đối với nền kinh tế thế giới nói chung, Việt Nam nói riêng, đến nay việc tiết giảm mới được đặt ra mạnh mẽ? Và điều đáng nói, quyết tâm này lại khởi nguồn từ một yêu cầu mang tính mệnh lệnh hành chính (Nghị quyết 01 và chỉ thị của Bộ Tài chính). Ngoại trừ một số doanh nghiệp như Vinatex đã chủ động tiết giảm trước đó do chịu sức cạnh tranh lớn trên thị trường xuất khẩu, nhiều doanh nghiệp nhà nước khác dường như vẫn “bình chân như vại”.

Một số chuyên gia kinh tế cho rằng, nếu những doanh nghiệp trụ cột này thực hiện việc tiết giảm quyết liệt và thường xuyên như nhiều doanh nghiệp khu vực ngoài quốc doanh đã làm thì tác động sẽ rất lớn. Bởi sản phẩm của những doanh nghiệp này đang là đầu vào của hầu hết các ngành kinh tế. Còn nhớ, cách đây khoảng 4 năm, trong bối cảnh giá cả, nguyên vật liệu tăng cao, Thủ tướng Chính phủ đã yêu cầu các tập đoàn, tổng công ty nhà nước phải thực hành tiết kiệm, tính toán cắt giảm chi phí, đồng thời rà soát cắt giảm các dự án kém hiệu quả để dồn vốn cho các công trình dự án sắp hoàn thành; tập trung đẩy mạnh sản xuất kinh doanh và xuất khẩu, cố gắng hoàn thành kế hoạch đã đề ra.

Song từ đó đến nay, câu chuyện về cắt giảm chi phí dường như mới chỉ… bắt đầu? Việc thực hiện bao nhiêu, thực hiện đến đâu không được công khai và chủ yếu nhờ vào tính tự giác của doanh nghiệp. Thực tế cho thấy, hiện tượng lãng phí trong chi tiêu và đầu tư công ở khu vực kinh tế nhà nước đã và đang diễn ra khá nhiều. Do vậy, các doanh nghiệp nhà nước vẫn còn nhiều dư địa cho chủ trương tiết kiệm chi phí tài chính.

Cách đây không lâu, dư luận đã từng bất bình xung quanh kết quả kiểm tra của Bộ Tài chính với Tổng Công ty Xăng dầu Việt Nam (Petrolimex). Trong đó, Bộ Tài chính đã chỉ ra rằng Petrolimex đã chi vượt định mức chi phí kinh doanh hơn 500 tỷ đồng. Do vậy, người ta có quyền đặt câu hỏi việc Petrolimex cam kết tiết giảm 137 tỷ đồng vừa qua liệu có thực chất? Từ đó, đương nhiên câu hỏi này không chỉ dành riêng cho Petrolimex.

Theo các chuyên gia, để việc tiết giảm chi phí của các doanh nghiệp nhà nước trở thành công việc bình thường như bất kỳ tổ chức kinh doanh nào tham gia kinh tế thị trường, không còn cách nào khác đặt doanh nghiệp nhà nước vào môi trường kinh doanh bình đẳng. Bên cạnh đó, cần kiên quyết thay đổi cơ chế giao, cấp vốn bằng cơ chế đầu tư vốn nhằm nâng cao hiệu quả sử dụng, tăng cường trách nhiệm trong quản lý vốn, bảo toàn và phát triển vốn. Như vậy, hiệu quả của việc tiết giảm sẽ đi vào thực chất hơn.

Hà My

Tin cùng chuyên mục